Giá vàng có thể vượt đỉnh trong nửa cuối năm 2024

(KTSG) – Giá vàng tăng cao trong nửa đầu năm và được dự báo tiếp tục tăng trước những biến động kinh tế, chính trị thế giới. Ảnh: Lê Vũ Kết thúc sáu tháng đầu năm 2024, giá vàng thế giới tăng 12,69%, ở mức cao so với hiệu suất…

Fatz Admin lúc 2024-08-30

(KTSG) – Giá vàng tăng cao trong nửa đầu năm và được dự báo tiếp tục tăng trước những biến động kinh tế, chính trị thế giới.

Ảnh: Lê Vũ

Kết thúc sáu tháng đầu năm 2024, giá vàng thế giới tăng 12,69%, ở mức cao so với hiệu suất đầu tư của nhiều kênh đầu tư phổ biến hiện nay như tiền gửi, chứng khoán, trái phiếu, đô la Mỹ…

Hành động của các NHTƯ tác động tới giá

QUẢNG CÁO

Động lực chính trong sự tăng trưởng mạnh của giá vàng trong thời gian vừa qua tới từ lượng mua vào lớn của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới, đặc biệt là NHTƯ Trung Quốc. Trong năm 2023, Trung Quốc mua vào khoảng 1.037 tấn vàng, tốc độ mua vào của nước này tiếp tục tăng đến hết quí 1 sang đầu quí 2-2024. Quí 1-2024, Trung Quốc mua vào 290 tấn, đánh dấu quí mua vào mạnh thứ 4 kể từ năm 2022. Trung Quốc duy trì mua ròng vàng 18 tháng liên tiếp, chỉ dừng lại vào tháng 5-2024 do giá vàng lên cao.

Trung tuần tháng 7-2024, những thông tin về chỉ số lạm phát lõi (PCE) của Mỹ hạ nhiệt hơn nhiều so với dự báo, tạo ra kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9-2024 thay vì vào tháng 12-2024, giá vàng đã tăng mạnh lên mức 2.468 đô la Mỹ/ounce, mức cao nhất lịch sử.

Giá vàng vẫn đang duy trì ở mức khá cao, nhưng rất có thể đây chưa phải là mức đỉnh trong trung hạn (6 tháng tới 1 năm). Theo dự báo của J.P Morgan, giá vàng thế giới có thể đạt 2.500 đô la Mỹ/ounce vào quí 4-2024 và tăng lên mức khoảng 2.600 đô la Mỹ/ounce vào cuối năm 2025, tương đương mức tăng thêm gần 10% so với giá hiện tại.

Những biến số dễ khiến vàng tăng giá nửa cuối năm

Cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển

Lãi suất và giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo, tức là khi lãi suất giảm, giá vàng thường tăng và ngược lại. Khi lãi suất giảm, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thay vì các tài sản đầu tư khác như trái phiếu cũng giảm, khiến nhà đầu tư tăng mua vàng như là một công cụ bảo vệ tài sản. Thêm vào đó, vàng được định giá bằng đô la Mỹ, do đó, sự biến động của đô la Mỹ có thể ảnh hưởng đến giá vàng. Khi lãi suất của Mỹ giảm, đô la Mỹ thường giảm giá trị, làm tăng giá trị của vàng đối với nhà đầu tư sử dụng ngoại tệ, điều này dẫn đến giá vàng tăng.

Trong tháng 6-2024, nhiều NHTƯ lớn trên thế giới như Thụy Sỹ, EU, Canada, Brazil… đã bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành với các số liệu về lạm phát, đặc biệt là lạm phát lõi (PCE), tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ, các nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng lớn Fed sẽ theo chân các nền kinh tế phát triển khác và cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 9-2024.

Sự đi xuống của lãi suất điều hành của hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới như hiện tại đang được cho là động lực lớn khiến các nhà đầu tư tìm tới vàng như là một kênh đầu tư hiệu quả nhờ giảm chi phí cơ hội và bảo vệ giá trị.

Bất ổn chính trị và địa chính trị

Có nhiều yếu tố khó đoán định hơn trong nửa cuối năm 2024 khi mà nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra, đặc biệt là bầu cử tổng thống Mỹ vào quí 4-2024. Gần đây, chính trường Mỹ có nhiều biến động như Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tuyên bố không tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo, vụ ám sát không thành công cựu Tổng thống Donald Trump… Những biến động thượng tầng này được cho là sẽ làm cho việc nhận định xu hướng của nền kinh tế số 1 thế giới trong thời gian tới càng khó.

