Cần làm gì để hoàn thiện ba trụ cột cho trung tâm tài chính quốc tế TPHCM?

(KTSG Online) – TPHCM cần những chính sách cụ thể và đặc trưng ra sao để hình thành trung tâm tài chính quốc tế? Toạ đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn…

Fatz Admin lúc 2023-06-01

(KTSG Online) – TPHCM cần những chính sách cụ thể và đặc trưng ra sao để hình thành trung tâm tài chính quốc tế? Toạ đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 1-6 đã đóng góp thêm một số ý tưởng, giải pháp cho vấn đề này.

Toạ đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 1-6-2023. Ảnh: Đăng Khoa

Một trong những thông tin thời sự đáng chú ý tuần qua là tại kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, với các cơ chế chính sách, đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo động lực cho địa phương này phát triển vượt trội.

Nhiều ý kiến cho rằng, để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, cần hoàn thiện thể chế chính sách cho ba trụ cột: thị trường tiền tệ – hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM cần những chính sách cụ thể và đặc trưng ra sao để hoàn thiện và phát triển ba trụ cột nêu trên?

QUẢNG CÁO

Nhằm phản ánh dòng chảy thời sự, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức cuộc tọa đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” với sự tham gia của các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nhằm cung cấp thêm ý tưởng, giải pháp mang tính thực tiễn để đóng góp cho TPHCM trong việc sớm hình thành trung tâm tài chính quốc tế.

Đi tìm sự khác biệt, thị trường ngách

Xoay quanh ba trụ cột: thị trường tiền tệ – hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh, TPHCM cần những chính sách cụ thể và đặc trưng ra sao để hoàn thiện và phát triển ba trụ cột này để trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, TS. Phùng Hương Giang, Giảng viên, Nghiên cứu viên Trường kinh doanh ISC ở Paris, nhấn mạnh cần tìm hiểu nhu cầu thế giới và hướng đến một thị trường ngách.

Việc hình thành TTTC quốc tế TPHCM đòi hỏi nhiều yếu tố như cơ sở hạ tầng, uy tín quốc gia, khả năng đáp ứng của Chính phủ và lòng tin của doanh nghiệp, người dân. Theo TS. Phùng Hương Giang, việc hướng vào ngách sẽ tạo sức hút riêng, đặc biệt là đối với các TTTC mới sẽ dễ có quy định pháp luật linh hoạt.

Một trong những thị trường ngách có thể nghĩ đến, theo TS. Phùng Hương Giang, chuyên gia thuộc tổ chức AVSE Global, là cung cấp sản phẩm tài chính số hay các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Đây là những ngách còn mới mà TTTC TPHCM có thể có lợi thế hơn là cạnh tranh trực diện với các TTTC lâu đời.

Đối với mô hình thu hút “sếu đầu đàn”, tức các nhà đầu tư đi tiên phong trong việc xây dựng TTTC quốc tế, theo bà Giang, từ kinh nghiệm quốc tế Việt Nam nên nghiên cứu tăng cường khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư mạo hiểm tư nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể sử dụng vốn đầu tư mạo hiểm bổ sung cho các công ty khởi nghiệp (startup) có vai trò quan trọng tầm quốc gia nhưng không thu hút được đầu tư từ khối tư nhân. Đầu tư mạo hiểm từ không chỉ là tiền mà còn là công nghệ, quản lý…cung cấp ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

Trong khi đó, từ góc độ quỹ đầu tư, ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Touchstone Partners, cho biết, cần cải thiện môi trường quản lý để khối tư nhân yên tâm hơn khi đầu tư vào startup vì lo ngại lớn nhất của họ là rủi ro pháp lý. Ông Khanh giải thích thêm, các mô hình mới ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực truyền thống đang bị vướng vì một số quy định từ mô hình truyền thống không thể áp dụng vào mô hình mới.

Vì vậy theo ông Khanh, cần có khung quy định cụ thể mới cho việc triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox). Tuy nhiên, sandbox phải cụ thể mới dễ vận hành vì dễ quá thì có thể sẽ gây hậu quả lớn nhưng quá bó buộc quá thì doanh nghiệp không làm được.

Làm sao để thu hút thêm nhà đầu tư chứng khoán?

Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, tạo cơ hội sinh lời và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, cần phải có nhiều giải pháp tăng độ hiệu quả của thị trường chứng khoán, tăng sức thu hút nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, hạn chế lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam là có đến 90% là nhà đầu cá nhân trong nước. Trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Mỹ… tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trên sàn rất cao, từ 30 đến hơn 50%.

