CEO Chứng khoán UP chỉ ra nguyên nhân VN-Index chưa thể bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm

Theo chuyên gia, dù nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán đang gần kề, nhưng VN-Index vẫn đối diện với tình trạng giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm. Điều này làm nhiều nhà đầu tư có tâm…

Fatz Admin lúc 2024-10-29
CEO Chứng khoán UP chỉ ra nguyên nhân VN-Index chưa thể bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm

Theo chuyên gia, dù nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán đang gần kề, nhưng VN-Index vẫn đối diện với tình trạng giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm. Điều này làm nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng và hoài nghi về khả năng bứt phá của thị trường.

Nền kinh tế đã trải qua phần lớn chặng đường năm 2024 với nhiều cung bậc. Và dù còn phải đối mặt với những khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có sự phục hồi tích cực với tăng trưởng được đánh giá là điểm sáng của khu vực cùng với triển vọng nâng hạng đang đến rất gần. Tuy nhiên, nhà đầu lại đang chứng khiến những diễn biến trái chiều và giằng co trên sàn chứng khoán, khiến không ít nhà đầu tư có phần nản lòng.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, việc thị trường giằng co trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang có những thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường như vậy sẽ tạo ra những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư dài hạn để nắm giữ cổ phiếu với giá hợp lý, đón đà tăng trưởng trong thời gian tới. 

BTV Mùi Khánh Ly: Nền kinh tế đang trong quý cuối cùng của năm 2024, giai đoạn nước rút để hoàn thành các mục tiêu của năm, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế hiện nay và khả năng hoàn thành mục tiêu?

QUẢNG CÁO

Ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Up (UPS): Bước vào quý cuối cùng của năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng để hoàn thành các mục tiêu đề ra, bao gồm mức tăng trưởng GDP 7% cho cả năm. Dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức từ cả thị trường quốc tế và nội địa, nhưng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ đã góp phần duy trì đà phục hồi.

Sau 9 tháng đầu năm 2024, GDP của Việt Nam đã tăng 6,82%, gần với mục tiêu tăng trưởng cả năm. Điều này nhờ vào các động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công, và tiêu dùng nội địa. Đặc biệt Xuất khẩu tăng trưởng 15,4%, đạt gần 300 tỷ USD.

Bên cạnh đó, chính phủ đã đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, với hơn 47,29% kế hoạch năm đã được thực hiện. Các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và tạo ra việc làm. Điều này đã giúp bù đắp sự suy giảm ở các lĩnh vực khác, đồng thời tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng và vật liệu phát triển.

Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ lãi suất thấp và mức lạm phát duy trì ở mức 3,88%. Điều này giúp giảm áp lực chi phí sản xuất cho doanh nghiệp và đảm bảo sức mua của người dân. Do đó, ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều dự báo Việt Nam có thể đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng 7% vào cuối năm 2024.

Đi sâu vào các các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đang hoạt động kinh doanh như thế nào, dưới số liệu của 3 quý đầu năm và dự báo quý IV sẽ ra sao?

Trong 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ các ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến, dịch vụ, năng lượng và xây dựng. Các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, bất chấp các thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu và thiên tai. Đơn cử như, ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 9,76%, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và dệt may.

Thứ hai là ngành dịch vụ cũng tăng trưởng tích cực. Trong khi đó, hiện chính phủ đang đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào điện năng hóa thạch. Nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến sẽ gia tăng mạnh trong quý IV, đặc biệt khi các dự án điện gió và điện mặt trời đi vào hoạt động. Do vậy ngành năng lượng và điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 12-15%, với sự hỗ trợ của chính sách năng lượng xanh.

Ngoài ra, hiện nay chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, và các khu công nghiệp mới. Cùng với đó, nhu cầu phát triển đô thị và hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn đang thúc đẩy mạnh ngành xây dựng. Chính vì vậy, ngành xây dựng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 9-11% trong quý IV, nhờ vào sự tăng cường giải ngân đầu tư công và sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng lớn.

Tuy nền kinh tế có những diễn biến tích cực, và triển vọng nâng hạng đang đến rất gần, nhưng chúng ta đã thấy thị trường liên tục có những phiên giao dịch giằng co khiến nhà đầu tư chùn bước và hoài nghi về việc thị trường có thể chinh phục đỉnh cũ 1.300 điểm một cách vững chắc, theo ông vì sao?

