Long Châu tiếp tục “phả hơi nóng” cho các đối thủ bán lẻ dược phẩm khi mở rộng quy mô, liên tục tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Trong báo cáo “Ngành Bán lẻ – Tiếp đà phục hồi”, Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, nhóm bán…
Trong báo cáo “Ngành Bán lẻ – Tiếp đà phục hồi”, Chứng khoán KB (KBSV) nhận định, nhóm bán lẻ dược phẩm với chuỗi Long Châu của FRT dẫn đầu thị trường và liên tục mở rộng chiếm lĩnh thị phần. Trong khi các đối thủ còn lại là An Khang (MWG) và Pharmacity vẫn đang loay hoay tìm điểm hòa vốn.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận 11.521 tỷ đồng, chiếm 63% doanh thu toàn công ty. Tính đến 30/6, FPT Retail sở hữu mạng lưới 2.435 cửa hàng trên cả nước, trong đó, Long Châu đạt 1.706 nhà thuốc. Riêng quý II/2024, công ty mở rộng mạng lưới tiêm chủng vaccine Long Châu với 36 cơ sở mở mới, đạt 87 trung tâm tại 40 tỉnh thành.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông, ban lãnh đạo FPT Retail cho biết sẽ phát triển Long Châu thành hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn diện bước đầu đẩy mạnh phát triển trung tâm tiêm chủng. “Trong thời gian tới, Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng chính, đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho FRT”, báo cáo của KBSV viết.
Trái ngược với Long Châu, chuỗi nhà thuốc An Khang lại ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc An Khang đã lỗ 172 tỷ đồng. Lỗ lũy kế giai đoạn từ năm 2017 đến nay của chuỗi nhà thuốc lên tới 834 tỷ đồng.
“Giống như các chuỗi đàn anh đàn chị, An Khang đang thực thi tái cấu trúc để xem xét lại từng nhà thuốc, cân nhắc đóng cửa hàng không đạt hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận”, ông Đoàn Văn Hiểu Em – Thành viên HĐQT Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động nói tại buổi họp với nhà đầu tư gần đây.
Sau giai đoạn khai tử 46 cửa hàng trong nửa đầu năm, lãnh đạo chuỗi nhà thuốc cho biết sẽ xóa sổ thêm khoảng 181 điểm bán khác trong nửa cuối năm. Hiện, doanh thu trung bình của mỗi cửa hàng bán lẻ khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Còn với Pharmacity, sau khi bị Long Châu “vượt” qua về mặt quy mô nhà thuốc vào đầu năm 2023, doanh nghiệp này vẫn đang tìm lại hào quang. Sau biến động thượng tầng vào 9/2022 khi nhà sáng lập Chris Blank rời vị trí tổng giám đốc và cả đại diện pháp luật, Pharmacity hai lần thay ghế CEO trong vòng 18 tháng.
Thời điểm trước năm 2023, dù có số lượng nhà thuốc lớn nhất ngành bán lẻ, Pharmacity vẫn đang gặp khó trong quá trình tìm điểm hòa vốn và có lãi.
Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2020, Pharmacity lỗ ròng sau thuế hơn 194 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước; kết năm 2020 ghi nhận chuỗi này âm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 đã lên hơn 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Pharmacity vẫn đang “vật lộn” để giải quyết khoản lỗ lũy kế này.
An Ninh Tiền Tệ