A.I (KTSG) – Theo dự thảo nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến, Quỹ Hỗ trợ đầu tư – hình thành chủ yếu từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt cho hai nhóm doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và…
(KTSG) – Theo dự thảo nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến, Quỹ Hỗ trợ đầu tư – hình thành chủ yếu từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt cho hai nhóm doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đào tạo lao động, tạo tài sản cố định…
Hai nhóm doanh nghiệp được hỗ trợ
Tại Nghị quyết kỳ họp tháng 10-2023, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Mục đích là để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ (cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã xây dựng dự thảo nghị định và đang đưa ra lấy ý kiến góp ý. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư không phải để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, mà nhằm tạo ổn định cho môi trường đầu tư và hướng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư mà Việt Nam đang khuyến khích.
Theo dự thảo nghị định, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Bộ Tài chính hoặc trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn thu của quỹ từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thu từ các khoản lãi tiền gửi và các khoản thu hợp pháp khác…
Dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, dự kiến khoảng 122 tập đoàn nước ngoài phải nộp bổ sung 14.600 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu mà Việt Nam áp dụng từ năm 2024. Đối với doanh nghiệp trong nước, dự kiến có sáu tập đoàn phải nộp bổ sung 73 tỉ đồng – trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Như vậy, bước đầu, quy mô của Quỹ Hỗ trợ đầu tư có thể vào khoảng 14.600 tỉ đồng.
Dự thảo nghị định xác định quỹ sẽ hỗ trợ hai nhóm doanh nghiệp. Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỉ đồng và đạt doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm. Nhóm thứ hai là doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng.
Cụ thể, quỹ sẽ chi trực tiếp bằng tiền mặt hỗ trợ: (1) chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (2) chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; (3) chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (4) chi phí R&D; (5) hỗ trợ tín dụng, lãi suất. Các khoản hỗ trợ từ quỹ mà doanh nghiệp được nhận không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc xác định đối tượng dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, dự án ứng dụng công nghệ cao thực hiện theo quy định tại Luật Công nghệ cao năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Dự án đầu tư R&D được xác định theo hai hình thức: tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành; dự án đầu tư trung tâm R&D theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ
Góp ý cho dự thảo nghị định này, nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Theo bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), các doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, nếu quỹ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì quá hẹp. Bà Virginia cũng muốn làm rõ tiêu chí doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D. Bởi có những doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có được hỗ trợ không và sẽ hỗ trợ như thế nào – bà Virginia B. Foote nêu câu hỏi.
Bên cạnh đó, theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), tiêu chí về quy mô dự án đầu tư để được quỹ hỗ trợ rất cao (trên 12.000 tỉ đồng – PV). Theo ông, cơ quan soạn thảo nên mở rộng đối tượng và nới lỏng tiêu chí để nhiều doanh nghiệp được nhận hỗ trợ hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Minh Cao, Phó giám đốc Đối ngoại của Hyosung, cho biết doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 4 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 1,5 tỉ đô la nữa ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vậy nhưng nếu tính riêng từng dự án thì có thể không đáp ứng được tiêu chí “12.000 tỉ đồng” nên sẽ không được hỗ trợ. Do vậy, ông Cao đề xuất hỗ trợ trên quy mô đầu tư của toàn tập đoàn. Cùng quan điểm, đại diện của Tập đoàn NIDEC, doanh nghiệp Nhật Bản hiện có 13 công ty con tại Việt Nam, cho rằng hỗ trợ trên tổng quy mô đầu tư của tập đoàn như vậy mới bảo đảm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sâu tại thị trường Việt Nam.
Ở góc độ khác, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, đề xuất nên hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng có đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng, cũng như đóng góp vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
Chính sách hỗ trợ phải đạt mục tiêu kép
Trong văn bản góp ý vào dự thảo nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam nâng cấp các biện pháp hỗ trợ đầu tư. Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ, cần lựa chọn các phương án chính sách để đạt được mục tiêu kép: vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa có tác động tích cực lan tỏa và dài hạn cho kinh tế – xã hội.
Trên tinh thần này, VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ tối đa chi phí R&D của doanh nghiệp, ví dụ lên 75% trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu, thay vì 50% như dự thảo nghị định. Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan tỏa đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Về chi phí đầu tư tài sản cố định, dự thảo quy định tỷ lệ hỗ trợ cao nhất lên đến 40%. VCCI đề xuất cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị). Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.
