(KTSG) – Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sử dụng vừa kênh mua lại ngắn hạn bảy ngày vừa kênh phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 28 ngày cho thấy sự phân hóa trong tình hình thanh khoản hiện nay của các ngân hàng. Có những ngân hàng…
(KTSG) – Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang sử dụng vừa kênh mua lại ngắn hạn bảy ngày vừa kênh phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 28 ngày cho thấy sự phân hóa trong tình hình thanh khoản hiện nay của các ngân hàng. Có những ngân hàng vẫn dồi dào thanh khoản để tiếp tục tham gia đầu tư tín phiếu, nhưng cũng có ngân hàng đang phải tiếp cận lại kênh vay ngắn hạn từ NHNN.
Bơm ròng trở lại
Đầu tuần trước (15-4-2024), NHNN tiếp tục mua lại gần 12.000 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn bảy ngày. Cả tám thành viên tham gia đều trúng thầu với lãi suất 4%. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp nhà điều hành mua lại tín phiếu. Trước đó, trong phiên ngày 12-4-2024, cơ quan này cũng mua lại 10.000 tỉ đồng tín phiếu từ hai thành viên, cùng với mức lãi suất ở 4%. Như vậy, chỉ trong vòng hai phiên, đã có 22.000 tỉ đồng được bơm ra qua kênh mua kỳ hạn.
Trước đó nữa, vào ngày 2 và 3-4-2024, cơ quan này cũng mua lại tín phiếu kỳ hạn bảy ngày lần lượt là 5.952 tỉ đồng và 2.513 tỉ đồng. Có thể thấy, động thái bơm tiền qua việc mua kỳ hạn tín phiếu dường như đang và sẽ được sử dụng thường xuyên hơn, như là chính sách hỗ trợ cho những tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn thanh khoản cục bộ.
Song song đó, NHNN vẫn đang tiếp tục phát hành tín phiếu, dù khối lượng đã giảm nhiều so với giai đoạn trước. Như trong phiên ngày 12 và 15-4-2024, lượng tín phiếu phát hành thêm lần lượt là 8.600 tỉ đồng và 2.800 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với khối lượng đáo hạn là 15.000 tỉ đồng/phiên. Theo đó, đã có 18.600 tỉ đồng trở lại thị trường, cộng thêm với 22.000 tỉ đồng tín phiếu NHNN mua lại đã nói ở trên, tổng lượng thanh khoản được bơm ròng trong hai ngày này là 40.600 tỉ đồng.
Còn nếu tính trong nửa đầu tháng 4-2024, đã có thêm 29.650 tỉ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày được phát hành, trong khi lượng tín phiếu phát hành thời điểm tháng 3 đáo hạn từ ngày 8 đến 15-4 là 90.000 tỉ đồng (15.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn/phiên trong sáu phiên). Tổng khối lượng bơm ròng trong 11 phiên của nửa đầu tháng 4 là 82.350 tỉ đồng.
Cũng cần nhắc lại rằng chính sách phát hành tín phiếu được NHNN nối trở lại từ đầu tháng 3-2024 nhằm hút bớt lượng thanh khoản dư thừa ra khỏi thị trường, hạn chế việc các tổ chức tín dụng tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi này để đầu cơ ngoại tệ và kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất quá lớn giữa tiền đồng và đô la Mỹ trên thị trường 2. Do đó, với lượng tín phiếu đang đáo hạn dần và lượng lớn thanh khoản tiền đồng đang trở lại hệ thống, không loại trừ khả năng việc đầu cơ tỷ giá có thể quay lại, nhất là khi nhìn vào diễn biến tỷ giá vẫn nóng trong những ngày qua.
Chỉ trong vòng ba ngày (11, 12 và 15-4), tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng 60 đồng, trong khi giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tăng thêm 170-200 đồng. Trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ biến động khó lường, sau khi tăng vọt 205 đồng trong ngày 10 và 11-4, đến ngày 12-4 giảm trở lại 55 đồng. Nếu so với đầu năm, giá đô la Mỹ tự do vẫn đang tăng xấp xỉ 3%.
