Lạc quan trước kế hoạch 2024 của doanh nghiệp

(KTSG) – Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” lại xuất hiện, khi đà tăng của chỉ số VN-Index chủ yếu nhờ lực kéo ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thay thế cho nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chững lại. Rủi ro điều chỉnh đang hiển hiện, lực…

Fatz Admin lúc 2024-02-23

(KTSG) – Hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” lại xuất hiện, khi đà tăng của chỉ số VN-Index chủ yếu nhờ lực kéo ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thay thế cho nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chững lại. Rủi ro điều chỉnh đang hiển hiện, lực đỡ cho thị trường sẽ đến từ đâu?

Dòng tiền đã quay lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Ảnh: LÊ VŨ

Lại “xanh vỏ đỏ lòng”

Tính từ đầu tháng 2-2024 đến phiên giao dịch đầu tuần này (19-2), VN-Index đã tăng 5,4%, trong đó chỉ riêng ba phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, chỉ số này đã tăng 2,3%. Thị trường diễn biến tích cực ngay sau kỳ nghỉ Tết dài ngày cùng với khối lượng giao dịch cao hơn, cho thấy dòng tiền đã có sự cải thiện và không ít trong số này là dòng tiền rút ra nghỉ ngơi trước Tết đã quay trở lại.

QUẢNG CÁO

Tại buổi lễ đánh cồng khai trương giao dịch đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) sáng 19-2, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương đã có những chia sẻ về việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như đánh giá triển vọng thị trường năm mới. Nhìn một cách tổng thể, TTCK trong nước năm nay được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” lại xuất hiện, khi đà tăng của VN-Index chủ yếu nhờ lực kéo ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thay thế cho nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chững lại. Như trong phiên tăng hơn 15 điểm (ngày 19-2), riêng ba cổ phiếu VIC, VHM và VRE đã đóng góp gần 7,2 điểm (VIC và VRE đều tăng kịch trần, còn VHM cũng tăng gần 6,7%). Bốn cổ phiếu GAS, VNM, MSN và HPG đóng góp hơn 4,4 điểm.

Đứng ở góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang tiến gần vùng kháng cự ở cạnh trên của đường xu hướng tăng thiết lập từ tháng 11 năm ngoái đến nay, quanh vùng 1.235-1.240 điểm. Các chỉ báo khác cũng cho thấy thị trường đã đi vào vùng quá mua, như chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) của VN-Index đã lên gần mốc 80, do đó rủi ro điều chỉnh cũng đang lớn dần.

Đáng lưu ý, không như kỳ vọng trước đó, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới đang ngày càng trở nên xa vời. Theo công cụ CME Fedwatch, xác suất Fed giảm lãi suất trong tháng 3 chỉ còn 8,5%, trong khi cách đó một tháng lên đến 46%. Ngược lại, kịch bản giữ nguyên lãi suất ở vùng 5,25-5,5%/năm hiện lên đến 91,5%, tăng từ mức 53% của một tháng trước đó.

Kế hoạch kinh doanh tích cực

Dù đứng trước rủi ro điều chỉnh, giới đầu tư cho rằng khả năng điều chỉnh sâu là khó có thể xảy ra, khi thị trường đang bước vào giai đoạn cao điểm công bố thông tin, với các kế hoạch kinh doanh và chia cổ tức năm 2024 đang hé lộ, cũng như mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên đến gần. Với triển vọng kinh tế vĩ mô đang cải thiện tốt hơn, mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống, tỷ giá ổn định, phần lớn các doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2024 có sự tăng trưởng tích cực. Đây sẽ là chất xúc tác hỗ trợ cho giá cổ phiếu, giúp thị trường tránh nguy cơ giảm sâu nếu có diễn biến điều chỉnh.

