(KTSG Online) – Câu chuyện kiểm tra chất lượng “hàng hóa” chứng khoán sau khi niêm yết dường như vẫn còn bỏ ngỏ, để lại rủi ro cho nhà đầu tư khi gặp phải những doanh nghiệp cố ý “vượt rào”. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng…
(KTSG Online) – Câu chuyện kiểm tra chất lượng “hàng hóa” chứng khoán sau khi niêm yết dường như vẫn còn bỏ ngỏ, để lại rủi ro cho nhà đầu tư khi gặp phải những doanh nghiệp cố ý “vượt rào”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2-2024 cuối tuần trước, người phát ngôn của Bộ Công an đã phản hồi một số nội dung liên quan đến vụ án ông Trịnh Văn Quyết với cáo buộc là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán1.
Trong số những bài học rút ra, đại diện Bộ Công an có nhắc đến những “sơ hở” của cấp quản lý thị trường. Theo đó, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát với việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp. Cơ chế tự khai, tự nộp và không ai kiểm tra, giám sát nên hồ sơ được hợp thức hóa. Tiếp sau đó là quy định quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng và dịch vụ kiểm toán, trách nhiệm cá nhân ở các vị trí này còn chưa cụ thể.
Theo kết luận điều tra bổ sung, các lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cũng bị cáo buộc đã giúp cho ông Trịnh Văn Quyết niêm yết Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) dù biết rằng báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này đã lưu ý rằng “không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”.
Kết quả ROS vẫn được “phù phép” để niêm yết, tăng vốn ảo từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Sau khi lên sàn, công ty này còn tiếp tục hai lần tăng vốn điều lệ khống lên 5.600 tỉ đồng2.
Tăng vốn nhanh là một cách để “khoe” sức mạnh tài chính với các nhà đầu tư, nhưng “quá nhanh” và bất thường thì lại là vấn đề cần được làm rõ.
Thực tế theo quan sát của người viết trong nhiều năm qua, cộng đồng nhà đầu tư cá nhân không phải là không nhận ra sự bất thường của cổ phiếu thuộc “họ FLC”. Ngược lại, dòng tiền đầu cơ vẫn chảy vào những cổ phiếu thuộc dạng này.
Vậy nên, câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao thị trường để “lọt” những trường hợp này trong một thời gian kéo dài như vậy, trong khi vẫn cần phải có báo cáo kiểm toán hàng năm? Thị trường chứng khoán phải chăng đang thiếu một cơ chế “hậu kiểm” sau khi doanh nghiệp niêm yết?
Thực tế trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán được xem là bản đánh giá để nhà đầu tư xem xét, lựa chọn doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư.
Thậm chí HOSE có bộ quy định nhiều liên quan đến việc kiểm toán. Trên thị trường cũng có không ít cổ phiếu bị cảnh báo, rơi vào diện kiểm soát, thậm chí lưu ý khả năng hủy niêm yết vì chậm nộp báo cáo kiểm toán năm liên tiếp.
Nhưng chính hoạt động “hậu kiểm” thông qua báo cáo tài chính cũng gặp những khó khăn với nhiều câu chuyện phức tạp trong ngành.
Chẳng hạn như gần đây nhất là câu chuyện của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) xin hoãn nộp báo cáo kiểm toán năm 2023 vì hai kiểm toán viên của Công ty kiểm toán AASCS bị tước giấy phép hành nghề3.
Văn bản của ITA nói rằng không thể tìm được đơn vị kiểm toán dù liên hệ tới 30 công ty (được chấp nhận kiểm toán doanh nghiệp niêm yết). ITA thậm chí còn đặt vấn đề về việc cơ quan quản lý “cố tình gây khó khăn” và cho biết thêm rằng kiểm toán viên cho ITA trước đó cũng bị tước giấy phép (tại Ernst & Young Việt Nam).
Tranh cãi vì kiểm toán không phải là trường hợp đơn lẻ mà phổ biến trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng dịch vụ kiểm toán năm 2023 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước công bố hồi tháng 2 vừa qua cho thấy tình trạng hồ sơ kiểm toán đơn vị niêm yết đã có kiểm soát chất lượng độc lập nhưng chất lượng kiểm toán vẫn không đạt yêu cầu.
Chẳng hạn, một số vấn đề quan trọng được nêu ra như một vài hồ sơ chưa xem xét đầy đủ rủi ro ban giám đốc khống chế các kiểm soát, gian lận trong việc ghi nhận doanh thu; chưa kiểm tra đầy đủ độ tin cậy của tài liệu, thông tin từ khách hàng cung cấp để làm bằng chứng kiểm toán; hay trường hợp báo cáo kiểm toán nhấn mạnh về “khả năng hoạt động liên tục của đơn vị” nhưng không trình bày thông tin về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị được kiểm toán.
Nếu nhìn từ báo cáo này, có lẽ cũng không khó trả lời cho câu hỏi vì sao những cổ phiếu như ROS lại duy trì qua nhiều năm như vậy, thoát khỏi “hệ thống VAR” là kiểm toán hàng năm của thị trường.
Nhưng cũng có một điều quan trọng cũng cần lưu ý với nhà đầu tư rằng báo cáo kiểm toán cũng chưa hẳn là tất cả. Về bản chất, kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến đánh giá về tính trung thực, tính trình bày hợp lý tình hình tài chính dựa trên các khía cạnh trọng yếu của doanh nghiệp.
Điều này nghĩa là báo cáo vẫn sẽ có sai số mang tính “không trọng yếu”, còn rủi ro của nhà đầu tư chính là gặp phải những báo cáo chứa sai sót mang tính ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
Hoạt động kiểm toán cũng có những rủi ro riêng. Một trong số đó là “rủi ro phát hiện”, khi thủ tục hiện hữu mà kiểm toán viên áp dụng không thể phát hiện ra sai sót trọng yếu trong báo cáo của doanh nghiệp.
Do đó, vấn đề của nhà quản lý là cần phải có bộ lọc riêng của mình, để làm sao phân loại được cổ phiếu lên sàn nhằm lừa đảo, trục lợi từ thị trường vốn (gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) chứ không phải huy động vốn cho hoạt động kinh doanh đơn thuần.
——
1 https://baophapluat.vn/vu-an-flc-phoi-hop-de-bit-cac-lo-hong-ve-quan-ly-post505330.html
2 https://vnexpress.net/cach-lanh-dao-hose-giup-trinh-van-quyet-chiem-doat-3-600-ty-dong-4715087.html
3 https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tan-tao-ita-de-nghi-ngung-ngay-hanh-dong-gay-hanh-dong-ap-luc-den-cac-kiem-toan-vien-post339960.html
Kinh tế Sài Gòn Online