(KTSG Online) – Sau khoảng thời gian đầu năm trầm lắng, hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân được kỳ vọng khởi sắc trở lại, trong bối cảnh nhu cầu thị trường ấm hơn và nhiều quy định mới có hiệu lực. Tín dụng cá nhân đã phục hồi…
(KTSG Online) – Sau khoảng thời gian đầu năm trầm lắng, hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân được kỳ vọng khởi sắc trở lại, trong bối cảnh nhu cầu thị trường ấm hơn và nhiều quy định mới có hiệu lực.
Tín hiệu phục hồi
Dù thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 6%, hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng được đánh giá là còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau kỳ công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm, bức tranh khác về sự phục hồi của mảng tín dụng khách hàng cá nhân tại các ngân hàng có điểm đáng chú ý.
Trao đổi với KTSG Online, bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối cá nhân của Sacombank, cho biết trong 7 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng cá nhân tăng 5%, với doanh số giải ngân cho vay cá nhân bình quân là 35.000 tỉ đồng mỗi tháng. Con số này cao gần tương đương với cả năm 2023 (5,33%).
Tại VPBank, báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 cũng cho thấy phân khúc khách hàng cá nhân ghi nhận tăng trưởng, chủ yếu đến từ sản phẩm cho vay tiêu dùng và và thẻ tín dụng. Trong khi đó, cho vay mua nhà phố nối tiếp đà tăng từ quí 1 với mức tăng 7%, chiếm tỷ trọng 53% trên tổng danh mục cho vay mua nhà của ngân hàng.
Tương tự, tại FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng của VPBank, tín dụng trong quí vừa qua tăng 3,5% so với quí 4-2023. Doanh số giải ngân trong quí 2 tăng 9% so với quí trước, và tăng đến 53% nếu so sáu tháng đầu năm với cùng kỳ.
“Hoạt động tái cấu trúc toàn diện nhằm cải thiện chất lượng danh mục, tăng cường hiệu quả thu hồi nợ và tối ưu bộ máy vận hành đã từng bước đưa công ty tài chính tiêu dùng tìm lại chu kỳ tăng trưởng mới”, báo cáo của VPbank đánh giá.
Tại Techcombank, hoạt động giải ngân cho nhóm khách hàng cá nhân vẫn tiếp tục duy trì. Theo đó, tăng trưởng tín dụng phân khúc này ghi nhận mức tăng 7% trong quí 2, cao hơn mức 4,3% của khối doanh nghiệp.
Dư nợ cho vay mua nhà tại Techcombank tăng 6,3% so với đầu năm và 9,1% so với cùng kì. “Giải ngân cho vay mua nhà tiếp tục đà tăng trưởng tốt, quay trở lại mức trung bình theo quí trước, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn trong giai đoạn nửa sau năm 2022 cho đến quí 3-2023”, báo cáo của Techcombank đánh giá.
Theo ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank, chia sẻ tại buổi họp nhà đầu tư mới đây, hoạt động vay mua nhà ghi nhận tình trạng dư nợ giảm vì khách hàng trả trước, nhưng hoạt động cho vay mua nhà thứ cấp vẫn tiếp tục tăng trưởng nên tổng mức cho vay mua nhà vẫn tăng so với quí trước.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt và đều đặn. Dù doanh số cho vay có thể tăng nhưng dư nợ tín dụng chưa chắc tăng cùng hướng, khi một số khách hàng có nhu cầu tất toán trước khoản vay, giảm đòn bẩy, theo đánh giá của nhiều lãnh đạo nhà băng chia sẻ trước đó.
Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc của TPBank, dư nợ của nhóm các sản phẩm cho vay truyền thống (bao gồm có cả thế chấp hoặc tín chấp) trong sáu tháng đầu năm có tăng lên nhưng không nhiều. Tuy nhiên, sự cải thiện đáng kể lại nằm ở các kênh tiêu dùng số. “Dư nợ có dấu hiệu tăng trưởng tốt qua các tháng gần đây”, ông Hưng đánh giá.
Những kỳ vọng mới
Tín dụng tiêu dùng trong nửa đầu năm 2024 được đánh giá chung là phủ màu ảm đạm hơn là tích cực, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, nhu cầu suy giảm dù lãi suất cho vay được nhiều lãnh đạo ngân hàng nói rằng ở “vùng hợp lý”. Tuy nhiên, các chính sách mới gần đây, cũng như định hướng mới của ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn.