Ngoài việc gia tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức, các sàn chứng khoán Việt Nam còn cần đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết, khống chế cổ phiếu rác, nâng cao mức chất lượng đầu vào hơn hiện nay. Việc cải thiện này cần đi kèm với quy trình đơn giản hơn cho việc niêm yết và hủy niêm yết cổ phiếu.

Cũng theo đề xuất của ông Minh, cần có chính sách cho phép nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản chứng khoán dễ hơn, cho phép tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài. Nên giảm nhóm ngành nghề hạn chế nhà đầu tư nước ngoài để thu hút họ tham gia thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, theo ông Minh, cần sớm có quy định cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết cổ phiếu. Trong giai đoạn đầu, có thể áp dụng cơ chế phân loại nhóm để cho một số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là cơ chế vừa góp phần tạo thêm dòng vốn cho doanh nghiệp FDI, vừa góp phần tăng thêm hàng hoá có chất lượng tốt cho thị trường chứng khoán.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể nghiên cứu mô hình như Đài Loan cho phép kết nối giao dịch chứng khoán phái sinh với các sàn chứng khoán ở Mỹ. Từ khi Đài Loan cho phép giao dịch này, các nhà đầu tư Đài Loan giao dịch cả vào ban đêm ở Đài Loan vì khi đó các sàn ở Mỹ bắt đầu mở cửa.

Các diễn giả đang chia sẻ ý kiến tại toạ đàm “TPHCM cần cơ chế đặc thù ra sao để phát triển trung tâm tài chính quốc tế?” vào ngày 1-6-2023. Ảnh: Đăng Khoa

Năng lực cạnh tranh phải bắt đầu từ chính sách

Chủ đề năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính quốc tế sẽ dựa trên những giá trị cốt lõi nào, để từ đó có thể tạo thành điểm nhấn, thành nét đặc trưng của riêng TPHCM để thu hút các định chế tài chính trên thế giới tham gia được các diễn giả thảo luận sôi nổi.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, năng lực cạnh tranh của TTTC quốc tế TPHCM có nét đặc trưng riêng ở tính năng động, chịu thay đổi, thay đổi nhanh, tiếp cận tốt với công nghệ mới. Tuy nhiên, cần giải quyết sớm điểm yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam là tình trạng thiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Để tăng cường năng lực phục vụ công nghệ cho TTTC quốc tế,  cần thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) về trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dưc liệu lớn (big data) … để phục vụ cho doanh nghiệp trong hai lĩnh vực logistics và fintech và thông qua đó sẽ thu hút được thêm nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà nước có thể đầu tư một phần vào các startup công nghệ phù hợp như một cơ chế hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần có sàn giao dịch cổ phiếu riêng với các quy định đặc thù để mở ra kênh tiếp nhận vốn cho các startup này.

Một chính sách được TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đặc biệt nhấn mạnh tại buổi toạ đàm là tự do chu chuyển vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Huân, việc dòng vốn không được chu chuyển tự do đang là rào cản lớn nhất hiện nay. Vì vậy, nếu cần chính sách ưu tiên thì cần nhất là dòng vốn phải được chu chuyển tự do. Có sự khơi thông dòng vốn thì thị trường tài chính mới phát triển được.

Đồng tình với ý kiến của TS. Huân, ông Minh của Yuanta Việt Nam cho biết thêm, dòng vốn đang bị hạn chế cả đi vào lẫn đi ra. Với quy định hiện nay, khi nhà đầu tư nước ngoài chọn sai kênh đưa vốn vào thì sẽ có thể không rút vốn ra được.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần sớm cập nhật chuẩn mực kế toán để có thể định giá được các loại tài sản công nghệ mới xuất hiện gần đây như NFT (Non-fungible token – tài sản số dưới dạng blockchain) chẳng hạn. Hiện chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa ghi nhận được những loại tài sản “phi truyền thống” như vậy.

Tọa đàm diễn ra chiều ngày 1-6-2023 tại Tạp chí Kinh tế Sài Gòn với sự tham gia của bốn diễn giả:

TS. Phùng Hương Giang, Giảng viên, Nghiên cứu viên Trường kinh doanh ISC ở Paris; Chuyên gia thuộc tổ chức AVSE Global – tham dự trực tuyến từ đầu cầu Paris (Pháp);

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM;

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc điều hành, Quỹ đầu tư Touchstone Partners;

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu và phát triển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.