(KTSG) – Hiện nay, để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hội khuyến học các cấp địa phương cũng như hội khuyến học của các cơ sở giáo dục thường vận động các mạnh thường quân ủng hộ bằng các suất học bổng, nhằm…
(KTSG) – Hiện nay, để hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hội khuyến học các cấp địa phương cũng như hội khuyến học của các cơ sở giáo dục thường vận động các mạnh thường quân ủng hộ bằng các suất học bổng, nhằm giúp các em vượt qua những khó khăn trước mắt, đặc biệt là đối với những học sinh có kết quả học tập khá, giỏi.
Tuy nhiên, để nhận được một suất học bổng như vậy, học sinh phải được nhà trường cân nhắc, lựa chọn theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của chính sách xã hội, như các em phải thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, và được địa phương xác nhận hoặc cấp sổ.
Trong thực tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt nhiều thách thức, hàng chục ngàn người đang lâm cảnh thất nghiệp, phải chịu áp lực nặng nề về nhiều thứ chi phí, trong đó có chi phí học hành của con cái, thì nếu chỉ dựa vào nguồn học bổng sẽ không đủ bảo đảm tính hỗ trợ rộng rãi và lâu dài. Không phải ai cũng dễ dàng được chính quyền địa phương cấp cho sổ hộ nghèo hay đóng một con dấu xác nhận gia đình khó khăn. Cho nên, để ngăn chặn tình trạng bỏ học, Nhà nước cần có một chính sách căn cơ.
Xét một khía cạnh khác trong hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập, nhưng có sự liên quan với vấn đề học sinh bỏ học, đó là về nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh – một trong những tiêu chí được áp dụng để đánh giá công việc của giáo viên chủ nhiệm.
Từ rất lâu, cứ vào mỗi đầu năm học, việc duy trì sĩ số học sinh luôn được đặt ra. Thường thì một lớp có tổng số 45 học sinh mà có 2-3 học sinh bỏ học là giáo viên chủ nhiệm sẽ bị đánh giá thi đua: không hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Những quy định này có thể là ý chí của ngành giáo dục và đào tạo, nhưng về khách quan, nó có vẻ không phù hợp thực tế, vì hoàn cảnh xã hội khác nhau giữa các vùng miền, giữa các cơ sở giáo dục, thậm chí giữa các lớp học. Điều này dẫn đến sự bất hợp lý, nếu không muốn nói là bất công, khi một giáo viên năng nổ hoạt động phong trào, vững vàng chuyên môn… nhưng vì bị vướng chỉ tiêu duy trì sĩ số mà mọi phấn đấu trong năm học của họ không được công nhận một cách chính thức, trong khi đó, họ bất lực trước điều kiện, hoàn cảnh gia đình của những em học sinh bỏ học.
Rõ ràng, nguyên nhân học sinh bỏ học phải được nhìn một cách sâu xa từ những điều kiện vĩ mô của hoàn cảnh xã hội, chứ không nên đổ hết cho trách nhiệm của thầy cô.
Thiết nghĩ, một chính sách căn cơ nhằm hạn chế học sinh bỏ học vì khó khăn về tài chính, đó là ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng một chương trình tín dụng học đường dành cho học sinh phổ thông, giống như chủ trương trước đây của Nhà nước về tín dụng sinh viên, với lãi suất tượng trưng hoặc ở mức 0%. Đó là một chính sách tốt đẹp mang tính bền vững, nhằm bảo đảm quyền lợi học tập của các em. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng cần xem xét điều chỉnh những bất cập trong quy chế thi đua trong nhà trường.
Kinh tế Sài Gòn Online