Chẳng hạn, một thông tin tích cực là dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân thuê thuộc cụm công nghiệp tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TPHCM) với quy mô 1.040 căn được cấp giải ngân kể từ khi gói tín dụng quy mô 120.000 tỉ đồng triển khai. Đây được xem là dự án đầu tiên tại TPHCM được cấp tín dụng với sự tham gia của các nhà băng.
Gói tín dụng ưu đãi chung cũng vừa được nâng quy mô lên mức 140.000 tỉ đồng với sự tham gia thêm của các ngân hàng thương mại, theo chia sẻ của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cuộc họp báo vào gần cuối tháng 7 vừa qua.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN đang trình Chính phủ một số thay đổi quan trọng với gói này với chủ trương nâng ưu đãi, khuyến khích thêm các ngân hàng tham gia vào chương trình. Chẳng hạn như mức giảm lãi suất có thể lên đến 3% (trước đây là 2%), hay thời gian ưu đãi nâng từ 3 lên 5 năm và nhiều thay đổi khác. Cho đến nay, gói tín dụng ưu đãi lãi suất này mới chỉ giải ngân khoảng 1% quy mô.
Sự kỳ vọng tín dụng khởi sắc hơn cũng đến từ những chính sách mới. Chẳng hạn như Thông tư 12/2024 có hiệu lực từ đầu tháng 7 vừa qua, cho phép vay tiêu dùng lên đến 100 triệu đồng mà không cần phương án sử dụng vốn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh các mẫu biểu cho vay hiện tại đối với sản phẩm tiêu dùng để đáp ứng Thông tư này. “Những thay đổi này thực sự tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp, giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ một cách dễ dàng hơn, hạn chế được tín dụng đen trên thị trường”, ông Hưng đánh giá.
Cung cấp nguồn tài chính với chi phí hợp lý và thủ tục nhanh gọn nhất cũng là định hướng quan trọng của Sacombank. “Nhiều người dân vẫn có suy nghĩ là khi cần vay số tiền lớn mới thì nhiều thủ tục, mất thời gian và khó chấp nhận giải ngân. Do đó khách hàng thường hay tiếp cận thị trường ‘chợ đen’ và chấp nhận mức lãi suất rất cao”, bà Huyền nói.
“Vũ khí” được nhiều nhà băng tự tin giúp đẩy mạnh cho vay tiêu dùng hiện nay là các sản phẩm công nghệ. Chẳng hạn, Sacombank đang đẩy mạnh triển khai chương trình vay tiêu dùng, vay tín chấp từ lương, thậm chí có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm ngay trên chính ứng dụng Sacombank Pay, có thể nhận ngay tiền giải ngân chỉ trong ít phút nếu thỏa điều kiện.
Đại diện TPBank cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng công nghệ thúc đẩy tiêu dùng cuối năm. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cuối năm khoảng 25%, trong đó riêng dư nợ các sản phẩm vay tiêu dùng qua kênh số sẽ tăng trưởng trên 35%.
Trong buổi họp với nhà đầu tư mới đây của Techcombank, ngân hàng cho biết việc triển khai những sản phẩm công nghệ mới từ đầu tháng 6 có kết quả khả quan. Theo báo cáo giữa năm, Techcombank có thêm gần 1 triệu khách hàng mới trong kỳ, trong đó 55% khách hàng cá nhân gia nhập thông qua nền tảng số và 44% từ kênh chi nhánh, đặc biệt nhờ chương trình mở rộng nhóm khách hàng nhà bán lẻ.
Tuy việc triển khai những sản phẩm cho vay tiêu dùng mới dựa trên công nghệ có tín hiệu tốt, các lãnh đạo ngân hàng vẫn đánh giá chung rằng thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực phục hồi sức cầu của nền kinh tế. “Thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, bản thân khách hàng cũng gặp không ít khó khăn, nên việc giảm lãi suất cho vay, thậm chí môi trường cạnh tranh về lãi suất có thể sẽ tiếp tục diễn ra”, ông Hưng của Techcombank nhận định.