(KTSG) – Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Luật mới, bên cạnh việc cho phép những hoạt động kinh doanh mới, các quy định về bao thanh toán đã có những điều chỉnh, thay thế nhất định nhằm…
(KTSG) – Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Luật mới, bên cạnh việc cho phép những hoạt động kinh doanh mới, các quy định về bao thanh toán đã có những điều chỉnh, thay thế nhất định nhằm phù hợp hơn với thực tiễn và thông lệ quốc tế, đa dạng hơn các sản phẩm tín dụng của các TCTD.
Bao thanh toán
Trước đây pháp luật Việt Nam chỉ cho phép thực hiện một hình thức bao thanh toán là bao thanh toán có bảo lưu quyền truy đòi. Theo đó, đơn vị bao thanh toán (ngân hàng) có quyền đòi lại số tiền đã ứng trước và lãi, phí bao thanh toán từ khách hàng trong trường hợp bên mua hàng không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản phải trả(1).
Đây là một trong những rào cản đối với sự phát triển của hoạt động bao thanh toán tại Việt Nam bởi lẽ quy định này đã khiến thị trường cung ứng dịch vụ bao thanh toán của các ngân hàng bị thu hẹp. Điều này khiến sản phẩm bao thanh toán tỏ ra kém hấp dẫn và chưa được ưa chuộng khi doanh nghiệp không thể chuyển rủi ro sang cho các đơn vị bao thanh toán.
Cùng với các hạn chế khác về hành lang pháp lý về cơ chế quản lý và vận hành sản phẩm, hoạt động bao thanh toán trước đây chưa thật sự được các ngân hàng chú trọng. Thực tế là trước đây một số ngân hàng đã thực hiện hoạt động này dưới hình thức thỏa thuận mua bán các khoản phải thu với khách hàng trên cơ sở các quy định của Bộ luật Dân sự để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình.
Bên cạnh những thay đổi đối với hoạt động bao thanh toán, Luật các TCTD mới cũng bổ sung thêm một số hoạt động kinh doanh mới và quy định rõ cơ sở để thực hiện các hoạt động đó.
Luật các TCTD mới đã giản lược định nghĩa bao thanh toán, theo đó chính thức cho phép thực hiện hoạt động bao thanh toán không có quyền truy đòi. Sự thay đổi này đã mở rộng danh mục dịch vụ được phép cung ứng đối với nghiệp vụ bao thanh toán của ngân hàng.
Ngoài ra, Luật các TCTD mới còn bổ sung quy định cho phép các ngân hàng thương mại được thực hiện thêm hoạt động kinh doanh dịch vụ khác liên quan đến bao thanh toán (điều 114.1.e). Nội dung này cũng đã được cụ thể hóa tại Thông tư 20/2024/TT-NHNN thay thế Thông tư 02/2017/TT-NHNN về bao thanh toán.
Đây là quy định mở và cũng là cơ hội để các ngân hàng có thể tận dụng tối đa không gian kinh doanh xung quanh hoạt động bao thanh toán (ví dụ như quản lý, theo dõi sổ sách liên quan đến khoản phải thu của bên bán hàng).
Lưu ý, trong thông tư mới của NHNN, TCTD nước ngoài cũng được cho phép cung cấp dịch vụ bao thanh toán. Vì vậy thị trường bao thanh toán trong thời gian tới sẽ rất cạnh tranh. Tuy nhiên, vì TCTD có thể sẽ phải chịu nhiều rủi ro khi không có quyền truy đòi, khi triển khai hình thức cấp tín dụng này, các quy định liên quan như thẩm định tín dụng, nhận biết khách hàng (KYC), quản lý rủi ro tín dụng (báo cáo dư nợ cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng) của NHNN cần được tuân thủ chặt chẽ.
Một số hoạt động kinh doanh bổ sung
Bên cạnh những thay đổi đối với hoạt động bao thanh toán, Luật các TCTD mới cũng (i) loại bỏ các hoạt động tư vấn ngân hàng tài chính, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư, và (ii) bổ sung thêm một số hoạt động kinh doanh mới và quy định rõ cơ sở để thực hiện các hoạt động đó như:
Dịch vụ ngân quỹ cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ và các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản; Tư vấn về hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh khác quy định trong giấy phép;
Mua, bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; Phát hành trái phiếu, lưu ký chứng khoán, nghiệp vụ ngân hàng giám sát; Đại lý quản lý tài sản bảo đảm cho bên cho vay là tổ chức tài chính quốc tế, TCTD nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc bổ sung thêm nhiều hoạt động kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có những tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Đây là cơ sở để ngân hàng có thể nâng cao khả năng đáp ứng những nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, gia tăng lượng khách hàng và bắt kịp với các xu hướng về tài chính trong thời đại hiện nay.
Xử lý tài sản bảo đảm
Luật các TCTD mới bổ sung quy định tạo thuận lợi cho các TCTD cùng các công ty quản lý tài sản của các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ theo quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản và quy định khác của pháp luật có liên quan, nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.
Điều khoản này sẽ được thực hiện từ ngày 1-8-2024, là một quy định quan trọng và thực tiễn, bởi vì các khoản vay thế chấp bất động sản tại các TCTD chiếm tỷ trọng rất lớn.
Khi được áp dụng, quy định này sẽ giúp các TCTD dễ dàng hơn trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ. Từ đó giúp cải thiện thanh khoản và giảm thiểu rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mà các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hậu Covid-19 vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả quy định trên, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước khác nhằm đảm bảo sự liên thông, kết nối giữa Luật các TCTD với các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.
Mặc dù vẫn cần nhiều hướng dẫn, đồng bộ hơn trong thời gian tới, song có thể thấy Luật các TCTD mới với những thay đổi như đã đề cập đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các TCTD. Đồng thời, cũng là bước tiến trong việc chuẩn hóa các quy định về hoạt động cấp tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.
(*) Luật sư, Đoàn Luật sư TPHCM
(1) Khoản 5, điều 3 Thông tư 02/2017/TT-NHNN