Dòng tiền chờ nhịp điều chỉnh của VN-Index?

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chưa bị phá vỡ, theo các chuyên gia phân tích. Chứng khoán giảm mạnh trong…

Fatz Admin lúc 2024-03-11

(KTSG Online) – Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh, nhưng xu hướng tăng ngắn hạn vẫn chưa bị phá vỡ, theo các chuyên gia phân tích.

Chứng khoán giảm mạnh trong phiên cuối tuần với động thái bán mạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ảnh minh họa.

Phiên giao dịch ngày 8-3 cuối tuần trước đã “xóa sạch” nỗ lực tăng điểm của VN-Index trong 7 phiên trước đó, đồng thời cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8-2023. Theo đó chỉ số chung giảm 21,1 điểm, tương ứng giảm 1,7%, xuống mức 1.247 điểm.

Tính theo tuần, vì biến động mạnh ở những phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index tương ứng giảm 10,93 điểm, tương ứng giảm 0,87% so với tuần trước đó. Trong khi chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index ghi nhận tăng nhẹ.

QUẢNG CÁO

Thị trường giảm điểm vì lực bán chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu bluechip có mức tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong tuần qua, các cổ phiếu ngân hàng giảm điểm mạnh, góp phần vào đà giảm sâu của chỉ số chung. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Mirae Asset, cổ phiếu ngân hàng gồm BID, VCB và CTG ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong tuần (trong top 4 còn có mã VHM). Ngược lại, ở chiều tăng điểm ghi nhận MSN dẫn đầu.

Đóng góp lớn vào đà giảm cổ phiếu là việc đẩy mạnh bán ròng của các nhóm nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Fiintrade (nền tảng cung cấp dữ liệu chứng khoán chuyên sâu),nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 975,8 tỉ đồng (tính riêng giao dịch khớp lệnh bán ròng 1.051 tỉ đồng), còn nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng 678,8 tỉ đồng. Phía ngược lại, nhóm nhà đầu tư cá nhân lại mua ròng 1.541 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng chảy vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) cũng là điểm sáng của thị trường trong tuần với một số mã tăng giá mạnh. Trong khi nhóm cổ phiếu VN30 giảm mạnh nhất thị trường (giảm 1,33% vì cổ phiếu ngân hàng), nhóm Midcap chỉ giảm nhẹ 0,26%, còn nhóm vốn hóa nhỏ (smallcap) vẫn ở trên mức tham chiếu.

Một điểm đáng chú ý là thị trường giảm mạnh đi cùng thanh khoản tăng vọt. thanh khoản giao dịch tuần qua tăng đột biến. Giá trị giao dịch bình quân phiên (tính trên cả 3 sàn) ở mức 28.052 tỉ đồng, tăng 16,1% so với tuần trước đó và 44,1% so với mức trung bình 5 tuần.

“Đây cũng là tuần có giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 4-2022”, báo cáo Fiintrade ghi nhận.

Tổng quan thị trường sau phiên giao dịch ngày 8-3.

Đánh giá về phiên giao dịch trong tuần trước, đa số các nhà phân tích đều cho rằng lý do thị trường giảm là vì không thể vượt ngưỡng cản 1.280 điểm (mốc ghi nhận cao nhất là 1.278 điểm).

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VCBS, trong tuần qua, điểm số chung của thị trường liên tục biến động trong biên độ 10 điểm, trong khi lực cầu chủ động chưa đủ mạnh mẽ để giúp VN-Index “vượt dứt khoát” qua khỏi vùng 1.250 điểm.

“Sau nhịp tăng điểm dài giúp tiếp cận lại vùng đỉnh cũ, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khi chưa rõ xu hướng tiếp theo sau, dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn”, báo cáo VCBS đánh giá.

Tương tự, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích Công ty chứng khoán VNDirect, đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây. Sau đó lan rộng ra toàn thị trường. Càng về cuối tuần, lực bán càng mạnh dần lên.

Trước biến động mới, các nhà phân tích đều cho rằng cần tiếp tục quan sát diễn biến thị trường, trong bối cảnh xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường vẫn duy trì ở mức đánh giá là “tăng điểm”.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu rủi ro tăng dần.

Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch đầu tuần này, nhưng sẽ dần thu hẹp. “Các nhịp điều chỉnh tiếp tục là cơ hội để tham gia thị trường, hoặc cơ cấu lại danh mục đầu tư để tìm kiếm các cổ phiếu “mạnh” trong giai đoạn này”, nhóm phân tích Yuanta Việt Nam đưa ra khuyến nghị.

Tương tự, ông Hinh của VNDirect cho rằng các nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu dù vừa trải qua phiên điều chỉnh mạnh, vì xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ.

“Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ quanh mức 1.230 điểm (với biên độ 10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua”, ông Hinh nhận định.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.