(KTSG Online) – Sở hữu hiệu ứng “bền vững” và chứng minh được bản kế hoạch phát triển của mình trong tương lai được xem là chìa khóa để tiếp cận dòng vốn có phân loại “Xanh” từ các định chế tài chính. Rất nhiều lĩnh vực hoạt động trong…
(KTSG Online) – Sở hữu hiệu ứng “bền vững” và chứng minh được bản kế hoạch phát triển của mình trong tương lai được xem là chìa khóa để tiếp cận dòng vốn có phân loại “Xanh” từ các định chế tài chính.
Cần có “hiệu ứng” môi trường – xã hội
Sở hữu các chứng nhận phát triển bền vững là một trong những cách phổ biến để tiếp cận khoản vay xanh. Chẳng hạn như thỏa thuận tài trợ thương mại ngắn hạn của Ngân hàng UOB, giúp Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, bao gồm chứng chỉ Fairtrade.
“Việc áp dụng tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như Fairtrade sẽ giúp Betrimex đóng góp tích cực hơn cho cho môi trường và cộng đồng, đặc biệt là đảm bảo đời sống, sinh kế của người dân trồng dừa, ổn định vùng nguyên liệu, từ đó thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối Khách Hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ về tiêu chí cấp tín dụng xanh của ngân hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần bản kế hoạch phát triển bền vững để ngân hàng “xuống tiền”. Chẳng hạn như khoản vay liên kết bền vững của HSBC với Gemadept, hoạt động trong lĩnh vực cảng biển. Trọng tâm của khoản vay dạng này là thỏa thuận về việc giảm phát thải khí nhà kính và tiêu thụ nước, lãi suất có thể giảm theo từng mục tiêu riêng.
Doanh nghiệp “vì xã hội” cũng có thể huy động vốn dù là khởi nghiệp. Ví dụ như Gene Solution, công ty công nghệ sinh học của Việt Nam thành lập năm 2017. HSBC cũng tài trợ (thông qua một quỹ đầu tư) với những đánh giá riêng về tác động xã hội trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Đầu năm 2024, Ngân hàng ACB công bố gói “Tín dụng Xanh, Xã hội” hạn mức 2.000 tỉ đồng, tài trợ cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội.
Hiện lĩnh vực xanh chiếm dư nợ vượt trội tại ACB là kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm, đặc biệt là ngành nhựa tái chế. Tương tự, nhu cầu vay trung và dài hạn thường gặp là đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. “Những doanh nghiệp sản xuất, thương mại bất kỳ có thể vay ưu đãi trung dài hạn cho các mục đích xanh như đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái cung cấp điện sản xuất cho nhà xưởng hoặc kho bãi”, đại diện Ngân hàng ACB cho biết.
Nhìn rộng hơn, các chính sách bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên thực tế được các ngân hàng nhắc đến đã lâu, nhưng gần đây được chú ý trở lại.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, các ngân hàng dễ gặp rủi ro với tín dụng xanh khi chính sách bảo vệ môi trường còn hạn chế. Doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, gây ảnh hưởng hoặc thậm chí, làm gián đoạn tiến độ triển khai dự án, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ.
“Các doanh nghiệp muốn phát triển dự án xanh thì cần phối hợp cung cấp đầy đủ các thông tin về môi trường liên quan để được tổ chức tín dụng thẩm định cho vay thực hiện dự án, kiểm soát chất lượng khoản vay. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có những khóa đào tạo cho nhân viên nhằm nâng cao trách nhiệm ý thức bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án”, ông Hải nói.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Khi cánh cửa hẹp tín dụng xanh chưa thực sự mở ra, các doanh nghiệp có thể gõ cửa các quỹ đầu tư. Chẳng hạn như hồi tháng 5, Quỹ đầu tư Beacon Fund công bố thương vụ đầu tư mới vào Công ty TNHH Năng lượng CAS (CAS Energy), hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có trụ sở ở Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của CAS, cho biết có hai vấn đề lớn khi đi vay vốn ngân hàng. Một là đòi hỏi có tài sản đảm bảo, hai là sự khác biệt giữa các hoạt động của lĩnh vực mới với cách định giá truyền thống của các nhà băng
“Doanh nghiệp lớn thì dễ, nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn và triển khai dự án. CAS phải dùng nguồn lực nội tại và ngân hàng địa phương trong giai đoạn đầu”, bà Tú nói với KTSG Online.
Trước khi có nhà đầu tư ngoại, CAS đi vay vốn ở nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, với lợi thế là mức lãi suất phù hợp và không nhiều ràng buộc cam kết. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, việc vay các ngân hàng nội địa sẽ rất khó, trong khi các ngân hàng ngoại đòi hỏi quy mô lớn.
Trong một sự kiện liên quan mới đây, Công ty Phúc Sinh, xuất khẩu cà phê, công bố khoản đầu tư từ quỹ &GREEN (Hà Lan). Khoản giải ngân có thể lên đến 25 triệu đô la Mỹ với mục tiêu bảo vệ rừng ở các vùng nhiệt đới.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, chia sẻ kinh nghiệm thuyết phục nhà đầu tư là ngoài khả năng buôn bán khắp nơi trên thế giới, hồ sơ công ty cũng cần phải minh bạch, tình hình tài chính ổn định. “Khi bạn làm tốt thì có nhiều quỹ liên hệ với bạn”, ông Thông nói.
Một vấn đề khác cần quan tâm là sự cam kết từ các chủ doanh nghiệp với các dự án xanh. Theo ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, cho biết có nhiều doanh nghiệp không muốn tham gia vốn tự có, hoặc tham gia tỷ lệ rất thấp. “Doanh nghiệp cần tăng khả năng tự chủ tài chính cũng như tăng tính trách nhiệm với dự án thông qua việc tham gia một phần vốn tự có, có thể từ 15-30% tổng mức đầu tư”, ông Ánh nhìn nhận.
Dĩ nhiên, tính hiệu quả của dự án vẫn là ưu tiên số 1 đối với các ngân hàng thương mại. Để giải ngân, các nhà băng cần có đủ những tiêu chí về tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận. Điều quan trọng khác là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh”, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm, ông Hải của OCB nói thêm.
Từ góc độ doanh nghiệp, một câu chuyện khác đặt ra nữa là vấn đề dữ liệu và báo cáo. Hiện chỉ có một số ít các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG trong báo cáo thường niên, tuy nhiên thông tin hiện chỉ ở mức cơ bản, không có sự xác nhận của bên thứ ba. Điều này là rào cản đối với các bên rót vốn, dù là ngân hàng hay quỹ đầu tư.
“Sẽ cần thêm kế hoạch chuyển dịch của doanh nghiệp và dữ liệu phát thải có thể so sánh có thể giúp các ngân hàng đánh giá và tài trợ chuyển dịch cho khách hàng”, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam chia sẻ tại một diễn đàn về phát triển bền vững hồi đầu tháng 8.