Thị trường vàng cần trưởng thành hơn

(KTSG) – Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, Nhà nước có đủ quyền lực và giải pháp để ổn định thị trường vàng. Cho phép nhập khẩu vàng có kiểm soát để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng cung cầu vàng miếng trong nước…

Fatz Admin lúc 2024-04-03

(KTSG) – Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính ngân hàng, Nhà nước có đủ quyền lực và giải pháp để ổn định thị trường vàng. Cho phép nhập khẩu vàng có kiểm soát để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng cung cầu vàng miếng trong nước là một bước đi phù hợp.

Đã đến lúc chấm dứt độc quyền vàng miếng

KTSG: Trong cuộc họp mới đây vào ngày 20-3-2024, NHNN đã đề xuất xóa bỏ việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

QUẢNG CÁO

TS. Đinh Thế Hiển: Trở về thời điểm trước tháng 5-2012 (trước khi có Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng), giao dịch mua bán vàng miếng của người dân rất thuận lợi. Trên thị trường, ngoài thương hiệu SJC quen thuộc còn có vàng miếng PNJ (Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), Rồng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu), ACB (Ngân hàng ACB)… Xin lưu ý, cuối năm 2012, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chỉ khoảng dưới 2 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá mua – giá bán vàng miếng cùng một thương hiệu ở mức hợp lý, chừng hai ba trăm ngàn đồng/lượng, người dân không phải đóng các loại phí. Nhưng sau đó, khi chỉ có vàng SJC, thì chênh lệnh mua – bán tăng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng dần trên 2 triệu đồng/lượng, rồi 4 triệu đồng/lượng và lên hơn 10 triệu đồng/lượng, rất bất hợp lý. Ngoài ra, do thế độc quyền nên người dân bị “hành” khi bán vàng SJC, chỉ cần rách bao bì miếng vàng, người dân bị trừ cả trăm ngàn.

KTSG: Dù sao Nghị định 24/2012 ban hành đã giúp kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá và lãi suất, vì vậy, không thể tránh khỏi những lo ngại nếu có sửa đổi, sẽ xuất hiện những vướng mắc mới, đặc biệt là vấn đề tỷ giá. Quan điểm của ông như thế nào?

– Trước tiên, chúng ta cần có những nhận định khách quan hơn về giai đoạn 2008-2012. Những rối loạn trên thị trường tài chính thời điểm đó có nguyên nhân chủ yếu đến từ hiện tượng một số ông chủ, nhà chủ lớn lũng đoạn ngân hàng, cho vay sân sau để đầu tư quá mức vào bất động sản; cho đến khi thị trường đóng băng thì các đại gia không thể trả nợ ngân hàng và rối loạn đã xảy ra.

Cụ thể, các ngân hàng nhỏ do đại gia chi phối không thể thu hồi nợ công ty sân sau, thiếu tiền và phải tăng lãi suất huy động, dẫn đến cuộc đua lãi suất huy động có lúc lên đến 14%, và lãi suất cho vay vượt quá 20% làm rối loạn hệ thống tài chính tiền tệ, đưa các ngân hàng vào tình trạng rủi ro.

Do vậy việc kinh doanh vàng giai đoạn này không phải là nguyên nhân chính của tình trạng rối loạn hệ thống tiền tệ, ngân hàng lúc đó, mà chính là từ sự thiếu kiểm soát hoạt động cho vay, đầu tư của ngân hàng và công ty bất động sản. Tuy nhiên cũng cần nói thêm, giai đọan này hoạt động của các sàn giao dịch vàng tài khoản, từ sàn có tính “công khai” như ACB cho tới những sàn “chui” đã gây ra những biến động, hệ lụy lớn, và vì thế, NHNN đã ban hành Nghị định 24/2012 cấm giao dịch sàn vàng và không cho kinh doanh vàng miếng tự do nữa như chúng ta đã biết. Trong đó, việc ngưng hoạt động của sàn vàng là đúng, còn việc không cho kinh doanh vàng miếng, chỉ còn thương hiệu SJC là chưa hợp lý.

