(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 từ hôm nay (ngày 19-4), với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450…
(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 từ hôm nay (ngày 19-4), với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.
Thông điệp này được ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa ra tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quí 1-2024 diễn ra sáng 19-4.
Theo ông Quang, việc NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng, là biện pháp rất mạnh mẽ của cơ quan điều hành nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
“Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của NHNN”, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.
Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, tiếp tục các biện pháp ổn định thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.
Trước đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết mức tăng tỷ giá từ đầu năm tới nay là 4,9% – một mức tăng cũng đáng quan tâm.
Lý giải nguyên nhân, ông Tú cho biết một phần tới từ kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thậm chí, lạm phát của Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh.
“Nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong 3 tháng đầu năm nhưng ngược lại đến nay vẫn chưa thấy động thái cụ thể”, ông Tú nói.
Yếu tố này khiến Việt Nam – một nền kinh tế nhỏ và có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn – chịu ảnh hưởng từ sức mạnh của đô la Mỹ. Nhưng so với các quốc gia trong khu vực thì tỷ giá của đồng Việt Nam duy trì ở mức vẫn tốt trong bối cảnh đồng nội tệ của nhiều quốc gia trong khu vực và các nội tệ mạnh có khả năng chuyển đổi đều mất giá trước sức ảnh hưởng của đô la Mỹ.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, ông Tú khẳng định, việc quản lý tỷ giá cần đảm bảo ổn định nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống phù hợp với tình hình để tránh những tác động mạnh của thế giới và tạo sự cân đối hài hòa.
“NHNN cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi, cả kể là can thiệp ngay từ ngày hôm nay”, ông Tú nhấn mạnh.
Về phía các chuyên gia, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao trong năm 2024 thì tỷ giá căng có lẽ là điều khó tránh khỏi. Trong bối cảnh đó, việc bơm/hút tín phiếu là bước đi ban đầu để cơ quan quản lý thăm dò thị trường. Cụ thể, khối lượng phát hành không nhiều như năm 2023 khi giá trị hút ròng ở thời điểm cao nhất là 171.000 tỉ đồng, thấp hơn khá nhiều năm 2023 là 254.000 tỉ đồng.
Việc hút thanh khoản, tăng lãi suất đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng, theo ông Linh, là giải pháp nhanh và đơn giải nhất nhằm giảm khoảng cách giữa lãi suất đô la Mỹ và đồng Việt Nam trên thị trường này. Nhưng cung cầu ngoại tệ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, ngoài xuất nhập siêu còn có cả tình trạng găm giữ, đầu cơ hay dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài mà những yếu tố này tín phiếu khó có thể xử lý hết.
Thực tế, nhìn lại năm 2022 và 2023, có ba bước để kiểm soát tỷ giá gồm: hút thanh khoản bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác; bán dự trữ ngoại hối; tăng lãi suất điều hành.
Hiện NHNN đã thực hiện bước đầu tiên là hút thanh khoản bằng tín phiếu, nhưng tỷ giá sau hơn năm tuần chưa có dấu hiệu dịu bớt. Do đó, bước tiếp theo đã được cơ quan quản lý triển khai là bán dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
“Nếu bước này cũng không đủ thì tôi nghĩ sẽ phải tính tới bước ba”, ông Linh dự báo.
Xét trong điều kiện kinh tế Việt Nam, ông Linh cho rằng, tăng trưởng kinh tế tới từ nhiều yếu tố. Yếu tố hàng đầu là xuất khẩu của khối FDI, nhưng khối này gần như miễn nhiễm với xu hướng lãi suất đồng Việt Nam. Tiếp theo là giải ngân đầu tư công – hiện đang có tiến độ tốt và xúc tiến thương mại.
Với bối cảnh hiện tại, vị này cho rằng, tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhưng cũng cần cân đối với ổn định vĩ mô. Theo đó, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp cũng có những mặt trái là tỷ giá, lạm phát và bong bóng tài sản.
“Giải pháp cần có hiện nay là để hài hòa tổng thể các yếu tố đó bởi ổn định cũng là một phần của tăng trưởng. Giai đoạn 2017 – 2019, chúng ta đã khá thành công trong việc ổn định vĩ mô cùng với mức tăng trưởng GDP cao, đạt 6,8 – 7%. Dự trữ ngoại hối gia tăng nhanh trong giai đoạn này giúp chúng ta có bộ đệm để hỗ trợ tỷ giá trong ba năm qua”, ông Linh cho biết.
Kinh tế Sài Gòn Online