Cán bộ nhân viên Techcombank thu nhập bình quân 528 triệu đồng/người trong năm 2022

Trong năm 2022, Techcombank đã chi hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống. Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Techcombank, số lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống (bao gồm ngân hàng mẹ…

Fatz Admin lúc 2023-02-03
Cán bộ nhân viên Techcombank thu nhập bình quân 528 triệu đồng/người trong năm 2022

Trong năm 2022, Techcombank đã chi hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Techcombank, số lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống (bao gồm ngân hàng mẹ và 3 công ty con) tính đến cuối năm 2022 là 12.339 người, giảm 167 người so với cuối năm trước. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ có 11.545 nhân sự, giảm 191 người.

Trong năm qua, Techcombank đã chi hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống, tăng 2,5% so với năm 2021. Tính bình quân mỗi nhân sự trực thuộc Techcombank có thu nhập 44 triệu đồng/tháng, tương đương 528 triệu đồng trong năm 2022; riêng lương là 37 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ nhân viên Techcombank thu nhập bình quân 528 triệu đồng/người trong năm 2022 - Ảnh 1.

Số lượng nhân sự và thu nhập bình quân toàn hệ thống Techcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022)

QUẢNG CÁO

Tại ngân hàng mẹ, tổng số tiền chi trả lương, phụ cấp và thu nhập khác ở mức hơn 6.021 tỷ, tăng 1,1% so với năm 2021. Bình quân, mỗi nhân viên tại ngân hàng mẹ có thu nhập 43 triệu đồng/người/tháng, tương đương năm 2021. Riêng lương là 36 triệu đồng/người/tháng.

Cán bộ nhân viên Techcombank thu nhập bình quân 528 triệu đồng/người trong năm 2022 - Ảnh 2.

Số lượng nhân sự và thu nhập bình quân tại ngân hàng mẹ (Nguồn: BCTC riêng quý IV/2022)

Như vậy, thu nhập bình quân của nhân viên tại ngân hàng mẹ Techcombank thấp hơn khoảng 1 triệu/tháng so với mặt bằng chung.

Dù vậy, Techcombank vẫn là ngân hàng có thu nhập nhân viên cao nhất hệ thống, cao hơn mức bình quân 40,5 triệu đồng/người/tháng tại ”ông lớn” Vietcombank.

Không chỉ có chế độ lương và phúc lợi hấp dẫn, Techcombank còn rất tích cực phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài. Trong năm 2022, ngân hàng phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán.

Trước đó, Techombank đã phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP vào tháng 9/2021. Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng cũng chào bán lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Tuy nhiên, chương trình ESOP của Techcombank chủ yếu dành cho một số ít nhân sự cấp cao. Đơn cử, trong đợt phát hành năm 2021, chỉ có 237 trong tổng hơn 11.600 nhân sự của Techcombank mua cổ phiếu ESOP. Trong đó, riêng 9 vị trí cấp cao mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% lượng ESOP chào bán.

Về kết quả kinh doanh, Techcombank tiếp tục dẫn đầu nhóm tư nhân và đứng thứ hai toàn hệ thống, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 699 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 14,5% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% so với năm 2021 và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 9,9%, đạt 165,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,9% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng, giảm mạnh so với mức 44,8% của cuối năm 2021.

Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2022 là 358,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225,9 nghìn tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132,5 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37% trong tổng huy động vốn.

Về các chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn cuối năm 2022 ở mức 28,8%, thấp hơn so với giới hạn mới 34% theo quy định. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,2% vào cuối năm 2022, cao hơn khá nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, tăng 0,18 điểm % so với đầu năm 2022.

Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.