Bên cạnh nhiều đơn vị công bố kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, vẫn có một số tập đoàn, tổng công ty ghi nhận lỗ nặng hoặc không hoàn thành kế hoạch đề ra. Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than…
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết doanh thu tập đoàn đạt 168.500 tỷ đồng (tương đương gần 7 tỷ USD) – cao nhất trong lịch sử hoạt động. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỷ đồng, tăng 3.450 tỷ đồng so với kế hoạch; lợi nhuận 8.100 tỷ đồng, tăng 2,7 lần, tương đương tăng gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tổng tài sản năm 2022 của TKV là 123,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm; Vốn chủ sở hữu thời điểm 31/12/2022 dự kiến đạt 38,74 nghìn tỷ đồng, (Vốn điều lệ được phê duyệt là 35 nghìn tỷ đồng), hệ số bảo toàn vốn là 1,05 lần. TKV còn nộp về nhà nước hơn 2.900 đồng tỷ lợi nhuận còn lại.
Bên cạnh đó, TKV đã sản xuất được 39,4 triệu tấn than trong năm 2022, đạt 101% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021; nhập khẩu 4,75 triệu tấn than; tiêu thụ 46,5 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ trong nước 45,3 triệu tấn. Cùng với đó, TKV cũng sản xuất 1,47 triệu tấn alumin tăng 4% so với năm 2021 và tiêu thụ 1,45 triệu tấn; khai thác 105.000 tấn tinh quặng đồng, tăng 4,7%; sản xuất 30.000 tấn đồng, tăng 65% và tiêu thụ đồng tấm đạt 33.000 tấn, tăng 153%….
TKV cho biết, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào như xăng dầu, sắt thép, một số loại vật tư phải nhập khẩu trong năm 2022 liên tục tăng cao, đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất của tập đoàn, chi phí sản xuất trong năm tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Năm 2023, TKV đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022 và lợi nhuận đạt 5.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp Nhà nước khác cũng báo KQKD “khủng” trong năm 2022 là Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Cụ thể, Vinachem ghi nhận giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế ước đạt 61.057 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 21% so với năm 2021. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng (doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay), bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2021.
Năm 2022, Vinachem đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 2.052 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Trong năm 2023, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu 63.100 tỷ đồng, tăng 1,5% so với kế hoạch năm 2022.
Tương tự, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng gây ấn tượng khi cho biết xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm thành lập.
Theo đó, PVN ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 cao kỷ lục từ trước đến nay, lần lượt đạt 931.200 tỷ đồng và 82.200 tỷ đồng.
Sang năm 2023, do tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, PVN chỉ đặt mục tiêu doanh thu 677.700 tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), giảm 27% so với kết quả đạt được năm 2022, mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm đạt 34.000 tỷ đồng (giảm 58,6%).
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường vận tải hàng không sau 2 năm dịch bệnh, tổng doanh thu của ACV ước đạt 15.381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Lãi trước thuế là 7.561 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm trước đó.
Trong năm 2023, ACV đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 là 18.414 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 8.448 tỷ đồng, tăng 11%.
Tuy nhiên, bên cạnh đơn vị lãi lớn, vẫn còn một số tập đoàn, tổng công ty lỗ nặng.
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước lỗ năm 2022 là 31.000 tỷ đồng do yếu tố khách quan không được tăng giá điện.
Hay, Tổng Công ty viễn thông Mobifone không hoàn thành các kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trước thuế. Theo đó, doanh thu công ty mẹ Tổng công ty Viễn thông MobiFone năm 2022 ước đạt 28.329 tỷ đồng, thấp hơn 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu là 31.366 tỷ đồng, tương đương 10%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế 2.713 tỷ đồng, kém hơn 1.500 tỷ đồng so với kế hoạch là 4.310 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số đơn vị như Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty cà phê Việt Nam cũng không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế và không hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nhà nước.
Nhà Đầu Tư