A.I (KTSG) – Trong những tuần qua, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có xu hướng biến động ngược chiều trên các thị trường. Trong khi giá đô la Mỹ giao dịch trên thị trường chính thức vẫn ổn định và thậm chí đi xuống, giá đô la Mỹ trên…
(KTSG) – Trong những tuần qua, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng có xu hướng biến động ngược chiều trên các thị trường. Trong khi giá đô la Mỹ giao dịch trên thị trường chính thức vẫn ổn định và thậm chí đi xuống, giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức lại có những thời điểm tăng vọt. Vì sao có hiện tượng này?
Vì đâu ngược chiều?
Sau khi tăng 15 đồng trong tháng 5-2024, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng giảm nhẹ trở lại 1 đồng trong tháng 6-2024. Đó cũng là mức giảm của giá niêm yết mua bán đô la Mỹ tại nhiều ngân hàng trong tháng 6. Trong khi đó, giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức bất ngờ tăng mạnh 340 đồng ở chiều mua vào và tăng 280 đồng ở chiều bán ra, đảo ngược với xu hướng giảm trong tháng 5. Giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức thậm chí còn vượt mốc 26.000 đồng/đô la trong những ngày cận cuối tháng 6.
Có một số lý do có thể lý giải cho hiện tượng ngược dòng này giữa các thị trường.
Đầu tiên, trong nỗ lực kiềm giữ tỷ giá để ổn định vĩ mô, bên cạnh việc bán ngoại tệ để tăng cung nhằm hỗ trợ thị trường, có lẽ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang cố gắng giữ tỷ giá trên thị trường chính thức không biến động quá mạnh. Tuy nhiên, với việc đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn đi lên, thị trường phi chính thức rõ ràng khó có thể đứng yên.
Tính riêng trong tháng 6, chỉ số USD Index đã tăng từ vùng 104 điểm lên vùng cao nhất – trên 106 điểm, tương đương mức tăng gần 2%. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn trì hoãn giảm lãi suất đang phần nào hỗ trợ cho sức mạnh của đô la Mỹ. Ngoài ra, tình hình chính trị bất ổn tại châu Âu với sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trước các cuộc bầu cử càng thúc đẩy giới đầu tư thoát khỏi đồng euro và trú ẩn vào đô la Mỹ, càng hỗ trợ đà đi lên của đồng tiền này.
Cán cân thanh toán quí 1-2024 thâm hụt hơn 1,37 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý là khoản mục lỗi và sai sót lên tới hơn 8 tỉ đô la Mỹ, gấp gần 2,1 lần so với quí 1-2023 và tương đương 48% của cả năm 2023. Điều này cho thấy các hoạt động găm giữ ngoại tệ, tình trạng nhập lậu hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài dường như đang tăng lên trong những tháng đầu năm nay, càng gây áp lực lên tỷ giá.
Một số ý kiến cho rằng nhu cầu gom đô la Mỹ để nhập lậu vàng, trong bối cảnh giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới, đặc biệt là đã xuất hiện tình trạng hai giá vàng, cũng góp phần gây áp lực lên giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức. Kể từ khi NHNN bán vàng miếng SJC qua bốn ngân hàng quốc doanh và công ty SJC, giá vàng miếng SJC đã giảm về quanh mốc 76 triệu đồng/lượng từ đầu tháng 6 đến nay, chỉ còn cao hơn giá thế giới quy đổi 4-5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC giao dịch trên thị trường phi chính thức vẫn đang cao hơn 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trên thị trường chính thức, tức cao hơn 7-9 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Mức chênh lệch này rõ ràng đủ hấp dẫn để kích thích các hoạt động gom đô la Mỹ để nhập lậu vàng nhằm ăn chênh lệch giá.
Dữ liệu cán cân thanh toán quí 1-2024 của NHNN công bố gần đây cũng phát đi tín hiệu tiêu cực, với mức thâm hụt hơn 1,37 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý là khoản mục lỗi và sai sót lên tới hơn 8 tỉ đô la Mỹ, gấp gần 2,1 lần so với quí 1-2023 và tương đương 48% của cả năm 2023. Điều này cho thấy các hoạt động găm giữ ngoại tệ, tình trạng nhập lậu hoặc chuyển ngân lậu ra nước ngoài dường như đang tăng lên trong những tháng đầu năm nay, càng gây áp lực lên tỷ giá.
