Theo 12 doanh nghiệp tôn mạ, ống thép, Tập đoàn Hòa Phát không đủ điều kiện đại diện của ngành sản xuất HRC trong nước để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc do đó nhóm doanh nghiệp bác bỏ tư…
Ngày 10/4, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất tôn mạ chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ tại Việt Nam, bao gồm: CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), CTCP Thép TVP, CTCP Tôn Đông Á, CTCP Thép Nam Kim (NKG). Công ty Tôn Phương Nam, CTCP Tôn Pomina, CTCP Sản xuất thép Vina One, CTCP sản xuất kinh doanh Thép Việt Nhật và CTCP Kim khí Nam Hưng, CTCP Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, CTCP Thép Việt Thành Long An đã tiếp tục gửi công văn lập luận lần thứ 3 lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát không đủ tư cách pháp lý để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Công văn của 12 doanh nghiệp tôn mạ, ống thép dẫn dữ liệu Hải quan cho biết, có 05 công ty con Tập đoàn Hòa Phát sở hữu và có quyền kiểm soát gần như tuyệt đối nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong giai đoạn từ ngày 01/01/2019 đến ngày 29/02/2024. “Như vậy, Tập đoàn Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, bán xuất khẩu các mác thép HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 01/01/2019 – 29/02/2024.
Tập đoàn Hòa Phát và/hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang làm đồng thời 05 việc: (1) nhập khẩu HRC từ Trung Quốc; (2) nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá chính sản phẩm HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (3) sản xuất HRC mà các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang nhập khẩu từ Trung Quốc; (4) bán HRC tại thị trường nội địa; (5) bán HRC tại thị trường xuất khẩu”, công văn 12 doanh nghiệp tôn mạ, ống thép nêu.
Theo đó, nhóm doanh nghiệp tôn mạ, ống thép cho biết, rõ ràng có sự tự xung đột giữa 05 việc Tập đoàn Hòa Phát và / hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát đang thực hiện nêu trên.
“Nói cách khác, hành động nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hướng đến mục đích duy nhất là làm tăng giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ đó tăng vị thế thống lĩnh thị trường để tăng giá bán HRC nội địa, dẫn đến tối đa hóa lợi nhuận cho Tập đoàn Hòa Phát và / hoặc các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, không phải để bảo vệ cho ngành sản xuất HRC nội địa, bất chấp các tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, đặc biệt là ngành nông lâm thủy hải sản trước nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa thương mại, và những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra cho nền kinh tế – xã hội Việt Nam”, công văn nêu.
Đồng thời, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát hoặc một trong số các công ty con của Tập đoàn Hòa Phát trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, ngày 26/3, đại diện HPG từng cho biết, HPG cùng với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phản ứng trước thông tin này, trong 2 ngày 26 và 27/4, 9 doanh nghiệp CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), CTCP Thép TVP, CTCP Tôn Đông Á, CTCP Thép Nam Kim (NKG), Công ty Tôn Phương Nam, CTCP Tôn Pomina, CTCP Sản xuất thép Vina One, CTCP sản xuất kinh doanh Thép Việt Nhật và CTCP Kim khí Nam Hưng đã đồng thuận gửi công văn đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, VCCI với những lập luận phản biện cùng các kiến nghị, đề xuất liên quan đến khả năng khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Công văn này nêu rõ không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời phân tích chi tiết những hậu quả cực kỳ nặng nề và nghiêm trọng sẽ xảy ra cho ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế – xã hội Việt Nam nói chung nếu Việt Nam quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ngày 8/4, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam (bao gồm 9 doanh nghiệp đã gửi công văn lần 1 và bổ sung thêm 3 doanh nghiệp mới tham gia gồm CTCP Thép Bình Dương, Công ty TNHH Sản xuất Lê Phan Gia Bình Dương, và CTCP Thép Việt Thành Long An) đã tiếp tục gửi công văn lập luận phản biện lần 02 bác bỏ 03 lý do được Tập đoàn Hòa Phát viện dẫn để đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bác bỏ lý do 1: Theo quy định của Luật Quản lý Ngoại Thương 2017 thì lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh KHÔNG phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Bác bỏ lý do 2: “Giá bán HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023 có dấu hiệu bán phá giá” là KHÔNG có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Bác bỏ lý do 3: Lý do một số doanh nghiệp Trung Quốc bán HRC vào Việt Nam dưới giá thành, chấp nhận bán lỗ để bán được hàng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam là KHÔNG có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.
Tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng 03 lý do Tập đoàn Hòa Phát viện dẫn là không có cơ sở pháp lý cũng như không phù hợp với diễn biến thực tế thị trường để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 9/4, trong thông cáo phát đi của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, Cục này cho biết, đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp khác có liên quan bày tỏ sự quan tâm về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Nhịp Sống Thị Trường