Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Trong cuộc trao đổi đầu Xuân Giáp Thìn 2024 với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ về định hướng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), nhất là nâng hạng TTCK trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính…

Fatz Admin lúc 2024-02-13
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong cuộc trao đổi đầu Xuân Giáp Thìn 2024 với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ về định hướng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), nhất là nâng hạng TTCK trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, để TTCK Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung tay của nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt


Phóng viên:

“Minh bạch” và “hoạt động hiệu quả” là từ khóa được các thành viên trên TTCK quan tâm nhất trong năm vừa qua. Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai những giải pháp gì để đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu này?

QUẢNG CÁO


Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Tăng cường minh bạch thông tin để TTCK hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính. Trong năm vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của TTCK. Trong đó:

Đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp. Triển khai các đợt kiểm tra, giám sát tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của công ty đại chúng và chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với các tổ chức trung gian trên TTCK, Bộ Tài chính đang chỉ đạo UBCKNN tiếp tục triển khai các giải pháp tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ (CTQLQ), tiến hành xử lý, thanh lọc các CTCK, CTQLQ yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng huy động tài sản để quản lý, đảm bảo hoạt động cơ cấu lại không làm gián đoạn hoạt động ổn định của công ty; rà soát, phân loại các công ty để có biện pháp xử lý đối với từng nhóm công ty cụ thể theo quy định pháp luật.

ck222.jpg
Tăng cường minh bạch thông tin để TTCK hoạt động công bằng, hiệu quả luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Tài chính

Năm 2023, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện các đoàn kiểm tra định kỳ các CTCK, CTQLQ và tiến hành xử lý vi phạm đối với 6 CTCK; đưa 1 CTCK vào tình trạng kiểm soát, 2 CTCK vào tình trạng cảnh báo. Hiện có 6 CTCK thuộc trường hợp bị chấm dứt hoạt động và 1 CTCK bị yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, nhằm ổn định và phát triển TTCK lành mạnh, hiệu quả, trong năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý vi phạm trên TTCK với tổng cộng 67 đoàn thanh kiểm tra, ban hành 412 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt thu được là 37,2 tỷ đồng, trong đó xử phạt 2 trường hợp thao túng với tổng số tiền phạt 2,05 tỷ đồng.


Phóng viên:

Bộ Tài chính có kế hoạch gì để thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh và nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trực tiếp chỉ đạo UBCKNN triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc xem xét nâng hạng TTCK. Trong đó, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cốt lõi sau:


Thứ nhất

, tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với yêu cầu chuyển tiền và thanh toán sau giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thông lệ tại đa số TTCK các nước trên thế giới là nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) không phải ký quỹ trước giao dịch mà chỉ thực hiện thanh toán khi giao dịch đã thành công, trong khi TTCK Việt Nam yêu cầu mọi nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trên tài khoản trước giao dịch. Để xử lý vướng mắc này, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN phối hợp cùng Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) làm việc với các thành viên thị trường (các công ty chứng khoán) cùng tìm giải pháp tháo gỡ; đồng thời giao UBCKNN chủ động rà soát các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán để thực hiện sửa đổi, bổ sung, nếu cần thiết nhằm tạo điều kiện cho NĐTNN có thể giao dịch mà không cần ký quỹ trước.

Về dài hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản liên quan để trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng làm rõ vai trò, trách nhiệm và mức độ tham gia của các ngân hàng thương mại khi trở thành thành viên bù trừ trên hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) – hệ thống cho phép nhà đầu tư không cần ký quỹ toàn bộ trước giao dịch, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng.


Thứ hai

, đối với vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp niêm yết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN thực hiện cập nhật thường xuyên các thông tin về TTCK trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) để tạo thuận lợi cho NĐTNN dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu; giao UBCKNN thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng theo hướng yêu cầu các công ty niêm yết quy mô lớn (dự kiến là các công ty niêm yết trong rổ chỉ số VN100) bắt buộc thực hiện công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời triển khai thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại tất cả các công ty đại chúng để NĐTNN nắm bắt được thông tin về khả năng tham gia của NĐTNN tại các doanh nghiệp.


Thứ ba,

tích cực và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xử lý vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tự do hóa tài khoản vốn, quy định về quản lý ngoại hối.

Có thể nói, để TTCK Việt Nam được nâng hạng, ngoài nỗ lực của Bộ Tài chính, rất cần chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và sự chung tay của nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp. Với vai trò đơn vị đầu mối, Bộ Tài chính đang khẩn trương và quyết liệt thực hiện các giải pháp và hy vọng TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng trong thời gian tới.


Phóng viên:

Năm 2024 được thống kê sẽ là năm áp lực đáo hạn trái phiếu cao nhất trong 3 năm trở lại đây, với khoảng gần 300 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn. Bộ Tài chính có giải pháp gì nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển lành mạnh, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Thời gian qua, thị trường TPDN đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động.

Tuy vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, thị trường TPDN đã phát triển nhanh với quy mô tăng trưởng bình quân khoảng 33%/năm, đáp ứng nhu cầu huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là phát triển cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu nhằm giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5% GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển.

Tuy nhiên, so với quy mô thị trường TPDN so với GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 là tương đối lớn.

07_knlj.jpg
Thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 là tương đối lớn

Hiện nay, quy mô thị trường TPDN chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130% GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường TPDN đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp, vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.

Trong thời gian tới, để thị trường TPDN phát triển đúng với tiềm năng và vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, cần có sự “chung tay góp sức” của tất các chủ thể tham gia trên thị trường.


Phóng viên:

Dự báo kinh tế năm 2024, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua các khó khăn thách thức này, ngành Tài chính sẽ tham mưu cho Chính phủ các giải pháp, chính sách cụ thể gì, thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

Việc triển khai nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2024 được dự báo sẽ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế – xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp:


Một là,

thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.


Hai là,

tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….


Ba là,

quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn. Đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.


Bốn là,

kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.


Năm là,

đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

Chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.


Phóng viên:

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Quỳnh Lê

Thị trường tài chính tiền tệ

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.