Ngày 20/11 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức hội thảo chuyên đề “Preserving Asia as the Global Engine of Growth” dành cho các khách hàng của HSC. Khu vực…
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi năng động và đạt được những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế. Khi tăng trưởng tại các quốc gia phát triển đang chậm lại, Châu Á hiện được xem là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế toàn cầu
Dù vậy, bối cảnh hiện nay đặt ra những thách thức. Căng thẳng địa chính trị, tranh chấp thương mại toàn cầu và nỗ lực về phát triển bền vững đều đặt ra sự đe dọa cho sự tăng trưởng liên tục. Để duy trì động lực tăng trưởng, các nước trong khu vực phải dịch chuyển nguồn lực sang các ngành dịch vụ có năng suất cao hơn. Sự thay đổi này sẽ không chỉ đẩy tăng năng suất mà còn tạo ra những xu hướng và cơ hội mới trên toàn khu vực.
Triển vọng tăng trưởng ngắn hạn cải thiện tích cực
Đánh giá về triển vọng tăng trưởng GDP cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Johannes Wiegand, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF, cho biết trong ngắn hạn, triển vọng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được cải thiện nhẹ so với dự báo của IMF hồi tháng 4, dù mức tăng trưởng vẫn dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2024 và 2025.
Cụ thể, dự báo tăng trưởng của khu vực cho năm 2024 đã được điều chỉnh tăng lên 4,6% so với mức 4,5%, chủ yếu phản ánh sự tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm. Khu vực này dự kiến sẽ đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng toàn cầu năm 2024.
Dự báo kinh tế cho năm 2025 cũng được điều chỉnh tăng nhẹ lên mức 4,4% so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 4. Việc điều chỉnh tăng này là vì các điều kiện vĩ mô về tài chính, tiền tệ nới lỏng hơn, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế. Còn lạm phát đã giảm ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương được duy trì triển vọng tích cực trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý là các quốc gia mới nổi, đặc biệt như Ấn Độ và khu vực ASEAN, lại cho thấy sức bật đáng kể nhờ cầu tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu ổn định.
Riêng tại khu vực ASEAN, cả ba quốc gia Indonesia, Philippines và Việt Nam đều được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi hoạt động kinh tế ở Thái Lan có phần trầm lắng hơn.
Ông Johannes Wiegand, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế Khu vực (IMF) trình bày tại Hội thảo
Chèo lái với rủi ro và tăng năng suất
Tại hội thảo “Preserving Asia as the Global Engine of Growth”, nhiều chuyên gia cũng đã nhắc đến thêm các thách thức đối với khu vực, đặc biệt là trong môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều biến động hiện nay.
Sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ gần đây, đã dẫn đến những cuộc thảo luận và phân tích mới về mức độ ảnh hưởng của các chính sách kinh tế mà ông từng nêu lên trong đợt tranh cử vừa qua.
“Rủi ro phân mảnh địa kinh tế đang gia tăng, phản ánh căng thẳng địa chính trị leo thang, sự bất định về sức mạnh của nhu cầu toàn cầu, căng thẳng thương mại và khả năng mất ổn định tài chính”, ông Johannes Wiegand của IMF bình luận về những rủi ro hiện hữu hiện nay.
Một vấn đề quan ngại khác là khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đối mặt với sự suy giảm cầu trong nước của Trung Quốc, và áp lực giảm phát đối với giá cả và hoạt động xuất nhập khẩu trong khu vực.
Nhìn chung, theo đánh giá của ông Johannes Wiegand, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế với GDP bình quân đầu người tiệm cận mức trung bình toàn cầu và tỷ lệ giảm nghèo cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng của khu vực này đang chậm lại.
Trong quá khứ, tăng trưởng nhờ vào đầu tư và năng suất, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn tích lũy và nguồn nhân lực. Dù vậy, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng trưởng năng suất và đầu tư đã giảm động lực, thương mại hàng hóa cũng đã không còn tăng trưởng mạnh, còn những lợi thế nhân khẩu học đang mất dần. Năng suất nông nghiệp thấp hơn đáng kể so với các ngành khác, đòi hỏi cần cải thiện để thúc đẩy sự chuyển đổi cơ cấu.
Một rủi ro khác mà vị chuyên gia kinh tế với hơn 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu, chính sách phát triển và khí hậu của IMF, nhắc đến là nhiều nền kinh tế trong khu vực hiện phải đối mặt với nợ hộ gia đình cao và sự dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ làm thay đổi đáng kể thị trường lao động, thậm chí một số quốc gia có thể bị “bỏ lại phía sau” nếu không chuẩn bị đầy đủ cho hành trình chuyển đổi số. “Khả năng sẵn sàng về công nghệ số vì thế trở thành yếu tố quan trọng để hội nhập và tận dụng các cơ hội kinh tế mới của từng quốc gia trong khu vực”, ông Johannes Wiegand nhấn mạnh.
Ông Phạm Vũ Thăng Long – Giám đốc cấp cao Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô (HSC) thảo luận cùng diễn giả
Bài toán đặt ra với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là cần xem xét chuyển dịch các nguồn lực sang các dịch vụ có năng suất cao hơn, từ đó thúc đẩy năng suất và duy trì tăng trưởng. Theo đại diện IMF, để đạt được tăng trưởng bền vững, cần có các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Các chính sách này bao gồm đầu tư vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao; giảm các rào cản đối với việc tái phân bổ vốn và lao động trong các ngành thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh; tăng cường khả năng tiếp cận tài chính.
Trong thời gian tới, trước bối cảnh địa chính trị phức tạp, mỗi quốc gia trong khu vực sẽ cần có chiến lược riêng, vượt qua các biến động thị trường liên tục. Các diễn giả hội thảo “Preserving Asia as the Global Engine of Growth” vì vậy khuyến nghị doanh nghiệp cần bám sát thông tin về những diễn biến của thị trường quốc tế và nội địa, tiếp cận những đánh giá chuyên sâu để đón đầu xu hướng kinh tế toàn cầu và khu vực. Những kiến nghị cụ thể tại hội thảo cũng được kỳ vọng sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính phủ trong khu vực có những điều chỉnh kịp thời, để Việt Nam nói riêng, cũng như khu vực ASEAN, khu vực châu Á nói chung tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng của thế giới trong tương lai.
Tổ Quốc