(KTSG) – Vấn đề tạo nên những điều tiếng đối với thẻ tín dụng trong thời gian qua chính là ma trận lãi, phí mà các ngân hàng đang áp dụng. Thẻ tín dụng – dịch vụ tài chính phức hợp QUẢNG CÁO Thẻ tín dụng là một phương tiện…
(KTSG) – Vấn đề tạo nên những điều tiếng đối với thẻ tín dụng trong thời gian qua chính là ma trận lãi, phí mà các ngân hàng đang áp dụng.
Thẻ tín dụng – dịch vụ tài chính phức hợp
Thẻ tín dụng là một phương tiện thanh toán do ngân hàng phát hành, cho phép chủ thẻ được thực hiện các giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng được cấp theo thỏa thuận với ngân hàng. Thẻ tín dụng là dịch vụ tài chính đặc thù với sự phức hợp giữa hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, thẻ tín dụng còn được mở rộng phạm vi dịch vụ với việc đính kèm theo nhiều tiện ích để khách hàng thụ hưởng trong quá trình thực hiện các giao dịch thanh toán.
Do đó, việc xem xét thẻ tín dụng dưới góc độ một quan hệ cho vay hay một phương tiện thanh toán riêng lẻ mà không gắn với đặc thù của sản phẩm tài chính này đều sẽ không toàn diện. Với đặc thù như trên, việc sử dụng thẻ tín dụng sẽ phát sinh nhiều chi phí tương ứng: tiền lãi đối với số tiền vay qua thẻ tín dụng và tiền phí phát sinh từ dịch vụ thanh toán.
Tuy nhiên, vấn đề tạo nên những điều tiếng đối với sản phẩm tài chính này trong thời gian qua chính là ma trận lãi, phí mà các ngân hàng đang áp dụng.
“Xé rào” lãi suất cho vay tối đa của Bộ luật Dân sự?
Theo khảo sát của người viết, mức lãi suất phổ biến mà các ngân hàng đang áp dụng đối với khoản vay được cấp qua thẻ tín dụng đang từ 20-40%/năm. Mức lãi suất phạt khi chậm thanh toán sẽ cao hơn (thường tối đa 1,5 lần so với lãi suất trong hạn). Rõ ràng, mức lãi suất này là cao hơn so với mức lãi suất cho vay của các khoản vay khác tại ngân hàng và cao hơn nhiều so với mức lãi suất tối đa đối với hợp đồng cho vay tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 (20%/năm).
Do đó, có thể nói trong các sản phẩm tín dụng tại ngân hàng, lãi suất áp dụng đối với khoản vay thông qua thẻ tín dụng được neo ở mức cao nhất. Điều này là phù hợp với thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới và đến từ ba lý do sau:
Thứ nhất, khoản vay này mang tính chất của một khoản vay tiêu dùng, thường là không có tài sản bảo đảm nên mức độ rủi ro cao hơn so với những khoản vay thông thường khác.
Thứ hai, ngân hàng cho phép người dùng thẻ tín dụng được sử dụng số tiền trong hạn mức tín dụng và không tính tiền lãi trong một khoảng thời hạn nhất định (thường là 45 ngày). Vì vậy, ngân hàng cần áp mức lãi suất cao để “bù đắp” lại số tiền đã cho nhiều khách hàng sử dụng “miễn phí”.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của khách hàng trong việc vay và tiêu tiền. Với lãi cao, khách hàng phải tranh thủ trả nợ đúng hạn cũng như tránh chi tiêu quá mức, vượt khả năng chi trả. Điều này vừa đảm bảo hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của ngân hàng vừa bảo vệ khách hàng trước nguy cơ vỡ nợ tiềm ẩn.
Suy cho cùng, thẻ tín dụng là một sản phẩm tài chính cần được tạo điều kiện để phát triển nhưng cần được quản lý chặt chẽ hơn. Đừng để thẻ tín dụng bị dư luận gắn nhãn “tín dụng đen hợp pháp”.
Như vậy, dưới góc độ thị trường, cần ủng hộ việc cho phép ngân hàng áp dụng mức lãi suất đối với khoản vay qua thẻ tín dụng cao hơn so với mức lãi suất cho vay bình quân trên thị trường.
Dưới góc độ pháp lý, nhiều tranh luận đã phát sinh xoay quanh mức lãi suất đang được áp dụng. Bởi lẽ, theo quy định tại điều 468 BLDS 2015, mức lãi suất cho vay tối đa được áp dụng là 20%/năm, trừ hai ngoại lệ: (i) trường hợp luật khác do Quốc hội ban hành có quy định khác; (ii) Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trong khi đó, điều 91 Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành chỉ quy định ngân hàng và khách hàng được quyền thỏa thuận nhưng phải tuân theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ được quyền quy định cơ chế xác định lãi suất trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường. Như vậy, Luật các TCTD không có quy định nào có thể sử dụng để biện hộ cho việc cho phép ngành ngân hàng được áp dụng lãi suất cao hơn mức trần của BLDS. Mặc dù trong thông tư hướng dẫn, NHNN đều khẳng định các ngân hàng được quyền áp dụng lãi suất theo cơ chế thị trường nhưng thông tư chỉ là văn bản dưới luật.
Thực trạng này tạo nên tranh cãi kéo dài cho đến khi Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP. Theo Nghị quyết này (điều 7), khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, tòa án áp dụng Luật các TCTD và các văn bản hướng dẫn khi xem xét vấn đề về lãi, lãi suất, không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất tại BLDS.