Vậy sửa đổi Nghị định 24/2012 theo đề xuất đã nêu có gây ra áp lực gì tới nguồn ngoại tệ dự trữ và vấn đề tỷ giá hay không? Năm 2023, thặng dư thương mại của Việt Nam ước đạt 26 tỉ đô la Mỹ, vậy thì việc bỏ ra vài tỉ đô la để nhập khẩu vàng có kiểm soát, để tăng thêm nguồn cung vàng trong nước vốn rất hạn chế trong hơn 10 năm nay không phải là một vấn đề lớn. Bài toán cân đối vĩ mô chắc chắn đã được các nhà quản lý cân nhắc kỹ càng và quyền kiểm soát hạn mức nhập khẩu vẫn thuộc về Nhà nước ngay cả khi sửa đổi Nghị định 24/2012.

Vả lại, khi tồn tại mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới. Mức chênh lệch càng lớn, động cơ kiếm lợi nhuận phi pháp càng cao. Dù không dùng để nhập khẩu chính ngạch, ngoại tệ cũng sẽ chảy ra khỏi đất nước để nhập khẩu vàng lậu gây ra những biến động bất thường trên thị trường đô la Mỹ tự do. Để hạn chế buôn lậu vàng, tất nhiên cần sự vào cuộc quyết liệt và chặt chẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng nhưng quan trọng hơn là phải làm giảm động lực kiếm lợi phi pháp, tức là giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Thị trường vàng sẽ dần ổn định

KTSG: Công điện của Thủ tướng về các giải pháp quản lý thị trường vàng hồi cuối năm ngoái cũng đề cập tới vấn đề xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá. Chúng ta đã đề cập tới việc ngăn chặn buôn lậu vàng qua biên giới, vậy nhưng nếu các hành vi vi phạm còn lại không được xử lý, thị trường vàng vẫn sẽ đối diện nguy cơ bị rối loạn. Ông nghĩ thế nào về việc thiết kế chính sách thuế phù hợp để hạn chế tình trạng này?

– Giá vàng trong nước tăng trong thời gian vừa qua là kết quả của ba yếu tố: (1) giá vàng thế giới tăng dữ dội, tới cuối tuần này (22-3-2024) đã vượt ngưỡng 2.200 đô la Mỹ/oz; (2) thị trường bất động sản trong nước suy giảm mạnh; (3) lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại thấp nhất trong lịch sử. Vì vậy, một bộ phận người dân có tiền nhàn rỗi chuyển sang tích trữ bằng vàng, và trong khi cung trong nước hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vốn đã cao, càng bị đẩy lên cao.

Dù vậy, đây chỉ là vấn đề mang tính thời điểm. Người dân chỉ tiếp tục đầu tư vào vàng với kỳ vọng giá vàng thế giới tăng trên ngưỡng 3.000 đô la/oz. Thậm chí, ngay cả với khả năng ấy, số lượng nhà đầu tư mua vàng ở ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, chờ tăng giá sinh lời ở mức 90 triệu đồng/lượng hay 100 triệu đồng/lượng cũng không nhiều. Chỉ cần nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, người dân sẽ chuyển tiền sang kênh bất động sản hay chứng khoán, thay vì găm vào vàng.

Về vấn đề đầu cơ, thao túng giá vàng, tại một thị trường càng ít liên thông với thế giới thì nguy cơ này càng lớn. Tuy nhiên, nhóm người này là những người kinh doanh kiểu lướt sóng, có khẩu vị rủi ro cao chứ không phải đại đa số người dân. Nhà nước có đủ quyền lực và công cụ để xử lý vấn đề này. Căn bản nhất là phải tiếp tục cấm thành lập sàn vàng vì đó chỉ là nơi để “các cai đầu dài” kiếm lợi thôi.

