(KTSG Online) – Việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, cùng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán được kỳ vọng sẽ góp phần giảm rủi ro từ sở hữu chéo…
(KTSG Online) – Việc kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, cùng sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán được kỳ vọng sẽ góp phần giảm rủi ro từ sở hữu chéo ngân hàng trong bối cảnh khó có quy định nào có thể xử lý triệt để vấn đề.
Chưa có ‘liều thuốc’ hữu hiệu cho sở hữu chéo và sở hữu ẩn
Sở hữu chéo là một mục tiêu tàng hình, vì các ông/bà chủ dù chỉ nắm vài phần trăm cổ phần, vẫn có thể dễ dàng chi phối hoạt động tại ngân hàng.
Để hạn chế rủi ro, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, có hiệu lực từ 1-7-2024, đã điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân đã từ mức 5% xuống mức 3%.
Cổ đông là tổ chức cũng không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng, trong khi trước đây là 15%, trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Còn nhóm cổ đông và “người liên quan” chỉ được sở hữu tối đa là 15%, trong khi đước đây là 20%.
Với quy định mới, 17 cổ đông là tổ chức tại 13 ngân hàng thương mại cổ phần, một công ty tài chính có mức sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định tại ngân hàng (10% theo quy định mới – PV) được tiếp tục duy trì, nhưng không được tăng thêm cổ phần đến khi tuân thủ quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định tại luật, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
TS Phan Văn Thường, giảng viên Trường đại học quốc tế Hồng Bàng cho rằng, quy định sửa đổi trên chỉ có tác dụng hạn chế, làm chậm quá trình các cổ đông cấu kết, để đủ sức chi phối ngân hàng nào đó, chứ chưa ngăn chặn được sở hữu ẩn, giấu mặt.
Theo chuyên gia này, trong mô hình sở hữu ẩn, mục đích trong cấu kết của nhóm cổ đông là tuân theo các chỉ đạo của ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt. Bản thân người được thuê đứng tên cổ đông cũng có tâm lý hám lợi, nên sẵn sàng nhận mệnh lệnh từ người thuê.
Với sức mạnh chi phối ngân hàng gần như tuyệt đối, ông/bà chủ ngân hàng giấu mặt sẽ khống chế, thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng đó. Chẳng hạn, trong vụ án xảy tại SCB và Vạn Thịnh Phát, nhờ sở hữu ẩn, giấu mặt thông qua 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ nên bà Trương Mỹ Lan có thể chi phối SCB với tỷ lệ gần như tuyệt đối là 91,5%.
Đáng lưu ý, bà Lan về chính danh là cổ đông chỉ nắm giữ xấp xỉ 5% vốn, nhưng có quyền thao túng toàn bộ hoạt động củaSCB trong 10 năm, trước khi bị phát giác.
“Từ HĐQT, ban Tổng giám đốc điều hành, kiểm soát nội bộ đều thực thi chức trách vì mục đích phục vụ ông/bà chủ ngân hàng, dù cấu trúc tổ chức hoạt động của ngân hàng bề ngoài không có gì khác với một ngân hàng bình thường”, ông Thường cho biết.
Cũng theo vị này, quy định công khai thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% cổ phần trở lên tại Luật Các tổ TCTD sửa đổi không có giá trị ngăn chặn cổ đông đứng tên hộ ông/bà chủ ngân hàng trong sở hữu ẩn.
Ngoài ra, yêu cầu ngân hàng phải niêm yết, lưu giữ thông tin cổ đông nắm giữ từ 1% vốn trở lên tại trụ sở chính sẽ làm giảm vai trò giám sát của công chúng trong phát hiện cổ đông đứng tên hộ sở hữu ẩn ngân hàng, do mỗi ngân hàng đều có mạng lưới chi nhánh khắp cả nước, nhưng chỉ có một trụ sở chính.
“Nếu ngân hàng nào đó công khai thông tin về cổ đông ra công chúng để công chúng soi chiếu thì may ra mới phát giác được một số cổ đông nhất định đang đứng tên hộ”, ông Trường nhấn mạnh.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng các quy định tại Luật các TCTD sửa đổi mới đáp ứng được 50% yêu cầu, còn lại phụ thuộc vào các quy định cụ thể liên quan, đặc biệt là việc thực thi luật của các ngân hàng và các cơ quan chức năng.
Theo đó, những “khe hở” hữu hình đã được lấp đầy bằng những quy định giảm mạnh tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức, công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần trở lên, mở rộng đối tượng là người có liên quan cùng với các yêu cầu nâng cao về quản trị, kiểm soát, điều hành và thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, những ‘khe hở’ vô hình lại phụ thuộc nhiều vào thái độ, quan điểm của các nhóm cổ đông lớn, nhất là những người chủ thực sự của ngân hàng.