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán đang gần kề, nhưng VN-Index vẫn đối diện với tình trạng giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm. Điều này làm nhiều nhà đầu tư có tâm lý thận trọng và hoài nghi về khả năng bứt phá của thị trường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thứ nhất là thanh khoản thị trường ở mức thấp do nhà đầu tư đang thận trọng và chờ đợi các yếu tố kích thích rõ ràng hơn, đặc biệt là những thông tin về nâng hạng thị trường.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dù đã giảm lãi suất nhưng lãi suất vẫn ở mức cao để kiểm soát lạm phát, đã tạo áp lực lên dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam. Lãi suất cao không chỉ làm chi phí vốn của nhà đầu tư tăng lên, mà còn làm tỷ giá USD/VND biến động, khiến nhà đầu tư quốc tế rút vốn để tìm kiếm các kênh an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, các thông tin tích cực có thể nói đã phản ánh phần lớn vào đà tăng trước đó của thị trường và hiện ngưỡng 1.300 đang là ngưỡng kháng cự mạnh. Theo Ups thống kê, có đến 7 lần VN-Index gặp ngưỡng cản này trong thời gian gần đây và hiện giờ chưa có thông tin vĩ mô hoặc dòng tiền đủ mạnh để giúp thị trường có thể bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm.

Vậy nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào trong giai đoạn này?

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có xu hướng chưa rõ ràng, nhà đầu tư cần điều chỉnh chiến lược phù hợp với mục tiêu của mình. Đối với nhà đầu tư dài hạn thì nên tận dụng cơ hội khi thị trường chung có những đợt sụt giảm mạnh, điều này sẽ giúp tích lũy được cổ phiếu với mức giá hợp lý, đồng thời nên cơ cấu lại các nhóm cổ phiếu đang có định giá cao và tiềm năng tăng trưởng chậm lại, nên tập trung vào các cổ phiếu có cơ bản tốt trong các ngành như ngân hàng, tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp với tầm nhìn dài hạn.

Còn đối với nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu dưới 50% danh mục để tránh rủi ro từ các biến động bất ngờ của thị trường. Điều này giúp nhà đầu tư có thể linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh danh mục khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều, ưu tiên các cổ phiếu chưa tăng giá mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp có thể có lợi nhuận tốt trong quý IV.

Nhóm ngành tiềm năng trong thời gian tới theo các ông là gì và vì sao?

Theo Ups đánh giá, có nhiều nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt ví dụ như ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng 8-10% trong năm 2024, với sự hỗ trợ từ tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ ổn định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, nhiều ngân hàng đã nâng cao quản trị rủi ro và cải thiện cơ cấu nợ như VCB, BID và CTG…

Và nếu Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, các cổ phiếu ngân hàng sẽ thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài, giúp thúc đẩy thanh khoản và giá cổ phiếu. Hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp hơn so với các ngành khác.

Ngành tiềm năng thứ hai là các ngành liên quan đến việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, đó là ngành xây dựng và các cổ phiếu thuộc nhóm ngành thép, trong đó HPG là cổ phiếu đầu ngành. Đây là ngành đã bị ảnh hưởng rất lớn về mặt lợi nhuận trong năm 2023 và đầu 2024. Hiện, nhóm ngành này đã có sự tăng trưởng trở lại về mặt lợi nhuận và tôi đánh giá là trong quý IV/2024, cũng như quý I/2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn và đáng lưu ý. Bên cạnh đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được dự báo tăng trưởng 10-12% trong năm 2024 nhờ vào dòng vốn FDI và sự phát triển của hạ tầng giao thông.

Thứ ba là ngành năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng được 12-15% trong năm 2024, với các dự án điện mặt trời và điện gió được triển khai mạnh mẽ, cùng với nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích mạnh mẽ các dự án phát triển điện mặt trời, điện gió, và điện sinh khối nhằm giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ngày thứ tư là ngành tiêu dùng và bán lẻ, dự báo cũng sẽ tăng trưởng 7-9% trong năm nay, đặc biệt nhờ sự phục hồi tiêu dùng nội địa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, định giá vẫn còn hấp dẫn như VRE, MWG hay MSN.

Ngành cuối cùng là ngành công nghệ thông tin và viễn thông có thể đạt con số 9-12% trong năm 2024, với động lực chính là quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam khi Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ các chính sách này.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.