Đà tăng mạnh của các cổ phiếu khiến nhà đầu tư bất ngờ trong bối cảnh nhiều luồng thông tin đang bủa vây các doanh nghiệp. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 chứng kiến biến động mạnh của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp gạo cội tại phố núi…
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 chứng kiến biến động mạnh của nhóm cổ phiếu doanh nghiệp gạo cội tại phố núi Gia Lai gồm Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG).
Trong phiên sáng QCG cùng DLG đồng loạt tăng kịch biên độ gần 7%, dư mua giá trần hàng triệu đơn vị. Tuy nhiên, đà tăng thu hẹp về phiên chiều. Kết quả DLG vẫn kết phiên tại mức giá trần 1.730 đồng/cp; còn QCG tăng 1,5% lên 7.350 đồng/cp.
Trong khi đó, HAG cũng tăng tốt trong phiên sáng song áp lực bán khiến thị giá lùi về ngưỡng tham chiếu 12.150 đồng/cp với thanh khoản cải thiện lên hơn 9 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Dù vậy, nhịp tăng là không đáng kể khi mà trước đó các mã này đã quãng điều chỉnh mạnh. So với đầu năm 2024, QCG mất 27%, DLG giảm hơn 29% trong khi HAG giảm gần 11% sau 7 tháng.
Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai hay Đức Long Gia Lai có tuổi đời hàng chục năm, đều khởi nghiệp từ những xưởng gỗ nhỏ tại Gia Lai sau đó dần thành công và ghi dấu ấn “một thời vàng son”. Thời điểm đó, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh giúp các chủ doanh nghiệp lọt danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên nhiều khó khăn đã ập đến với các doanh nghiệp này. Kết quả kinh doanh “đi lùi” trông thấy trong vài năm trở lại đây, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần.
Mới đây, cả 3 doanh nghiệp đã hé lộ bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, điểm chung đều có lãi. Tuy nhiên nhìn sâu vào từng doanh nghiệp, tình hình hoạt động vẫn có nhiều điểm khác biệt.
Đối với Hoàng Anh Gia Lai, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mang về 2.759 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế đạt 507 tỷ đồng, tăng 32%.
Đây là tín hiệu tích cực sau nhiều động thái mạnh mẽ nhằm cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp Bầu Đức. Nhìn lại giai đoạn trước, từ hoạt động kinh doanh chủ lực bất động sản, doanh nghiệp của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) dần lấn sân sang thủy điện, bóng đá, nông nghiệp. Song nhiều mảng kinh doanh không thuận lợi khiến nợ vay đè nặng, giai đoạn 2015 – 2016 số nợ của Hoàng Anh Gia Lai lên đến 27.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp sau đó đã buộc phải từ bỏ nhiều mảng kinh doanh, bán các công ty con. Tới năm 2022, Bầu Đức tuyên bố Hoàng Anh Gia Lai “thoát khỏi cửa tử”. Kết quả lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm giúp HAGL thu hẹp lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2024 xuống còn 904 tỷ đồng, vay nợ hơn 7.000 tỷ đồng, giảm gần 900 tỷ đồng sau 6 tháng.
Trong khi Hoàng Anh Gia Lai đang có những bước vực dậy tốt sau quãng lao dốc, nhìn sang Quốc Cường Gia Lai, tình hình kinh doanh thậm chí có phần khó khăn hơn. Biến động lớn nhất phải kể tới là việc bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng giám đốc QCG bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 19/7 nhằm phục vụ điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ việc nằm trong quá trình Bộ Công an điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Hiện con trai bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường (biệt danh “Cường Đô la”, sinh năm 1982) đã chính thức trở thành Tổng Giám đốc, giữ vai trò người đại diện theo pháp luật của công ty thay thế cho mẹ.
Tình hình kinh doanh tiếp tục lao đốc khi quý 2/2024 QCG báo lỗ đậm nhất trong vòng 12 năm với con số 17 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty sụt giảm 69% về 65 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cũng ghi nhận gần 17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 14 tỷ đồng.
Còn tại Tập đoàn Đức Long Gia Lai, việc lấn sân vào quá nhiều lĩnh vực và không hiệu quả khiến Công ty ngày càng sa sút. Đức Long Gia Lai đã báo lỗ 2 năm liên tiếp 2022-2023. Nếu không thể có lãi trong năm 2024, Công ty sẽ đối mặt án hủy niêm yết trong năm sau.
Doanh nghiệp còn đã 2 lần bị đối tác nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong lần 1 vào tháng 7/2023, sau khi Lilama 45.3 có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xem xét lại quyết định này và đã hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh Gia Lai. Mới đây nhất, Lilama 45.3 lại tiếp tục nộp đơn và TAND tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn.
Trong năm 2024, Đức Long Gia Lai đề kế hoạch 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 25% so với năm trước) và 120 tỷ đồng lãi sau thuế (năm 2023 lỗ gần 579 tỷ đồng). Sau 6 tháng, DLG lãi gần 10 tỷ đồng, hoàn thành vỏn vẹn 8% mục tiêu cả năm. Lỗ lũy kế tính đến cuối thời điểm 30/6/2024 là gần 2.635 tỷ đồng.
Gần nhất, DLG gây bất ngờ khi công bố việc thoái toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (Mass Noble) – công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ sau 9 năm thâu tóm. Mảng linh kiện đóng góp tỷ trọng lớn doanh thu cho DLG, riêng trong năm 2023, doanh thu từ mảng này là 573 tỷ, cùng với doanh thu 449 tỷ từ BOT “gồng gánh” cho đại gia phố núi.
An ninh Tiền tệ