Về chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội, dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa 50%, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư. Theo VCCI, đây là hình thức hỗ trợ vừa có lợi cho dự án, vừa giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh.
Vì vậy, nên cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ, cụ thể là cho: nhà ở dành cho công nhân, người lao động; một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải… Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cơ quan soạn thảo cũng nên cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.
Bên cạnh đó, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung một số hình thức hỗ trợ gồm: chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn…; chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, VCCI đề xuất quỹ nên hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, do các loại bảo hiểm này có tác động tích cực trong nền kinh tế như phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động.
Quy trình hỗ trợ chưa rõ ràng
Theo nhận xét của VCCI, quy trình hỗ trợ trong dự thảo nghị định có một số điểm chưa rõ ràng, khó dự đoán.
Ví dụ, ngân sách hoạt động của quỹ sẽ được phân bổ hàng năm, việc quyết định hỗ trợ cũng được quyết định từng năm chứ không theo suốt dự án. Mức hỗ trợ trong dự thảo chỉ là mức tối đa, doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng mức tối đa này nếu quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó. Trong trường hợp này, việc phân bổ tiền hỗ trợ dựa trên các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa định lượng.
VCCI cho rằng, từ góc độ của một doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, không có gì chắc chắn họ sẽ được hỗ trợ dù đã thuộc đối tượng và thực hiện đúng các hoạt động được nêu trong nghị định. Khi không chắc chắn như vậy, nhà đầu tư sẽ phải tính toán cho tình huống xấu nhất, tức là không được hỗ trợ. Với các doanh nghiệp đã đầu tư, việc hỗ trợ được quyết định theo từng năm cũng gây nhiều bất trắc. Dù năm nay được hỗ trợ, doanh nghiệp không chắc chắn năm sau có được hỗ trợ nữa hay không. Sự thiếu chắc chắn này sẽ làm giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư của chính sách này, trong khi ngân sách vẫn phải chi tiền hỗ trợ.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm, nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác.
Theo VCCI, cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước. Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. “Mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được”, VCCI bày tỏ quan điểm.
Chính sách của nhiều quốc gia
Trên thực tế, nhiều quốc gia đã có sẵn các chính sách về trợ cấp và cấn trừ thuế, và các chính sách này có thể phát huy tác dụng cạnh tranh thuế trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu.
Ví dụ, Ấn Độ đã đi trước trong việc ban hành chính sách ưu đãi theo chi phí từ năm 2020, với ba chính sách nổi bật, gồm: (1) Chương trình khuyến khích liên kết sản xuất điện tử quy mô lớn (PLI), trong đó trợ cấp 4-6% trên doanh thu tăng thêm so với năm tiêu chuẩn đối với các lĩnh vực như sản xuất điện thoại di động, linh kiện điện tử ưu tiên sản xuất trong nước; (2) Chương trình thúc đẩy sản xuất linh kiện và chất bán dẫn điện tử (SPECS) nhằm hỗ trợ 25% chi phí đầu tư vào nhà xưởng, máy móc thiết bị, công nghệ, và nghiên cứu phát triển; (3) Chương trình khuyến khích cụm sản xuất điện tử (EMC 2.0) để hỗ trợ tài chính liên quan đến hạ tầng, quỹ đất.
Tương tự, Trung Quốc trước đây đã có tiền lệ về ưu đãi trợ cấp chi phí sản xuất 3-6% đối với lĩnh vực ưu tiên là sản xuất xe điện.
Thái Lan vốn đã có chính sách trợ cấp tiền mặt (kèm theo các ưu đãi khác) cho các hoạt động R&D, đổi mới, phát triển công nghệ và phát triển nhân lực cho 10 ngành nghề công nghiệp ưu tiên theo Đạo luật Tăng cường cạnh tranh.
Ireland (một quốc gia cạnh tranh thuế tiêu biểu với thuế suất tiêu chuẩn là 12,5%) cũng có rất nhiều chính sách như: trợ cấp R&D (25% trên tổng chi phí R&D đủ điều kiện); trợ cấp đầu tư (5-10% của giá trị đầu tư); trợ cấp nhân công (15% chi phí lương cho nhân viên mới trong hai năm); trợ cấp đào tạo (50% chi phí, tối đa 2 triệu euro)…
Kinh tế Sài Gòn Online