(KTSG) – Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ), diễn ra hồi cuối tuần trước đã chứng kiến một chuyển biến đáng chú ý khi giới chức các ngân hàng trung ương lớn của Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh lần lượt…
(KTSG) – Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ), diễn ra hồi cuối tuần trước đã chứng kiến một chuyển biến đáng chú ý khi giới chức các ngân hàng trung ương lớn của Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh lần lượt phát đi những tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Đã đến lúc Fed điều chỉnh chính sách
“Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Hướng đi đã rõ ràng, còn thời điểm và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu đầu vào, triển vọng tăng trưởng và sự cân bằng với các rủi ro”. Đó là thông điệp mà Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đưa ra trong bài phát biểu hôm thứ Sáu tuần trước (23-8-2024) tại hội nghị Jackson Hole.
Phát biểu này của ông Powell đã gửi đi tín hiệu rằng Fed gần như chắc chắn sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách tại cuộc họp vào tháng 9 tới. Ông Powell cho rằng việc kiểm soát lạm phát đã có những tiến bộ đáng kể, và Fed có thể chuyển trọng tâm sang khía cạnh khác trong nhiệm vụ kép của mình, cụ thể là đảm bảo nền kinh tế phát triển và tạo ra thêm việc làm.
Báo cáo gần đây cho thấy, trong tháng 7 Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã đạt mức tăng theo năm là 2,5%. Con số này giảm đáng kể so với mức 3,2% của cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trên 7% hồi tháng 6-2022.
Trong khi đó, thị trường việc làm Mỹ đã có sự hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng chậm nhưng đều đặn, hiện đang ở mức 4,3%. Tuy vậy, theo ông Powell, tỷ lệ thất nghiệp tăng là do có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn và tốc độ tuyển dụng chậm hơn, chứ không phải do tình trạng sa thải gia tăng hoặc thị trường lao động suy yếu.
Ông cho biết: “Chúng tôi hướng tới việc khôi phục sự ổn định giá cả trong khi vẫn duy trì thị trường lao động mạnh mẽ, tránh để tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Mặc dù nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành, nhưng chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển hướng tới kết quả đó”.
Các quan chức Fed khác cũng tỏ ra cởi mở hơn trong vấn đề cắt giảm lãi suất. Theo Chủ tịch Fed Philadelphia, ông Patrick Harker, Fed cần phải có cách tiếp cận “có phương pháp” đối với việc điều chỉnh lãi suất. Tuyên bố này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang lên kế hoạch cho một loạt các đợt cắt giảm lãi suất trong suốt thời gian còn lại của năm 2024 khi Fed hướng tới một sự thay đổi ôn hòa.
Chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee, cũng lưu ý rằng Fed đã đạt được thành công to lớn trong các mục tiêu của mình và lạm phát sẽ tiếp tục hướng tới phạm vi mục tiêu 2%. Chính sách hiện đang ở thời điểm thắt chặt nhất trong toàn bộ chu kỳ tăng lãi suất, và mọi điều kiện giới chức Fed cần để có thể hạ lãi suất đều đã xảy ra.
Theo công cụ FEDWatch của CME Group, tính đến ngày thứ Hai (26-8), thị trường đánh giá có 69,5% khả năng Fed sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Khả năng xảy ra một đợt cắt giảm lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm là 30,5%.
Việc ấn định thời điểm bắt đầu nới lỏng tiền tệ của Fed cũng được dự báo sẽ giúp nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới yên tâm hơn trong việc thực hiện kế hoạch giảm lãi suất.
ECB hướng tới việc cắt giảm lãi suất trong tháng 9
Theo Bloomberg, trong số chín thành viên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tham dự hội nghị Jackson Hole hồi tuần trước, nhiều quan chức đã ủng hộ việc ECB nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong cuộc họp vào ngày 12-9 tới, trong đó bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Latvia Martins Kazaks, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Croatia Boris Vujcic, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha Mario Centeno.
