Áp lực bán ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài trong nửa đầu năm đã, đang ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư Phiên giao dịch sáng 10-7, VN-Index tạm dừng ở mức 1.294,66 điểm, tăng nhẹ 0,95 điểm so…
Phiên giao dịch sáng 10-7, VN-Index tạm dừng ở mức 1.294,66 điểm, tăng nhẹ 0,95 điểm so với phiên trước. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 523 tỉ đồng. Đây là phiên bán ròng thứ 10 liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trên sàn HoSE. Trong khi thống kê đến hết tháng 6, khối ngoại đã bán ròng hơn 50.000 tỉ đồng trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCoM ít nhiều ảnh hưởng đến biến động thị trường và tâm lý các nhà đầu tư.
Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư, Quỹ đầu tư VinaCapital, xung quanh những yếu tố khiến khối ngoại bán ròng.
– Phóng viên: Trong nửa đầu năm nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 2 tỉ USD (hơn 50.000 tỉ đồng), là mức bán ròng cao nhất tính từ 2011 trở lại đây. Đâu là yếu tố chính khiến khối ngoại bán ròng liên tục bất chấp những dữ liệu phục hồi của kinh tế Việt Nam?
+ Ông Đinh Đức Minh: Nguyên nhân chính của việc khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam là do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài. Do đó, dòng tiền của khối ngoại có xu hướng dịch chuyển về Mỹ để hưởng các mức lãi suất cao hơn và ít rủi ro hơn.
Đồng thời, sự nổi lên của các cổ phiếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn ở Mỹ cũng hút tiền khối ngoại. Ngoài Mỹ, dòng tiền còn đổ về các thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, là các thị trường có nhiều cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và AI.
Nhìn rộng hơn, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở hầu hết thị trường mới nổi khác với cùng nguyên nhân.
– Bất chấp đà bán ròng của khối ngoại, nhà đầu tư trong nước vẫn “cân hết”, bằng chứng là VN-Index vẫn tăng tốt thời gian qua?
+ Tính từ đầu năm đến tuần đầu của tháng 7-2024, chỉ số VN-Index tăng 13,6% tính theo VNĐ và 8,4% nếu quy đổi ra đồng USD, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức tăng tốt hơn các thị trường khác trong khu vực ASEAN và các chỉ số MSCI thị trường mới nổi và thị trường cận biên.
Sự tích cực này là nhờ lực mua của các nhà đầu tư trong nước, chiếm đến 85-90% giao dịch trên thị trường. Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực trong năm 2024-2025 và môi trường lãi suất – dù đã tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức tương đối hấp dẫn cho kênh đầu tư chứng khoán.
– Vậy theo ông, khối ngoại sẽ bán ròng đến khi nào?
+ Dù rất khó dự báo chính xác về dòng tiền của khối ngoại, chúng tôi thấy một số yếu tố có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và nhìn thấy nhiều hơn các cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Thứ nhất, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Với việc GDP tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 6,5 – 7%, so với mục tiêu 6 – 6,5% hồi đầu năm.
Thứ hai, nhiều dự báo cho thấy FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong thời gian tới, mức giảm có thể không nhiều nhưng các nhà đầu tư sẽ nhìn nhận đó là bước chuyển lớn về chính sách tiền tệ của Mỹ.
Thứ ba, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025 như mục tiêu đề ra, sẽ thu hút được dòng tiền từ các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi.
Xu hướng của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm ra sao, liệu còn hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng hay bất động sản?
+ Chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực trong thời gian tới do kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự báo. Các doanh niêm yết có thể đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong cả năm nay.
Đối với danh mục các cổ phiếu mà VinaCapital theo dõi, chiếm khoảng 90% vốn hóa thị trường, dự báo tăng trưởng tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 20% trong cả năm. Dù thị trường chứng khoán vẫn còn có thể chịu ảnh hưởng của áp lực tỉ giá và lãi suất nhưng áp lực này sẽ giảm bớt trong thời gian tới.
Người Lao Động