Với triển vọng kinh tế vĩ mô đang cải thiện tốt hơn, mặt bằng lãi suất liên tục đi xuống, tỷ giá ổn định, phần lớn các doanh nghiệp đặt kế hoạch năm 2024 có sự tăng trưởng tích cực. Đây sẽ là chất xúc tác hỗ trợ cho giá cổ phiếu, giúp thị trường tránh nguy cơ giảm sâu nếu có diễn biến điều chỉnh.

Như Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế giới di động (HOSE: MWG), sau mức lãi ròng vỏn vẹn 168 tỉ đồng trong năm 2023, giảm 68% so với thực hiện năm 2022 và thấp nhất kể từ khi niêm yết, năm 2024 công ty này đặt mục tiêu lãi sau thuế 2.400 tỉ đồng. Dù con số này vẫn thấp hơn mức lợi nhuận từng đạt được trong giai đoạn 2018-2022, nhưng nếu so với năm 2023 thì gấp hơn 14 lần, trong đó đóng góp chính vẫn từ chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh.

CTCP Dabaco (HOSE: DBC) đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2024 là 25.380 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 730 tỉ đồng, cao hơn rất nhiều so với kết quả thực hiện năm 2023 tương ứng là 11.110 tỉ đồng và 25 tỉ đồng. Kế hoạch này dựa trên tính toán giá thịt heo ở mức 53.000-55.000 đồng/ki lô gam, sau khi đã chạm đáy 48.800 đồng/ki lô gam trong năm 2023, cũng như kỳ vọng sức mua sẽ hồi phục trở lại.

Dù dự báo thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (HOSE: HDC) vẫn đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.657,6 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với kết quả năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 530 tỉ đồng và 424 tỉ đồng, tăng 1,95 lần và 1,93 lần so với kết quả năm 2023. Cổ tức dự kiến 15%.

Trong khi đó, Tổng công ty (TCT) Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HOSE: DPM) công bố kế hoạch năm 2024 với doanh thu 12.755 tỉ đồng, giảm 6% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023 và lợi nhuận sau thuế đạt 542 tỉ đồng, tăng 17% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2023. Trong bối cảnh Nga và Trung Quốc nếu tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân bón, giá u rê thế giới dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) sau khi ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2023 gần 13.800 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ và lỗ ròng gần 880 tỉ đồng – phần lớn (hơn 500 tỉ đồng) do trích lập dự phòng nợ xấu vì ảnh hưởng tình trạng công trình đứng và công nợ chồng chất chưa thu hồi được, năm 2024 đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 900.000 tấn thép các loại, lợi nhuận sau thuế 80 tỉ đồng.

CTCP Vinamilk (HOSE: VNM) dù chưa công bố kế hoạch 2024, nhưng theo Bloomberg dự báo, lợi nhuận của Vinamilk sẽ tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, nếu năm 2023, lợi nhuận/cổ phần của Vinamilk đạt 3.796 đồng thì năm 2024 sẽ đạt 4.382 đồng do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn sản phẩm tốt, giá tầm trung mà Vinamilk cung cấp, nhất là ở ngành hàng sữa đặc và sữa chua.

Dĩ nhiên bên cạnh những doanh nghiệp đặt kế hoạch khả quan hơn, vẫn có một số doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh không có sự tăng trưởng, trong đó đặc biệt là nhóm dầu khí, phân bón, hóa chất. Như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UpCom: BSR) chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 ở mức 1.291 tỉ đồng, giảm hơn 86% so với kết quả năm 2023; TCT Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đặt mục tiêu lãi sau thuế 660 tỉ đồng, giảm 26%; TCT Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT) lãi sau thuế 760 tỉ đồng, giảm 40%; CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) lãi ròng 1.100 tỉ đồng, giảm 74% so với kết quả năm 2023.

Về cơ bản, nhóm này chịu ảnh hưởng lớn bởi diễn biến giá cả hàng hóa thế giới có nhiều biến động, nên hàng năm đều đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, nhất là các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Dù vậy, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực, từ đó kỳ vọng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho sức khỏe của các doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024 này.n

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.