Kể từ lần đầu tư VN-Index chính thức vượt 1.200 điểm vào tháng 4/2018, đến nay nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam đã có 8 lần được thấy chỉ số đảo qua, đảo lại mốc điểm này. Trong lịch sử 24 năm của chứng khoán Việt Nam, cột mốc…
Trong lịch sử 24 năm của chứng khoán Việt Nam, cột mốc 1.200 có lẽ là một trong những con số “ám ảnh” nhất với nhà đầu tư. Kể từ lần đầu tiên VN-Index chính thức vượt 1.200 điểm vào tháng 4/2018, đến nay chỉ số đã có 8 lần đảo qua, đảo lại mốc điểm này.
Đáng chú ý, khoảng thời gian VN-Index ở trên 1.200 điểm thường rất ngắn ngủi. Lần chỉ số giữ được mức trên 1.200 lâu nhất là giai đoạn từ tháng 4/2021 đến giữa tháng 5/2022. Còn lại đa phần tính theo tuần.
Ngược lại, VN-Index lại thường nằm khá lâu dưới mốc 1.200 điểm. Khoảng thời gian thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Lâu nhất chính là giai đoạn kể từ lần đầu chính thức vượt 1.200 vào đầu tháng 4/2018 đến đầu tháng 4/2021, tức là mất 3 năm “chứng sỹ” Việt Nam mới lại thấy mốc điểm này.
Trong quá khứ, VN-Index từng có thời điểm rất gần mốc 1.200 điểm vào tháng 3/2007. Thời điểm đó, chứng khoán Việt Nam còn rất sơ khai, số lượng cổ phiếu niêm yết còn ít với 107 mã và dễ bị “thổi phồng” quá đà. P/E của VN-Index theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí còn lên đến 73 lần.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã giáng một đòn mạnh vào thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Mức định giá cao ngất ngưởng khi đó càng làm trầm trọng thêm cú giảm của chứng khoán Việt Nam. VN-Index có thời điểm rơi xuống đáy lịch sử 235 điểm vào năm 2009 và phải mất đến 9 năm sau mới thấy lại con số 1.200.
Cơ cấu mất cấn bằng, chứng khoán đi “tàu lượn” theo chu kỳ bơm, hút tiền
Cần phải nhấn mạnh rằng, cùng một mốc điểm của VN-Index nhưng quy mô vốn hoá của HoSE đã tăng trưởng vượt bậc sau nhiều năm. Dù vậy, yếu tố bền vững lại là dấu hỏi lớn khi chứng khoán Việt Nam ngày càng lệch pha rõ rệt với tăng trưởng kinh tế và nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Điều này một phần xuất phát từ tính đầu cơ cao của thị trường theo các chu kỳ bơm, hút tiền.
Giai đoạn kinh tế khó khăn, chính sách tiền tệ được ưu tiên nới lỏng để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lãi suất thấp tạo ra môi trường tiền rẻ nhưng mức độ hấp thụ của nền kinh tế lại có phần hạn chế khiến một phần dòng tiền nhàn dỗi trong dân cư chảy vào các kênh đầu tư có rủi ro cao. Thị trường chứng khoán cũng tăng nóng cùng thanh khoản tăng vọt.
Khi nền kinh tế bước vào pha hồi phục và các kênh đầu tư rủi ro cao tăng trưởng quá nóng, chính sách tiền tệ dần thay đổi theo hướng thắt chặt hơn. Môi trường tiền rẻ không còn khiến thanh khoản tụt áp nhanh chóng, chứng khoán cũng trượt dốc. Vòng xoáy này sẽ tiếp tục lặp đi, lặp lại nếu thị trường không có một sự thay đổi thực sự về chất.
Câu chuyện chứng khoán Việt Nam thiếu hàng hóa mới chất lượng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần những năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để thay đổi tình trạng này. Thực tế, cung hàng hóa tiềm năng cũng không còn nhiều doanh nghiệp “bom tấn”, cả khối Nhà nước và tư nhân. Điều này khiến cơ cấu thị trường chứng khoán bị mất cân bằng.
Tại các thị trường phát triển như Mỹ, cơ cấu của thị trường chứng khoán tương đối cân bằng, với các nhóm ngành như công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng,… được phân bổ tương đối đều với tỷ trọng cao. Đây là các lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn với dòng tiền dài hạn, thậm chí được dự báo là xu hướng của tương lai.
Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận sự áp đảo hoàn toàn của nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và công ty tài chính), bất động sản với tổng tỷ trọng lên đến hơn 60%. Các nhóm ngành có tính chu kỳ cao, phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ. Điều này khiến chứng khoán Việt Nam khó thu hút được dòng tiền dài hạn, đặc biệt là từ khối ngoại. Thay vào đó, giao dịch ngắn hạn, lướt sóng trở nên phổ biến.
Đời sống Pháp luật