Ngoài ra, việc nhà điều hành đang sử dụng vừa kênh mua lại tín phiếu ngắn hạn bảy ngày vừa kênh phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn 28 ngày đã cho thấy sự phân hóa trong tình hình thanh khoản hiện nay của các ngân hàng. Có những ngân hàng vẫn dồi dào thanh khoản để tiếp tục tham gia đầu tư tín phiếu, nhưng cũng có ngân hàng đang phải tiếp cận lại kênh vay ngắn hạn từ NHNN. Về tổng thể, bơm ròng vẫn đang là xu hướng chính, nhờ lượng lớn tín phiếu giai đoạn trước đang bước vào thời điểm đáo hạn dần.
Tình hình thanh khoản đang phân hóa?
Bên cạnh những diễn biến từ thị trường mở, có nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt hơn. Thứ nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sau khi bật tăng trong ngày cuối tháng 3-2024, đã neo ở mức cao kể từ đó đến nay. Cập nhật đến cuối tuần qua (12-4), lãi suất kỳ hạn qua đêm trên thị trường 2 là 4,18%, kỳ hạn một tuần và hai tuần lần lượt là 4,33% và 4,24%. Nếu so với mức đáy gần nhất là 0,13% vào ngày 22-3, mới thấy lãi suất qua đêm đã tiến một bước dài như thế nào trong vòng hơn nửa tháng qua.
Dấu hiệu thứ hai là bên cạnh một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động trở lại từ đầu tháng 4 đến nay. Dĩ nhiên việc thị trường ngoại hối hay thị trường vàng nổi sóng trong thời gian gần đây đã khiến hoạt động huy động vốn của các ngân hàng gặp thách thức hơn, với tăng trưởng huy động toàn ngành đến ngày 25-3 giảm 0,76%, đánh dấu giai đoạn quí 1 hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng huy động ở mức âm trong nhiều năm qua.
Trong tuần qua, đã có thêm một số ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại. Đơn cử như VPBank tăng 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 2 chỉ trong vòng nửa tháng, sau lần tăng đều 0,2 điểm phần trăm diễn ra vào cuối tháng 3. Nhưng tăng mạnh nhất phải kể đến MSB với mức tăng 0,7 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-2 tháng và kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, tăng 0,5 điểm phần trăm kỳ hạn 3-5 tháng. Đáng lưu ý, trong tuần đầu tháng 4, MSB giảm mạnh lãi suất tiền gửi cũng ở mức 0,5-0,7 điểm phần trăm tùy kỳ hạn, nhưng rồi chỉ sau một tuần đã phải tăng trở lại.
Ngoài ra, còn phải kể đến Eximbank tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 6-9 tháng, là lần tăng thứ hai trong vòng hơn nửa tháng; lần trước là tăng 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 1-3 tháng. KienLong Bank cũng tăng đều 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên. NCB tăng 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn bốn tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn năm tháng và tăng 0,15 điểm phần trăm kỳ hạn 10-11 tháng, dù vậy ngân hàng này cũng có động thái giảm ở các kỳ hạn một tháng và 6-7 tháng.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài tăng trưởng huy động có sự khác nhau mà có thể đã dẫn đến việc điều chỉnh chính sách lãi suất tiền gửi ngược chiều nhau, sự phân hóa trong tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay cũng kéo theo tình trạng thanh khoản phân hóa giữa các ngân hàng. Dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành hết quí 1-2024 chỉ đạt 0,9%, nhưng thực tế không ít ngân hàng chứng kiến mức tăng trưởng lên đến 3-5%.
Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh từ đầu năm đến nay có thể kể đến như HDBank tăng 6%; MSB, MB và VietinBank tăng 5%; Sacombank tăng 4%, ACB tăng 3,7%; OCB tăng 4,6%. Kết quả vượt trội trên cũng giúp các ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận quí 1-2024 tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ.
Xu hướng này có thể sẽ còn tiếp diễn, khi tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động cạnh tranh nhau quyết liệt giữa các ngân hàng trong năm nay, do các ngân hàng đều đã sớm được giao hết room tín dụng ngay từ đầu năm. Ngoài ra, với việc các ngân hàng phải niêm yết công khai lãi suất cho vay bình quân lên trang web từ ngày 1-4-2024, cộng thêm áp lực phải giải ngân vốn đầu ra thể hiện qua hàng loạt chương trình cho vay lãi suất ưu đãi được nhiều ngân hàng triển khai gần đây, thách thức và cạnh tranh ở hoạt động cho vay càng thêm gay gắt.
Kinh tế Sài Gòn Online