Thế Giới Di Động vừa có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái qua đó hoàn thành 86,5% kế hoạch cả năm sau 6 tháng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thành viên HĐQT Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Huy Thanh Tùng đều nhận lương 0 đồng trong 6 tháng đầu năm. Đây là điều khá bất ngờ khi MWG vừa có quý thứ 2 liên tiếp tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành viên HĐQT Đặng Minh Lượm nhận lương 785,6 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đường 131 triệu/tháng. Theo giới thiệu, ông Lượm là Giám đốc nhân sự của MWG từ năm 2007. Trong khi đó, thành viên HĐQT Robert Willett “bỏ túi” hơn 1,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm từ phí tư vấn.
Tính chung tổng thu nhập từ lương của HĐQT và Tổng giám đốc MWG trong nửa đầu năm ở mức hơn 2,3 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, lương của dàn lãnh đạo MWG ở mức thấp kỷ lục với tổng thu nhập 3,9 tỷ đồng, chưa bằng một nửa giai đoạn trước đó.
Trong quý 2, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.234 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.172 tỷ đồng, gấp 69 lần so với cùng kỳ 2023. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp bán lẻ này tăng trưởng dương so với quý liền trước và cũng là mức lãi ròng cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.
Quý vừa qua, MWG ghi nhận một cột mốc quan trọng khi Bách Hóa Xanh (BHX) lần đầu tiên có lãi (7 tỷ đồng) sau khi doanh thu bình quân tháng 6 thiết lập ngưỡng kỷ lục 2,1 tỷ đồng/cửa hàng. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi điện máy EraBlue tại Indonesia vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.075 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 5.200% so với nửa đầu năm 2023. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp đã hoàn thành 52,5% kế hoạch doanh thu và 86,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần thực hiện 2023. Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch đề ra có lẽ nằm trong tầm tay của doanh nghiệp bán lẻ này. Đây là một sự chuyển biến tích cực sau một năm lợi nhuận lao dốc trước đó.
Theo ban lãnh đạo, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung sẽ đi ngang, thậm chí có thể giảm so với năm 2023 đối với một số mặt hàng không thiết yếu. Dù vậy, với nền tảng tài chính lành mạnh và “cơ thể” tinh gọn sau tái cấu trúc, Chủ tịch MWG cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng đối phó với những biến động thị trường, có dư địa và quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu trong năm 2024.
Nếu hoàn thành trên 110% kế hoạch lợi nhuận 2024 đề ra, MWG sẽ có thể triển khai phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho ban điều hành, các cán bộ quản lý chủ chốt của công ty và các công ty con sau một năm bị gián đoạn.
Theo phương án đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, MWG dự kiến sẽ phát hành ESOP với tỷ lệ tối đa là 2%, tương ứng không quá 29,25 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ là 1% nếu doanh nghiệp hoàn thành 110% kế hoạch lợi nhuận 2024. Cứ 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức 110% kế hoạch, tỷ lệ ESOP sẽ được cộng thêm 0,05%.
Tuy nhiên, kế hoạch phát hành ESOP của MWG còn có thể phụ thuộc vào diễn biến giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo đó, nếu diễn biến trung bình của giá cổ phiếu MWG trong năm 2024 không đạt hiệu suất tốt hơn tối thiểu 10% so với diễn biến trung bình của chỉ số VN-Index năm 2024 thì MWG có thể điều chỉnh giảm 80% của tỷ lệ phát hành ESOP nêu trên.
Giá bán cổ phiếu ESOP dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2025. Cổ phiếu ESOP mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm từ ngày phát hành, trong đó sau năm thứ nhất có 50% cổ phiếu được tự do chuyển nhượng.
An ninh Tiền tệ