Câu chuyện điều tiết giá vàng bằng chính sách thuế lại rất khác. Hiện tại, điểm rất lạ là dù giá vàng miếng trong nước chênh lệch ở mức rất cao so với thế giới, Nhà nước không hề được hưởng lợi. Trong khi đó, bản thân vàng là một loại tài sản đặc biệt, không khuyến khích tích trữ nên cần có chính sách thuế đặc biệt để điều tiết. Tôi cho rằng, Nhà nước có thể định ra một mức thuế nhập khẩu nhất định trên mỗi lượng vàng nhập về, số tiền thuế thu được sẽ dùng vào mục tiêu phát triển kinh tế, bù đắp cho lượng đô la chảy ra nước ngoài do nhập khẩu vàng.

KTSG: Quả thật, ngay trong những đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012, quan điểm chủ đạo vẫn là Nhà nước quản lý và điều tiết thị trường vàng, nhưng đồng thời vẫn để giá vàng trong nước liên thông hơn với thế giới. Với cách quản lý như vậy, ông kỳ vọng như thế nào về sự ổn định của thị trường vàng thời gian sắp tới?

– Nếu thị trường vàng được bổ sung một nguồn cung hợp lý, vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giải quyết. Vấn đề cốt lõi trong việc ổn định thị trường vàng và ổn định tỷ giá là chúng ta phải duy trì được giá trị của đồng nội tệ. Điều này đạt được thông qua việc kiểm soát lạm phát và trong nhiều năm nay, mục tiêu lạm phát dưới 4% luôn đạt được. Như vậy, không cần quá lo ngại về giá vàng tăng hay chênh lệch tỷ giá theo hướng bất lợi cho đồng tiền Việt Nam.

Đặc biệt, Nhà nước đã đủ nguồn lực và giải pháp để quản lý tốt thị trường vàng. Về giải pháp cứng, đó là các biện pháp chống buôn lậu vàng qua biên giới, xử lý những hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng trên thị trường. Những việc này cần làm và tiếp tục phải làm tốt hơn.

Đồng thời, chúng ta phải dùng tới giải pháp mềm. Đó là từng bước thị trường hóa các hoạt động của nền kinh tế, trong đó có cả thị trường vàng. Từ giai đoạn 2012-2024, thị trường vàng được quản lý khép kín. Khi lạm phát được kiểm soát tốt, thặng dư thương mại ở mức cao, NHNN đã đề xuất một giải pháp mở hơn. Thị trường vàng đang dần hòa nhập với phương thức hoạt động theo kinh tế thị trường có quản lý nhà nước, đúng như định hướng phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam.

Hãy để thị trường vàng ngủ yên

“Nếu ngoại tệ được NHNN bán ra để nhập khẩu thêm vàng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể sẽ được thu hẹp nhưng hàng tỉ đô la Mỹ chắc chắn ra đi không ngày trở lại”, TS. Lê Đạt Chí, Giám đốc chương trình Cử nhân Tài chính ứng dụng, Đại học Rennes, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Đề xuất của NHNN về việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện chung quy lại đều dẫn tới việc NHNN phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu thêm vàng nguyên liệu, giao cho SJC và các doanh nghiệp đủ điều kiện dập thêm vàng miếng, tăng nguồn cung cho thị trường, từ đó giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Tuy nhiên, vì NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng, quy mô thị trường vàng Việt Nam nhỏ, không liên thông, và việc trên thị trường vàng Việt Nam có thể đang tồn tại những “market maker” (người tạo lập thị trường) giấu mặt nên sẽ vẫn luôn tồn tại sự chênh lệch nhất định. Trong tình huống giá vàng trong nước cao hơn thế giới, công ty kinh doanh vàng sẽ nới rộng chênh lệch giá mua và bán vàng nhằm hạn chế bán ra. Ngược lại, khi giá vàng thế giới giảm, biên độ giảm trong nước chắc chắn nhỏ hơn thế giới bởi lẽ lượng vàng lưu thông trên thị trường luôn có hạn, không doanh nghiệp nào lại tự giảm giá để bán ra nhiều hơn lượng vàng đang có.

