Từ đầu tháng 10 đến nay, VTP đã tăng mạnh 44% giá trị, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng lên 13.800 tỷ đồng. Giữa lúc chỉ số chính của thị trường chứng khoán “hụt hơi”, cổ phiếu VTP của CTCP Bưu chính Viettel (Viettel…
Giữa lúc chỉ số chính của thị trường chứng khoán “hụt hơi”, cổ phiếu VTP của CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) tiếp tục diễn biến khởi sắc trong phiên 12/11. Thị giá VTP bất ngờ tăng kịch trần gần 7%, qua đó kết phiên ở mức 113.400 đồng/cp. Khối lượng cổ phiếu khớp lệnh lên tới gần 1,8 triệu đơn vị.
Với mức giá này, cổ phiếu Viettel Post một lần nữa xác lập đỉnh lịch sử trong thời gian ngắn, vượt qua mức đỉnh cũ 108.700 đồng/cp phiên 8/11 trước đó. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, VTP đã tăng mạnh 44% giá trị, vốn hóa thị trường theo đó tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng lên 13.800 tỷ đồng.
Đà khởi sắc của Cổ phiếu VTP đến sau thông tin Viettel Post công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn. Động thái nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.
Công ty sẽ chủ trương ký hợp đồng thuê công trình, hạ tầng tại Khu trung chuyển thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn); đồng thời thành lập chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế Đồng Đăng – Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế; là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đây là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo một báo cáo gần đây của SSI Research, Viettel Post sẽ đưa Công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2024, thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh.
Thực tế, trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, công ty đã công bố sẽ dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại để đầu tư thêm vào mảng Logistics và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối, giúp hoàn thiện mạng lưới logistics và giảm chi phí logistics của Việt Nam
Theo SSI Research, công ty đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.
Viettel Post đang trong quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các phân khúc mới và có thể bắt đầu triển khai các dịch vụ mới từ năm 2025 trở đi. Do đó ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí vốn đầu tư giai đoạn 2024-2025 sẽ cao hơn những năm trước, vào khoảng 1.000-2.000 tỷ đồng.
Tham vọng logistic xuyên biên giới
Trong chiến lược 5 năm tới, ban lãnh đạo Viettel Post đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới. Việc tiên phong về công nghệ logistics tại Việt Nam tạo cho Viettel Post lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Điều này tạo thuận lợi cho Viettel Post thực hiện “Go Global” để mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Mới nhất, Viettel đã công bố Nghị quyết HĐQT liên qua tới dự án đầu tư và thành lập Công ty chuyển phát logistics và vận tải xuyên biên giới tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Công ty TNHH Viettel Post Lào có vốn điều lệ 136 tỷ đồng (5,34 triệu USD) do Viettel Post góp 100%. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát; dịch vụ kho vận; vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ; thương mại điện tử; xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận vận tải tại Lào.
Trước đó, vào đầu năm 2024, Viettel Post đã tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường sang Lào và Thái Lan. Đến tháng 3, Viettel Post đã ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP Bằng Tường và TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc – ASEAN.
Theo đó, Viettel Post sẽ kết nối hàng hóa nông sản của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua tuyến đường sắt; hàng hóa được tập kết tại Nam Ninh sau đó phân phối sang các tỉnh của Trung Quốc.
Vượt chỉ tiêu doanh thu cả năm sau 9 tháng
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 3/2024, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.430 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Viettel Post báo lãi trước thuế 134 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 107 tỷ đồng, cùng tăng 4,3% so với cùng kỳ. Đây được xem là tín hiệu khả quan đối với Viettel Post khi hai quý trước đó, lợi nhuận của doanh nghiệp đều đi lùi so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, vượt 14% chỉ tiêu cả năm. Do ảnh hưởng từ sự suy giảm trong hai quý đầu năm, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 252 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 68%.
Cổ phiếu “họ” Viettel đồng loạt bốc đầu sau khi Viettel Post thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics tại tỉnh giáp Trung Quốc
Nhịp sống thị trường