Rời Amazon Web Services Việt Nam, ông Hoàng Nguyễn đầu quân cho Vingroup để giải bài toán cung cấp giải pháp quản trị khách sạn – một ngành mà ông chẳng biết tí gì. Kế hoạch xây dựng phần mềm trong 2 năm cũng bị Ngài “Thần tốc” bác bỏ….
Một ngày đầu tháng 12 năm 2018, ông Hoàng Nguyễn xếp hàng dài ở thang máy trước khi bước vào phòng họp nhỏ cùng với 8 người trong team – những thành viên đầu tiên của công ty chuyên cung cấp sản phẩm công nghệ cho ngành quản trị khách sạn VinHMS.
Hoàng Nguyễn tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị Hệ thống Thông tin tại Đại học Houston – Clear Lake, Mỹ và có bằng Cử nhân Kỹ sư Máy tính tại Đại học Bách khoa TPHCM.
Vị kiến trúc sư giải pháp (Solution Architect) đầu tiên của Amazon Web Services Việt Nam thừa nhận ông không biết tí gì về ngành khách sạn. Ông cũng dự định xây dựng phần mềm trong 2 năm rồi sẽ xem xét tiếp – một kế hoạch nghe có vẻ phù hợp với khối lượng công việc khổng lồ khi muốn thay thế vị trí của “người số 1” trong ngành. Nhưng kế hoạch đó không được duyệt bởi vị sếp của Vingroup – người vốn nổi tiếng với 2 chữ “Thần tốc”.
Câu trả lời ông Hoàng Nguyễn nhận được là: “Hãy hoàn thành và triển khai mọi thứ cho Vinpearl trong 20 tháng hoặc ‘cuốn gói'”.
“Nghe có vẻ bất khả thi, nhưng điều bất khả thi đó hóa ra lại trở thành công cụ tuyển dụng hấp dẫn nhất của chúng tôi. Các developers tài năng thích biến điều không thể thành có thể!”, ông Hoàng Nguyễn tâm sự trong bức thư kỷ niệm 5 năm thành lập VinHMS.
“Ngày biến thành tháng, quý biến thành năm. Vài dòng mã ít ỏi đã biến thành 400 dịch vụ vi mô trên các đám mây, một nhóm 8 người đã tăng lên hơn 400. Một khách sạn thí điểm đã mở rộng lên cả tập đoàn cùng nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Một vài “giao dịch thử nghiệm” đã biến thành 70 triệu giao dịch trị giá hàng trăm triệu đô la, hàng triệu lượt đặt chỗ, 10 triệu hồ sơ khách hàng và nhiều hơn thế nữa”.
VinHMS hiện diện tại 40 khách sạn ở 15 tỉnh, thành của Việt Nam, quản trị hơn 14.000 phòng. Đây là công ty công nghệ quản trị khách sạn đầu tiên của Việt Nam tham gia HTNG – Hiệp hội quốc tế định chuẩn giao thức cho các phần mềm của khách sạn.
“VinHMS không cố gắng xây dựng một giải pháp phần mềm quản lý khách sạn mới. Chúng tôi muốn cung cấp một nền tảng mở để các khách sạn thực hiện những sáng tạo trong kinh doanh. Điều quan trọng nhất về nền tảng của VinHMS là chúng tôi có thể dễ dàng kết nối và tích hợp với nhiều dịch vụ công nghệ để tối ưu chi phí, tăng doanh thu và nâng cao trải nghiệm của khách hàng ở khách sạn,” ông Hoàng Nguyễn – Tổng Giám đốc VinHMS – nhấn mạnh.
Sau 5 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, lãnh đạo VinHMS mới đây đã công bố sẽ vươn mình ra thị trường Đông Nam Á, trong đó khởi đầu sẽ là Thái Lan, Indonesia, Singapore và Campuchia.
Theo dữ liệu từ Statista, thị trường khách sạn khu vực đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, kết thúc năm 2023 đã vượt quy mô của thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Ước tính giai đoạn 2024-2027, thị trường tiếp tục tăng trưởng đều đặn khoảng 4%/năm để chạm mốc gần 16 tỷ USD trong năm 2028. Điều đáng nói, tỷ trọng doanh số từ kênh trực tuyến đang ngày càng áp đảo, từ mức 67% tính đến cuối năm 2023 dự báo lên 78% trong năm 2028. Điều này mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường ngành du lịch và quản trị khách sạn như VinHMS.
Để đón đầu làn sóng tăng trưởng ở khu vực, ông Hoàng Nguyễn cho biết VinHMS đã vạch sẵn các chiến lược cụ thể dựa trên hai nguyên tắc chính là Mở và Chuẩn hóa để phát triển sản phẩm tối ưu cho các thị trường Đông Nam Á.
Trong đó, việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế như ISO 27001:2013 hay PCI/DSS chứng minh độ tin cậy của CiHMS và giúp giải pháp của VinHMS có thể thoả mãn những yêu cầu khắt khe nhất khi tích hợp với các chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới. Lãnh đạo VinHMS nhấn mạnh đây vẫn là định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm xây dựng uy tín với các đối tác tầm quốc tế.
Đồng thời, công nghệ Mở giúp CiHMS có thể đáp ứng được nhu cầu bản địa hóa của các thị trường khác nhau, từ việc tích hợp với VNPT để xuất hoá đơn điện tử theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam đến việc kết nối với các cổng thanh toán nội địa ở Campuchia (ABA) và Thái Lan (OPN). Qua đó, chủ khách sạn và du khách ở mỗi thị trường sẽ có những trải nghiệm đặc thù theo quy trình và chi phí tối ưu nhất.
“Cải tiến sản phẩm là một chu trình không bao giờ kết thúc. Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe khách hàng, đối tác của mình để tìm hiểu nhu cầu cũng như những thách thức họ phải đối mặt, qua đó phát triển sản phẩm với những tính năng phù hợp với từng thị trường địa phương,” ông Hoàng Nguyễn nhấn mạnh.
An ninh tiền tệ