(KTSG) – Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm, thì hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt và dự kiến xu hướng tỷ giá những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Áp lực…
(KTSG) – Nếu như nửa đầu năm 2024, tỷ giá là vấn đề rất được nhà đầu tư và cơ quan quản lý quan tâm, thì hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt và dự kiến xu hướng tỷ giá những tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Áp lực bên ngoài và bên trong lên tỷ giá đã giảm dần
Ngày 10-8-2024, tỷ giá giao dịch bán ra tại Vietcombank là 25.270 đồng/đô la Mỹ, giảm so với mức đỉnh hơn 25.470 đồng/đô la hồi tháng 5-2024. Tính theo tỷ lệ tới thời điểm hiện tại, tỷ giá giao dịch tại Vietcombank tăng 3,5% so với đầu năm, giảm so với mức 4,4% vào tháng 5-2024. Còn trên thị trường không chính thức, tỷ giá hiện nay tăng khoảng 3,5% so với đầu năm, giảm mạnh so với mức đỉnh 5,1% hồi cuối tháng 6-2024.
Những áp lực lên tỷ giá từ đầu tháng 7-2024 đã giảm dần, trong đó có cả yếu tố bên trong và bên ngoài.
Về tác động bên ngoài, việc chỉ số đô la Mỹ (DXY) giảm về khoảng 103 điểm từ mức hơn 106 điểm hồi tháng 6-2024 là tác động chính. Sự suy giảm này đến từ xác suất ngày càng tăng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 9-2024 và mức độ cắt giảm trong năm 2024 sẽ mạnh hơn so với các dự báo trước đây.
Về tác động trong nước, tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại lớn và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục hỗ trợ niềm tin cho thị trường. Cụ thể, thặng dư thương mại bảy tháng đầu năm đạt hơn 14 tỉ đô la Mỹ (cùng kỳ đạt 16,5 tỉ đô la), trong khi đó FDI giải ngân đạt hơn 12,5 tỉ đô la (mức cao nhất từ trước tới nay), chênh lệch giá giữa vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá.
Áp lực tỷ giá giảm đã giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất tín phiếu từ 4,5% xuống 4,25% vào ngày 5-8-2024, xu hướng lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng giảm dần sau đó. Theo thông tin từ nguồn liên ngân hàng, thanh khoản thị trường 1 (giữa ngân hàng và doanh nghiệp, dân cư) vẫn khá dồi dào, với số dư trên kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng (citad) đạt trên 350.000 tỉ đồng, chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la Mỹ duy trì ở mức âm nhẹ khoảng 0,3-0,4%.
Dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục giảm
Chỉ số CPI của Mỹ tháng 7-2024 đã giảm về mức 3% – thấp hơn dự báo 3,1%, trong khi đó chỉ số thất nghiệp lại tăng lên 4,3% trong tháng 7 – cao hơn so với mức 4,1% trong tháng 6. Điều này thúc đẩy khả năng Fed phải sớm hành động giảm lãi suất và mức giảm lãi suất phải mạnh để tránh nền kinh tế Mỹ rơi vào một đợt suy thoái. CME Group dự báo, xác suất cao Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9-2024 và mức giảm cho năm 2024 có thể đạt 0,75-1%, cao hơn so với dự báo trước đó ở mức 0,5%. Việc Fed giảm lãi suất sẽ giúp chỉ số DXY tiếp tục giảm và giảm áp lực lên tỷ giá các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, việc tỷ giá biến động không chỉ phản ánh đơn thuần yếu tố kinh tế vĩ mô tác động lên nó mà còn phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư về biến động tương lai. Do đó, khi các yếu tố tương lai được dự báo thuận lợi hơn, thì tâm lý kỳ vọng tăng giá sẽ giảm dần và áp lực đầu cơ lên tỷ giá cũng giảm theo.
Ngoài các yếu tố bên ngoài kể trên, còn có các yếu tố bên trong là các biện pháp mà NHNN lâu nay áp dụng để ổn định tỷ giá, các biện pháp này sẽ được giảm bớt. Theo đó, khi điều kiện thuận lợi thì việc duy trì một mặt bằng lãi suất cao trên thị trường 1 sẽ không cần thiết và do đó, NHNN có thể sẽ giảm bớt việc hút tiền qua kênh tín phiếu đồng thời hạ tiếp lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở.
Nếu không có những diễn biến bất ngờ, khả năng rất cao tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục giảm về mức quanh 25.000-25.100 đồng/đô la, và nằm trong mục tiêu biến động dưới 3% mà NHNN đưa ra hồi đầu năm.
Vẫn cần dự phòng những tình huống bất ngờ
Những dự báo ở trên sẽ đúng nếu nền kinh tế không diễn ra những tình huống bất ngờ, được gọi là “thiên nga đen”. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra khắp nơi, thì một sự kiện bất ngờ có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng rất khó dự báo. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới.
Thứ nhất, với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mà chịu tác động bởi tỷ giá, cần xây dựng một chiến lược quản lý rủi ro tỷ giá phù hợp từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu rủi ro hoạt động.
Thứ hai, đối với các chủ thể có những hoạt động đầu tư hoặc vay nợ mà chịu tác động bởi biến động tỷ giá, vẫn cần thận trọng trong giai đoạn tới phòng các tình huống biến động lớn ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh chính.
Thứ ba, mặc dù điều kiện bên trong và bên ngoài đã và đang thuận lợi hơn cho việc điều hành tỷ giá và lãi suất, nhưng thiết nghĩ việc điều chỉnh lãi suất và tỷ giá chậm theo từng diễn biến lớn của thị trường toàn cầu sẽ hạn chế được khả năng điều hành “giật cục” trong ngắn hạn, giúp cho người dân và doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Nhìn chung, xác suất để một sự kiện bất ngờ xảy ra thường rất thấp trong thực tế, nhưng tác động không mong đợi của nó thường lớn hơn rất nhiều, vì vậy việc phòng ngừa rủi ro luôn cần được quan tâm một cách chặt chẽ.