“Nếu ngăn chặn, giám sát và xử lý để bảo đảm việc tuân thủ quy định thì không có gì đáng lo ngại với các quy định của Luật hiện hành. Nhưng nếu vẫn cứ để diễn ra thực trạng pháp luật một đằng, thực tế một nẻo thì không những chẳng triệt để, mà còn nguy cơ hơn vì độ vênh càng lớn trong khi thực tế ngày càng phức tạp”, ông Đức lưu ý.
Cần thêm ‘công cụ’ ngăn tuồn vốn vào sân sau
Chống sở hữu chéo, nhất là sở hữu gián tiếp là bài toán khó với cơ quan quản lý do mối quan hệ giữa ngân hàng và các công ty liên quan đến cổ đông, cá nhân liên quan thường rất phức tạp. Trong đó, có thể thông qua nhiều kênh như cho vay trực tiếp từ ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, phân phối trái phiếu cho khách hàng cá nhân của ngân hàng, hoặc thông qua công ty con của ngân hàng như công ty chứng khoán.
Thực tế, việc tăng cường sử dụng nợ vay qua các phương thức trên những năm gần đây, kết hợp với điều kiện tín dụng nới lỏng, tạo ra những rủi ro tín dụng như giai đoạn qua.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng vấn đề lớn nhất trong sở hữu ngân hàng hiện nay là hoạt động đầu tư ‘núp bóng’. Đây cũng là yếu tố khiến sở hữu chéo và sở hữu ẩn khó nhận diện.
Do đó, cần tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra – giám sát NHNN. Cụ thể, nên cho phép cơ quan thanh tra – giám sát ngân hàng được quyền điều tra. Bởi nếu không được tăng quyền, cơ quan thanh tra ngân hàng rất khó phát hiện được sở hữu chéo.
“Hiện nay, do không được phép, lực lượng thanh tra – giám sát ngân hàng không thể yêu cầu các cá nhân không liên quan đến tổ chức tín dụng cung cấp thông tin, nên rất khó nắm bắt tình hình”, ông Đức giải thích.
TS Phan Văn Thường cho rằng giải pháp hữu hiệu để giảm sở hữu ẩn ngân hàng là giám sát chặt đường đi dòng tiền mua cổ phần của cổ đông. Trên cơ sở đường đi của dòng tiền, xác định địa chỉ xuất phát của nó, mới có thể ‘chỉ mặt’ được cổ đông chính thức đang giấu mặt.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định xử phạt hình sự với mức răn đe cao về tội đứng tên hộ cổ đông ngân hàng. Bởi việc cách cắt đứt đường đi của dòng tiền như trong vụ án xảy ra tại SCB và Vạn Thịnh Phát thì việc lần ra địa chỉ xuất phát của dòng tiền là khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Trương Thanh Đức kiến nghị cần nhanh chóng sửa đổi các quy định liên quan, từ quy định về điều kiện, yêu cầu, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, cho đến chế tài xử phạt.
“Khi xã hội đã đồng thuận, điều luật đã rõ ràng, đòi hỏi sự tuân thủ rất cao, thì cần phải thay đổi quy định xử lý thật mạnh tay. Trong đó có thể xử phạt thật nặng cả về hành chính lẫn hình sự, không loại trừ việc tịch thu số cổ phần, cổ phiếu vượt quá giời hạn, vi phạm điều cấm của luật”, ông Đức đề xuất.
Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá, các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu, giảm giới hạn cấp tín dụng, yêu cầu sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công bố thông tin là cần thiết, nhưng chưa đủ. Theo đó, cần nâng cao vai trò của HĐQT, ban kiểm soát, tăng số lượng thành viên HĐQT độc lập.
Nhấn mạnh việc thanh tra, giám sát là cần thiết và phải vào cuộc khi có hiện tượng, biểu hiện bất thường, song ông Hùng cho rằng, không thể quá đặt nặng khâu này mà cần phát huy vai trò ban kiểm soát của tổ chức tín dụng.
“Vai trò của ban này rất quan trọng, ban phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, báo cáo kịp thời với hội đồng quản trị, thậm chí báo cáo NHNN về các vi phạm của HĐQT”, ông Hùng nói tại một toạ đàm về Luật các TCTD sửa đổi.
Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình xử lý tổng thể, kết hợp giữa quy định tại Luật các TCTD và các giải pháp khác như: kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký kinh doanh, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, điều tra, kiểm toán.