Bộ trưởng Công Thương sẽ điện đàm với người đồng cấp của Mỹ để tiếp tục bàn luận về chính sách thuế trước khi nước này áp thuế đối ứng với Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng…
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm, cũng như các kênh khác nhau để tiến tới thu xếp điện đàm với người đồng cấp là trưởng đại diện Thương mại Mỹ nhằm tiếp tục có sự thảo luận, đàm phán.
Thông tin thêm về cuộc điện đàm sắp tới của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với người đồng cấp, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài – cho biết lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với phía bạn, khẳng định Việt Nam muốn xây dựng thương mại công bằng, sẵn sàng trao đổi, đàm phán giải quyết vướng mắc bất cập để hài hòa hơn.
“ Bài phát biểu của ông Trump có nhận xét tích cực với Việt Nam, là tín hiệu tốt để hai bên trao đổi trong vài ngày tới trước thời điểm ngày 9/4, hướng tới việc cùng xử lý vấn đề hai bên đang vướng mắc ”, ông Linh nói.
Bộ trưởng Công Thương sẽ điện đàm đồng cấp về chính sách thuế của Mỹ.
Cũng theo ông Linh, các cuộc điện đàm ở cấp bộ trưởng và các cấp kỹ thuật đang được khẩn trương triển khai thời gian sớm nhất sẽ giúp tháo gỡ cho vấn đề áp thuế đối ứng.
Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng được Thủ tướng giao làm Tổ phó tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Mỹ thời gian tới.
Ngày 2/4 (giờ địa phương), chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4/2025. Sau đó, kể từ ngày 9/4/2025, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn (Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar).
“Nguy cơ chiến tranh thương mại xảy ra trên diện rộng tương đối lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều nền kinh tế trên nhiều phương diện khác nhau, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, tiền tệ và thu hút đầu tư nước ngoài“, Bộ Công Thương nhận định.
Đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường.
Chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA, và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Các doanh nghiệp cũng phải nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
VTC