(KTSG) – Vietcombank là ngân hàng có lãi lớn nhất trong năm 2023 vừa qua, với mức lợi nhuận sau thuế hơn 33.000 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu xét theo các hệ số sinh lời, đây không phải là ngân hàng đạt hiệu…
(KTSG) – Vietcombank là ngân hàng có lãi lớn nhất trong năm 2023 vừa qua, với mức lợi nhuận sau thuế hơn 33.000 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, nếu xét theo các hệ số sinh lời, đây không phải là ngân hàng đạt hiệu suất sinh lời cao nhất…
Hiệu suất sinh lời cao nhất thuộc về ai?
Xét theo tỷ suất lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE), tức một đồng vốn có thể tạo ra bao nhiêu đồng lãi, cao nhất là hai ngân hàng ACB và VIB, với tỷ lệ tương ứng là 24,8% và 24,3%. Hai ngân hàng kế tiếp lần lượt là HDB 23,6% và MBB 23,4%, rồi mới đến VCB với 21,9%. Về cơ bản ngân hàng nào có chỉ số này cao cho thấy ngân hàng đó có hiệu suất sử dụng vốn cao, sử dụng đòn bẩy hiệu quả để tạo ra lợi nhuận lớn hơn so với các ngân hàng khác trên nền vốn chủ sở hữu.
Còn nếu tính theo tỷ suất lợi nhuận so với tổng tài sản (ROA), tức một đồng tài sản có thể mang về bao nhiêu đồng lãi, cao nhất là MBB 2,47%, kế tiếp là ACB 2,42%, TCB 2,33%, VIB 2,28%, HDB gần 2%, OCB 1,93%, rồi mới đến VCB với 1,81%. Chỉ số này cho thấy hiệu suất sử dụng tài sản của một ngân hàng, theo đó ngân hàng nào tập trung vào những tài sản có biên lợi nhuận cao sẽ có khuynh hướng đạt tỷ lệ này cao.
Một chỉ số sinh lời khác khá quan trọng để đánh giá khả năng tạo lợi nhuận của các ngân hàng, cũng như phản ánh khá sát với biên độ lãi suất đầu ra tài sản có sinh lãi và lãi suất đầu vào nguồn vốn là hệ số NIM (còn gọi là biên lãi ròng). Năm ngân hàng đạt tỷ lệ này cao nhất trong năm 2023 lần lượt là VPBank 5,7%, HDB và MBB đều ở mức 4,9%, VIB 4,8% và MSB 4,1%. VCB xếp thứ 15/27 ngân hàng đang niêm yết, với tỷ lệ 3,1%.
Xét trên bức tranh chung, hệ số NIM tổng thể của 27 ngân hàng đang niêm yết, tính trên thu nhập lãi suất so với tổng tài sản có sinh lời bình quân, đạt 3,5% trong năm 2023, giảm từ mức 3,9% trong năm 2022. Trong đó, có đến 24/27 ngân hàng chứng kiến NIM năm 2023 sụt giảm so với trước. Yếu tố chính kéo NIM toàn hệ thống sụt giảm chủ yếu đến từ việc lãi suất huy động vốn đầu vào tăng cao so với năm 2022, dù từ đầu quí 2-2023 lãi suất đã giảm trở lại nhưng nhiều ngân hàng đã gặp rủi ro lãi suất vì vẫn bị kẹt lại một lượng vốn lớn huy động ở thời kỳ lãi suất tăng vọt lên mức cao (quí 4-2022 và quí 1-2023).
Cụ thể, chi phí vốn đầu vào bình quân tổng thể của 27 ngân hàng này, được tính theo hệ số chi phí lãi và các chi phí tương tự chia cho tổng huy động vốn chịu lãi bình quân, tăng từ mức 3,7% trong năm 2022 lên 5,2% trong năm 2023, tức tăng đến 1,5 điểm phần trăm. Trong đó, có đến chín ngân hàng có mức tăng từ 2 điểm phần trăm trở lên, cá biệt có ngân hàng tăng trên 3 điểm phần trăm.
NIM chịu tác động từ đâu?
Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng gốc quốc doanh như BIDV hay VietinBank dù đạt lợi nhuận tuyệt đối cao nhưng cũng có hệ số sinh lời khá khiêm tốn. Đơn cử ROE và ROA của BIDV lần lượt là 19,39% và 0,97%, còn VietinBank là 16,96% và 1,04%. Nếu xét theo hệ số NIM, VietinBank đạt 2,9%, xếp cao thứ 17, trong khi BIDV xếp thứ 19 với tỷ lệ 2,6%.
Nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có lượng đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) rất lớn, vì đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhu cầu thiết yếu, do quy mô huy động lớn nên các ngân hàng này cần phải duy trì một lượng tài sản thanh khoản cao dưới dạng trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, đây lại là những tài sản có hiệu suất sinh lời thấp.
Đáng lưu ý, dù ba ngân hàng này thuộc nhóm kiểm soát được chi phí vốn đầu vào tốt nhất trong năm vừa qua, với VCB chỉ tăng 1 điểm phần trăm, BIDV tăng 1,1 điểm phần trăm và VietinBank tăng 0,8 điểm phần trăm, nhưng chừng đó chưa đủ để đưa ba ngân hàng này leo lên nhóm có hệ số NIM tốp đầu, mà vẫn chỉ nằm trong nhóm trung bình suốt các năm qua.