Những lập luận này được đưa ra trong bối cảnh thị trường kỳ vọng lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ hạ nhiệt trở lại, sau khi bất ngờ tăng nhanh trong tháng 7. Mặc dù vẫn còn những lo ngại về lạm phát dai dẳng và chưa thể sớm quay về mức mục tiêu 2%, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Eurozone hiện đang băn khoăn nhiều hơn về tăng trưởng kinh tế của khu vực này, vốn đã chững lại sau nửa đầu năm mạnh mẽ. Bên cạnh đó, tình trạng suy yếu của thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên, còn tâm lý người tiêu dùng có dấu hiệu suy giảm.
“Với các dữ liệu mà chúng tôi có tại thời điểm này, tôi sẽ rất cởi mở trong việc thảo luận về một đợt cắt giảm lãi suất khác vào tháng 9”, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Latvia Martins Kazaks nói với Bloomberg Television.
Chia sẻ quan điểm trên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha Mario Centeno đánh giá “động thái có khả năng xảy ra nhất về mặt chính sách tiền tệ là ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất. Việc quyết định cắt giảm trong tháng 9 là một điều dễ dàng. Sau đó, các quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, không phải những dữ liệu đơn lẻ, mà là các quỹ đạo của dữ liệu”.
Nhìn chung, các quan chức ECB dường như đều đồng thuận về kế hoạch thực hiện hai đợt giảm lãi suất nữa trong năm nay, miễn là lạm phát vẫn trong xu hướng giảm xuống mục tiêu 2% trong nửa cuối năm 2025.
Trong khi đó, các thị trường tiền tệ cũng đang đặt cược vào khả năng ECB sẽ tiến hành thêm hai đợt cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, sau đợt cắt giảm hồi tháng 6. Lần cắt giảm lãi suất kế tiếp có thể diễn ra vào tháng 9. Khả năng xảy ra đợt cắt giảm lãi suất thứ ba hiện vào khoảng 60%, và sẽ hạ lãi suất tiền gửi xuống mức 3%.
BoE sẵn sàng hạ lãi suất khi rủi ro lạm phát đã lùi xa
Những tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đã được phát đi từ phía Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Hôm 23-8, cũng tại Jackson Hole, Thống đốc BoE, Andrew Bailey, đã nhận xét rằng rủi ro lạm phát dai dẳng ở Anh có vẻ đang dần lùi xa.
“Những tác động của đợt lạm phát thứ hai có vẻ nhỏ hơn chúng tôi lo ngại, dù rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng”, ông Bailey tuyên bố. Nhận xét này cho thấy, người đứng đầu BoE đang ngày càng tự tin hơn về triển vọng BoE có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, BoE đã lần đầu tiên hạ lãi suất sau bốn năm, từ mức 5,25% xuống 5%, trong bối cảnh áp lực giá cả dần hạ nhiệt. Nền kinh tế Anh trong năm nay tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với kỳ vọng của BoE và hầu hết dự báo của giới phân tích, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương đã chậm lại.
Tuy nhiên, ông Bailey vẫn cho thấy sự thận trọng nhất định khi cho biết, sẽ phải chờ xem liệu áp lực lạm phát có giảm xuống mức phù hợp với mục tiêu 2% của BoE một cách bền vững hay không.
Các thống kê cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng của Anh đã giảm từ mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% vào tháng 10-2022, xuống mức mục tiêu 2% của BoE trong tháng 5 và tháng 6, trước khi nhích nhẹ trong tháng 7. BoE dự báo lạm phát sẽ đạt mức 2,75% vào cuối năm nay và duy trì trên mức mục tiêu trong cả năm tới.
Thị trường hiện đang đánh giá có khoảng 30% khả năng BoE sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9 tới. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters cũng dự báo, BoE sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, và lãi suất sẽ dần giảm xuống còn 3,75% vào quí 3-2025.
Nguồn: Bloomberg, Reuters, Financial Times, FXStreet