Trong khi đó, việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán cũng phần nào tác động đến tâm lý thị trường. Trong phiên đầu tuần này (ngày 8-7), khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 2.300 tỉ đồng, mức cao nhất kể từ ngày 13-1-2023 đến nay. Đây cũng là phiên bán ròng liên tục thứ 23 của khối ngoại. Việc một số quỹ ETF liên tục bị rút vốn hoặc giải thể, cộng thêm thông tin một số nhà đầu tư lớn có kế hoạch thoái vốn khỏi các tập đoàn lớn của Việt Nam, báo hiệu một lượng đô la Mỹ có thể bị rút ra trong thời gian tới.
Kỳ vọng gì cho thời gian tới?
Dù vậy, xu hướng ngược chiều này được kỳ vọng sẽ sớm kết thúc, với giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức sẽ sớm hạ nhiệt trở lại, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn đang được cải thiện từ các hoạt động thương mại, đầu tư lẫn biện pháp can thiệp từ nhà điều hành. Thực tế giá đô la Mỹ trên thị trường phi chính thức cũng đã có những bước giảm nhanh trở lại từ đầu tháng 7 đến nay, với mức giảm 100 đồng trong tuần đầu tháng 7.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6-2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục 2,94 tỉ đô la Mỹ, nâng lũy kế xuất siêu sáu tháng lên mức 11,63 tỉ đô la Mỹ. Đây là mức xuất siêu kỳ sáu tháng đầu năm cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại, nhập siêu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 là 4,86 tỉ đô la Mỹ, theo đó cán cân thương mại hàng hóa – dịch vụ vẫn đang thặng dư 6,77 tỉ đô la Mỹ.
Ở hoạt động đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân là 10,84 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kỳ sáu tháng đầu năm của các năm từ năm 2020 đến nay. Như vậy, chưa tính kiều hối và nguồn thu từ du lịch quốc tế, lượng ngoại tệ trong nước đã được bổ sung thêm hơn 17,6 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm nay.
Liên quan tới nguồn cung từ NHNN, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VDSC, riêng trong tháng 6-2024 nhà điều hành đã bán ra khoảng 1,9 tỉ đô la Mỹ, tuy có giảm so với quy mô bán ngoại tệ của tháng 5-2024 song lũy kế đến ngày 3-7, công ty này ước tính nhà điều hành đã bán ra khoảng 6,4 tỉ đô la Mỹ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp tỷ giá trên thị trường chính thức giữ được sự ổn định hơn nhiều so với thị trường phi chính thức trong thời gian qua.
Bất chấp kết quả này, nhìn về chính sách tiền tệ và thị trường ngoại hối trong thời gian còn lại của năm nay, giới phân tích dự đoán vẫn sẽ có một số thời điểm tiền đồng tiếp tục chịu áp lực mất giá so với đô la Mỹ, cả trên thị trường chính thức lẫn phi chính thức.
Thứ nhất là do ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, nhu cầu nhập khẩu sẽ ngày càng gia tăng về những tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang hồi phục tích cực hơn, từ đó gây áp lực lên cầu ngoại tệ trong nước.
Thứ hai là giá đô la Mỹ dự kiến vẫn neo cao trên thị trường quốc tế. Với dự báo Fed chỉ có hai lần giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 và tháng 11, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, lãi suất cơ bản đô la Mỹ sau đó vẫn còn ở mức khá cao là 5%. Trong trường hợp NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp, tình trạng chênh lệch âm giữa lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ kéo dài cũng sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng.
Bên cạnh đó, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, với lợi thế dường như đang nghiêng về ứng cử viên Donald Trump, các nhà đầu tư quốc tế đang điều chỉnh danh mục đầu tư, bằng cách mua đô la Mỹ, trái phiếu chính phủ Mỹ và các tài sản khác để chuẩn bị cho kịch bản ông Donald Trump tái đắc cử.
Hiện các nhà giao dịch và chiến lược gia đều đồng tình rằng việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ thúc đẩy các giao dịch hưởng lợi từ sự gia tăng lạm phát do chính sách tài khóa lỏng lẻo và bảo hộ mạnh mẽ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc đô la Mỹ mạnh hơn, lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn và cổ phiếu ngân hàng, y tế và năng lượng Mỹ đều sẽ hưởng lợi.