Việc nhóm ngân hàng gốc quốc doanh lãi lớn nhưng hệ số NIM lại thấp hơn nhóm ngân hàng tư nhân dường như phản ánh các ngân hàng gốc quốc doanh đã tích cực hỗ trợ lãi suất cho vay nhiều hơn so với các ngân hàng khác, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn những năm vừa qua. Là nhóm ngân hàng có quy mô kinh doanh lớn và chiếm thị phần lớn, cũng như thường có các quyết định đi đầu để hưởng ứng các chính sách quản lý, định hướng và lời hiệu triệu của nhà điều hành, phải thừa nhận rằng nhóm ngân hàng gốc quốc doanh thường chủ động giảm lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra, cũng như tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đầy hấp dẫn.
Dù vậy, đó chưa phải là nguyên nhân chính khiến nhóm này có hệ số NIM thấp như vậy. Cần biết rằng đây cũng là các ngân hàng có chi phí vốn đầu vào gần như thấp nhất trong hệ thống, nhờ thương hiệu mạnh và mạng lưới rộng khắp, lượng khách hàng doanh nghiệp lớn nên tiền gửi thanh toán giá rẻ cao, do đó có nhiều điều kiện để cạnh tranh và đi đầu trong việc giảm lãi suất cho vay. Như Vietcombank có chi phí vốn đầu vào thấp nhất là 3,4% trong năm 2023, VietinBank là 4,5% xếp thứ 3 và BIDV là 4,7% xếp thứ 6.
Về công thức tính toán, hệ số NIM được tính bằng cách lấy thu nhập lãi thuần chia cho tổng tài sản có sinh lời. Trong đó, thu nhập lãi thuần là hiệu số giữa thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự với chi phí lãi và các chi phí tương tự trên báo cáo kết quả kinh doanh. Chi tiết hơn, phần thu nhập sẽ bao gồm các khoản mục chính như thu lãi tiền gửi từ thị trường liên ngân hàng, thu lãi cho vay từ hoạt động tín dụng, thu lãi chứng khoán đầu tư từ danh mục trái phiếu hiện có. Về chi phí sẽ gồm chi trả lãi tiền gửi khách hàng và tổ chức tín dụng, chi trả lãi vay Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và vốn tài trợ ủy thác và trả lãi phát hành giấy tờ có giá.
Trong khi đó, phần mẫu số là tài sản có sinh lời sẽ bao gồm các khoản mục trên bảng cân đối kế toán như dư nợ cho vay khách hàng, tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, các khoản mục chứng khoán đầu tư, kinh doanh.
Như vậy, hệ số NIM không chỉ đơn thuần phản ánh chênh lệch lãi suất cho vay – lãi suất huy động, mà phản ánh một bức tranh rộng hơn về biên độ lãi suất đầu ra của các hoạt động tín dụng, đầu tư kinh doanh so với lãi suất nguồn vốn đầu vào.
Vì sao NIM của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh chỉ ở mức trung bình?
Quay trở lại với câu chuyện vì sao NIM của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh thấp hơn nhiều so với nhóm ngân hàng tư nhân, có thể do một số yếu tố như sau. Thứ nhất, nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có tỷ trọng cho vay bán buôn lớn, các lĩnh vực thuộc định hướng khuyến khích của Chính phủ, vốn có lãi suất cho vay thấp. Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân tập trung cho vay bán lẻ, với các phân khúc cho vay tiêu dùng, cho vay mua ô tô, mua bất động sản, có kỳ hạn dài và rủi ro lớn hơn, nên lãi suất cho vay bình quân cũng cao hơn nhiều là tất yếu. Đơn cử như các ngân hàng VPBank, MBBank hay HDB đều có công ty cho vay tiêu dùng chiếm thị phần lớn với biên lãi suất cho vay cao nên cũng thuộc nhóm có NIM cao.
Thứ hai, ở nguồn vốn đầu vào, nhóm ngân hàng tư nhân cũng tích cực tìm kiếm tăng vốn tự có, với vốn điều lệ có tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhờ tận dụng diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán trong những năm qua, cũng như tăng cường phát hành giấy tờ có giá kỳ hạn dài lãi suất hợp lý, tăng nguồn vốn tài trợ thương mại, tận dụng nguồn vốn giá rẻ trên thị trường liên ngân hàng.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng gốc quốc doanh ít nhiều có những khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ nên tốc độ tăng chậm hơn, do đó nguồn vốn kinh doanh dài hạn có những hạn chế nhất định. Ngoài ra, tỷ lệ tiền gửi CASA cao cũng phần nào giúp cải thiện hệ số NIM, trong đó các ngân hàng như MBBank, Techcombank, TPBank, ACB có được lợi thế này, riêng Vietcombank cũng nhờ tỷ lệ CASA cao nên NIM cũng cao hơn nhiều so với VietinBank và BIDV.
Thứ ba và cũng là nguyên nhân khá quan trọng, đó là nhóm ngân hàng gốc quốc doanh có lượng đầu tư vào trái phiếu chính phủ (TPCP) rất lớn so với nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, vì đây vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là nhu cầu thiết yếu, do quy mô huy động lớn nên các ngân hàng này cần phải duy trì một lượng tài sản thanh khoản cao dưới dạng TPCP. Trong khi đó, đây lại là những tài sản có hiệu suất sinh lời thấp vì lãi suất phát hành TPCP trong những năm qua liên tục giảm về mức kỷ lục.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng này cũng có quy mô cho vay và gửi tiền trên thị trường liên ngân hàng rất lớn, tuy nhiên các hoạt động kinh doanh này có lãi suất rất thấp, vì vậy hệ số NIM tổng thể của các ngân hàng này bị kéo xuống chỉ ở mức trung bình.
Kinh tế Sài Gòn Online