Nghị quyết 01 đã có tác dụng thống nhất được đường hướng xét xử của hệ thống tòa án nhưng dường như chỉ có tác dụng giải quyết tình thế, vì bản thân văn bản này không phải là luật, không đủ giá trị pháp lý để tạo nên một ngoại lệ cho ngành ngân hàng. Do vậy mà những tranh cãi xoay quanh vấn đề này vẫn không dừng lại.
Cũng vì vậy, Luật các TCTD 2024 đã bổ sung quy định tại điều 100: “TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật về các TCTD”. Với quy định này, khi Luật các TCTD 2024 có hiệu lực thì những xung đột về pháp lý mới thực sự được giải quyết.
Lãi kép khác gì lãi mẹ đẻ lãi con?
Qua rà soát, người viết nhận thấy nhiều ngân hàng đang áp dụng cách tính lãi cộng dồn (lãi kép) khi chủ thẻ tín dụng chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Hay nói cách khác, ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ dư nợ gốc, lãi, phí và các nghĩa vụ nợ phát sinh trong kỳ thanh toán sang nợ quá hạn và tiếp tục tính lãi trên số nợ mới. Bên cạnh đó, nếu quá hạn trả nợ, ngân hàng thường vừa áp dụng phí phạt khoản nợ quá hạn vừa áp dụng lãi quá hạn. Có thể nhận thấy, ngân hàng đang áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn.
Cách tính này cũng là nguyên nhân dẫn đến tình huống đẩy dư nợ từ 8,55 triệu đồng lên thành 8,83 tỉ đồng sau 11 năm trong vụ việc liên quan đến thẻ tín dụng đình đám vừa qua. Nhìn dưới góc độ pháp lý, người viết có khá nhiều băn khoăn về tính hợp pháp cũng như hợp lý của cách tính lãi suất này.
Thông tư 19/2016/TT-NHNN và các phiên bản sửa đổi, bổ sung (Thông tư 19) là văn bản điều chỉnh trực tiếp về hoạt động thẻ ngân hàng (bao gồm thẻ tín dụng). Điều 15 Thông tư 19 quy định rằng ngân hàng phải có quy định nội bộ về cấp tín dụng thông qua thẻ tín dụng, trong đó có các nội dung về lãi suất, cách tính lãi,… và phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng. Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của các ngân hàng (Thông tư 39) yêu cầu các nội dung về lãi suất, cách tính lãi được quy định rõ trong thỏa thuận cấp tín dụng giữa chủ thẻ và ngân hàng.
Do đó, về nguyên tắc, hoạt động cấp tín dụng qua thẻ tín dụng phải tuân theo quy định tại Thông tư 39. Điều 13 Thông tư 39 quy định khá rõ về nguyên tắc tính lãi suất. Theo đó, ngân hàng không được sử dụng phương pháp tính lãi cộng dồn khi khách hàng không trả nợ đúng hạn. Thay vào đó, ngân hàng chỉ chuyển nợ quá hạn đối với khoản nợ gốc và có thể tính lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn với lãi suất không vượt quá 1,5 lần lãi suất cho vay tại thời điểm chuyển nợ quá hạn. Với khoản lãi khách hàng chưa thanh toán, ngân hàng có thể tính lãi chậm trả với mức lãi suất không quá 10%/năm.
Ngoài ra, Thông tư 39 cũng quy định rõ nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Do đó, ngân hàng sẽ không được áp dụng phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại đối với hành vi trả nợ gốc, lãi không đúng hạn (điều 25).
Quy định của Thông tư 39 đạt được sự thống nhất chung trong cách tiếp cận của BLDS 2015 (điều 466), Nghị quyết 01 (điều 12). Bên cạnh đó, Án lệ 09 cũng đã đưa ra một giải pháp pháp lý khá hay, đó là không được tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng hay khoản bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm hợp đồng.
Tất cả các quy định nêu trên đều xoay quanh nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Nhìn lại có thể thấy cách tính của nhiều ngân hàng hiện nay đối với khoản vay qua thẻ tín dụng đang trái với nguyên tắc này và không phù hợp với các quy định pháp luật đã trình bày ở trên.
Nhìn trên phạm vi rộng hơn, tính lãi kép thường được cho là một trong những thủ đoạn gắn liền với hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng. Có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin này trên hàng loạt bài báo chính thống khi đưa tin về các vụ án liên quan đến tín dụng đen hay tội phạm cho vay lãi nặng.
Cách tính lãi mẹ đẻ lãi con được xem là một hành vi tính lãi mang tính bóc lột và làm kiệt quệ con nợ, không nên được cổ súy. Một nghiên cứu được đăng trên trang web của NHNN (ngày 1-7-2014) có đoạn: “Vì vậy tất yếu lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ không ngừng tăng lên, vì thế sẽ dẫn đến những người vay nợ mất khả năng chi trả. Hệ lụy của nó không chỉ là làm méo mó, hủy hoại nền kinh tế, mà thậm chí liên quan đến cả tính mạng con người”(1).
Suy cho cùng, thẻ tín dụng là một sản phẩm tài chính cần được tạo điều kiện để phát triển nhưng cần được quản lý chặt chẽ hơn. Đừng để thẻ tín dụng bị dư luận gắn nhãn “tín dụng đen hợp pháp”.
(*) Trường đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(1) sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/htnc/htnc_chitiet?centerWidth=80%25&dDocName=CNTHWEBAP0116211761658&leftWidth=20%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=e2a6o3yp5_9&_afrLoop=48594511785168466
Kinh tế Sài Gòn Online