Thêm vào đó, địa chính trị cũng đang có những diễn biến tạo ra rủi ro lớn. Leo thang căng thẳng tại Trung Đông, đặc biệt sau vụ tấn công bằng tên lửa từ Hezbollah vào cao nguyên Golan, vùng kiểm soát của Israel, làm cho các nhà phân tích lo ngại rằng chiến tranh sẽ lan ra cả khu vực Trung Đông. Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Căng thẳng tại Biển Đỏ làm ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại toàn cầu, đặc biệt tuyến Á – Âu. Gia tăng chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Trung Quốc và EU, Mỹ.

Có thể thấy, thế giới có khá nhiều bất ổn chính trị, địa chính trị cùng diễn ra trong giai đoạn hiện tại và khó có thể kết thúc ngay trong năm 2024 hay cả năm 2025. Điều này có thể làm cho các nhà đầu tư ngày càng có tâm lý phòng thủ nhiều hơn, tăng nhu cầu vàng và đẩy giá lên cao hơn trong thời gian tới.

Nhu cầu tăng từ các ngân hàng trung ương và ETF…

NHTƯ Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục là động lực lớn thúc đẩy giá vàng đi lên. Trung Quốc đã có 18 tháng liên tiếp mua ròng vàng trước khi dừng lại vào tháng 5-2024 với lý do giá vàng đã lên cao. Rất có thể đây chỉ là bước điều chỉnh chiến thuật trong chiến lược dài hạn tăng nguồn dự trữ vàng của nước này. Hiện tại, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới, dự trữ vàng của Trung Quốc mới chỉ đạt khoảng 4% lượng dự trữ quốc gia, trong khi đó, các nước phát triển có tỷ lệ này rất cao như Mỹ (73%), Nga (29%) hay Ấn Độ (9,5%). Điều này, theo đánh giá diễn biến hiện tại từ địa chính trị, làm cho Trung Quốc sẽ có nhiều động lực để tăng mua vàng trong thời gian tới.

Thêm vào đó, nguồn cầu từ các quỹ ETF vàng có thể vẫn sẽ lớn trong giai đoạn tới. Tháng 6-2024, dòng vốn ròng vào các quỹ ETF vàng đạt 560 triệu đô la Mỹ, chủ yếu tới từ các nước khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, khó khăn với thị trường bất động sản chưa được giải quyết, căng thẳng chiến tranh thương mại với EU, Mỹ gia tăng có thể làm cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm tới vàng như là một kênh đầu tư trú ẩn trong giai đoạn trung hạn sắp tới.

Giá vàng trong nước có thể sớm tăng

Những điều hành của Chính phủ trong nửa cuối quí 2-2024 đã kéo chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới giảm từ khoảng 22 triệu/lượng xuống chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng/lượng như hiện nay, đồng thời giá vàng trong nước cũng giảm khá mạnh, từ mức đỉnh khoảng 92 triệu/lượng vào tháng 5-2024 xuống còn khoảng 81 triệu/lượng vào gần cuối tháng 8-2024.

Có thể thấy, những điều chỉnh về mặt hành chính trong giai đoạn vừa qua đã phần nào giảm nhiệt giá vàng trong nước, tuy vậy, nhu cầu vàng với các nhà đầu tư nội địa vẫn còn rất lớn. Những biến động trên thế giới cùng lạm phát trong nước tăng cao (CPI tháng 7 đạt 4,36% so với cùng kỳ 2023, gần đạt mức trần điều hành của NHNN là 4,5%), áp lực tỷ giá tuy giảm nhưng vẫn còn… được coi là những động lực chính làm cho nhu cầu mua vàng dự trữ đã và có thể tiếp tục tăng cao trong giai đoạn tới.

Với dự báo giá vàng thế giới có thể vẫn tìm tới đỉnh cao mới trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025, chênh lệnh giá vàng trong nước với giá vàng thế giới có thể sẽ giảm nhưng xu hướng giá vàng trong nước có thể tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm.

Chu Tuấn Phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.