Vậy ai là người được hưởng lợi nếu thị trường tăng thêm nguồn cung vàng? Các công ty kinh doanh vàng sẽ có thêm nguồn vàng để kinh doanh, vì thế, doanh số và lợi nhuận của họ sẽ gia tăng. Vấn đề nằm ở chỗ, từ góc nhìn của phía quản lý nhà nước, dù vàng được xác định là một loại hàng hóa đặc biệt, chính sách thuế để điều tiết thị trường vàng vẫn tương tự các loại hàng hóa thông thường.

Vì vậy, các giao dịch trên thị trường được thực hiện tự do, người mua và bán đều không phải kê khai và không phải chịu các loại thuế đặc thù. Các công ty kinh doanh vàng hưởng đặc ân của chính sách quản lý thị trường vàng nhưng lại chịu thuế như doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hóa khác. Những điều này tạo nên sự bất bình đẳng và phần nào dẫn đến việc khó hạn chế các hành vi trục lợi trên thị trường vàng.

Thế nên, đầu tiên, cần có biện pháp quản lý được các giao dịch vàng trên thị trường để điều tiết thuế, tăng nguồn thu cho ngân sách và giảm động lực tích trữ, đầu cơ vàng. Tiếp đó, phải cố gắng phát triển nền kinh tế và thị trường tài chính. Khi thiếu vắng các sản phẩm đầu tư, người dân có tiền nhàn rỗi mới tham gia nhiều vào tích trữ, đầu cơ vàng.

Tôi cho rằng, nếu chỉ vì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mà sửa Nghị định 24/2012 theo hướng như trên thì không nên. Thị trường vàng nên thuộc quyền quản lý và điều tiết của Nhà nước, như điều mà Nghị định 24/2012 đã làm được. Chúng ta đều biết, thế giới đang đối diện với nhiều nguy cơ, bất ổn, dự trữ ngoại hối càng tốt càng tạo điều kiện tốt hơn để Việt Nam vượt qua được những khó khăn bất ngờ. Mặt khác, để tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cần phải dành nhiều nguồn lực tín dụng, trong đó có tín dụng bằng ngoại tệ đầu tư cho khoa học công nghệ, từ công nghệ bán dẫn đến không gian mạng. Vậy nên, tốt nhất là hãy để thị trường vàng ngủ yên.

Khánh Nguyên ghi

 

LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO: Chỉ là giải pháp tình thế

Từ góc độ quản lý nhà nước, những thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển, nhất là phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh sẽ được ưu tiên. Thị trường vàng suy cho cùng chủ yếu phục vụ người có tiền, thế nên cơ quan quản lý chắc chắn không vì đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn mua vàng tích trữ mà làm ảnh hưởng tới chính sách quản lý tiền tệ, tỷ giá, việc kiểm soát lạm phát của nền kinh tế.

Trở lại với các đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012, theo tôi, chúng giống như giải pháp tình thế, giảm áp lực cho NHNN chứ không phải là một giải pháp thị trường. Nguyên nhân cung vàng trên thị trường không đáp ứng đủ cầu là do nhu cầu vàng miếng của người dân nhiều hơn lượng vàng đang lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, Việt Nam không có nguồn nguyên liệu và cũng không phải là đất nước sản xuất vàng.

Tuy nhiên, nếu đồng ý cho nhập khẩu vàng, chúng ta phải sử dụng một lượng ngoại tệ rất lớn, ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối cần phải dành cho các nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng ngay cả khi đề xuất được hiện thực hóa, NHNN kiểm soát gần như tuyệt đối thông qua việc quyết định quota nhập vàng theo từng thời kỳ, dựa trên các cân đối vĩ mô. Như vậy, tỷ giá vẫn tiếp tục được kiểm soát và dự đoán cũng sẽ không tạo ra những biến động quá lớn đến giá vàng trên thị trường.

Khánh Nguyên ghi

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.