BSC dự báo áp lực bán của khối ngoại vẫn tiếp tục hiện hữu và dần cải thiện vào nửa sau năm 2024 khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần cải thiện, bên cạnh về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán có những tín hiệu…
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua năm 2023 với những diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index tăng trưởng hơn 12%. Trong bức tranh chung của thị trường, giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng khá mạnh. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm chấm dứt nhờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, Ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như dòng vốn ngoại trên thị trường năm 2024.
BTV Mùi Khánh Ly: Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới trong năm 2023, cũng như thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ô ng đánh giá như thế nào về dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong năm qua?
Ông Chung Jae Hoon, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán BIDV (BSC)
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những biến động, giải ngân vốn FDI vẫn tăng trưởng trong 2023, với tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới của hơn 3.000 dự án, tương đương 20 tỷ USD (tăng trên 60%). Bên cạnh đó, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Việc dòng vốn đăng ký cấp mới gia tăng rất cao cho thấy mức độ hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang trong xu hướng chậm lại.
Với dòng vốn FII, theo thống kê của chúng tôi, năm 2023 khối ngoại đã bán ròng 10 trong số 12 tháng của năm, với giá trị gần 23.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Lực bán chủ yếu đến từ dòng vốn chủ động. Nguyên nhân dòng vốn FII rút ròng xuất phát từ các yếu tố cơ bản như hiệu suất đầu tư các quỹ chủ động nước ngoài không mang lại hiệu quả, đã tạo áp lực rút vốn, bên cạnh đó là các quy định mới về thuế tại các quốc gia có đầu tư lớn tại Việt Nam. Nguyên nhân thứ hai là sự chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND và sự chênh lệch lãi suất trái phiếu của Việt Nam với các nước. Và nguyên nhân thứ ba là do tỷ suất sinh lời tại các thị trường khác trong 2023 cao hơn so với Việt Nam.
Bước sang năm 2024, dự báo vẫn còn những khó khăn và thách thức nhất định, liệu kinh tế Việt Nam có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ?
Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nhờ các yếu tố sau: thứ nhất là sự hồi phục của khu vực thương mại kéo theo sự phục hồi của dòng vốn FDI khi các ngân hàng trung ương lớn như Hoa Kỳ hay châu Âu nới lỏng chính sách tiền tệ, cùng với đó là hàng tồn kho tại Hoa Kỳ đang suy giảm.
Thứ hai là nhờ sự hồi phục của tiêu dùng trong nước. Khu vực xuất nhập khẩu hồi phục sẽ có tác động tích cực đến khu vực công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng, hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cũng sẽ tăng lên, từ đó tiêu dùng trong nước cũng sẽ hồi phục.
Thứ ba là nhờ chính sách tài khóa, chính phủ tiếp tục thực hiện tăng chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ phát triển kinh tế như tăng đầu tư công, tiếp tục giảm thuế VAT đến hết tháng 6/2024 và tăng lương cơ sở ….
Yếu tố cuối cùng là dự báo Fed sẽ hạ lãi suất trong 2024, nhờ đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá, tạo dư địa cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trên nền tảng vĩ mô ổn định và cơ cấu khối tăng trưởng trong nước được duy trì, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể quay lại mức tăng trưởng quanh 6% và là điểm sáng trong khu vực và thế giới khi thương mại quốc tế dần cải thiện trong năm 2024.
Với những phân tích trên, liệu dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam sẽ như thế nào trong năm 2024?
Theo chúng tôi đánh giá, với dòng vốn FDI, dự kiến tăng trưởng tốt mở ra một “làn sóng” đầu tư FDI mới vào Việt Nam trong bối cảnh vị thế quốc gia ngày càng được khẳng định và nâng cao. Thêm vào đó, Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, an toàn, hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Còn đối với dòng vốn FII, BSC dự báo áp lực bán của khối ngoại vẫn tiếp tục hiện hữu và dần cải thiện vào nửa sau năm 2024 khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dần cải thiện, bên cạnh về triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán có những tín hiệu tích cực. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh quá trình IPO, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước sẽ là chất xúc tác tốt cho dòng vốn FII.
Được biết , dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam luôn đứng trong top đầu trong số những Quốc gia có vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Như chúng ta đã thấy, dòng vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 4,4 tỷ USD và liên tục đứng thứ hai trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 2023. Điều này cho thấy, Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Về phía các nhà đầu tư Hàn Quốc, họ nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tiềm năng với nhiều lợi thế như như dân số trẻ, lực lượng lao động đông đảo và có trình độ ngày càng cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững; Chính sách mở cửa, thân thiện với các NĐT nước ngoài, cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại…
Ngoài ra, Hàn Quốc đã từng trải qua giai đoạn phát triển tương tự như Việt Nam hiện nay, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ những khó khăn và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này giúp họ có thể nắm bắt cơ hội và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư. Với những lợi thế trên, dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Đó là về nền kinh tế nói chung, còn đối với thị trường chứng khoán Việt Na m năm 2024, theo ông sẽ diễn ra như thế nào và dòng vốn ngoại vào thị trường sẽ ra sao?
Theo chúng tôi, triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2024 được đánh giá khả quan hơn năm 2023. Các yếu tố thuận lợi đến từ những yếu tố như:
Thứ nhất là quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới đều đã đến chặng cuối, sẽ giúp cho các nền kinh tế chủ chốt hạ cánh mềm, qua đó tác động tích cực lên các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Khi Fed hạ lãi suất sẽ giảm áp lực lên tỷ giá và hoạt động rút ròng của khối ngoại có thể giảm bớt.
Thứ hai, Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và Nhật Bản, củng cố mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc sẽ là những yếo tố tạo động lực để nền kinh tế tăng tốc, thu hút thêm dòng vốn FDI, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và doanh nghiệp, cải thiện kết quả kinh doanh của các công ty, tạo nền tăng trưởng cho thị trường chứng khoán.
Thứ ba, Chính sách tiền tệ, tài khóa tiếp tục ủng hộ tăng trưởng kinh tế, các giải pháp tháo gỡ về cơ chế chính sách được đẩy mạnh triển khai kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp;
Ngoài ra, mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam đang ở vùng thấp cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo đạt 15-20%, dự kiến những thay đổi về hệ thống giao dịch mới và các quy định hướng tới nâng hạng thị trường sẽ tạo động lực bứt phá cho thị trường chứng khoán.
BSC có chiến lược đầu tư thế nào trong năm 2024 ?
Chiến lược đầu tư trong 2024 của chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi và triển khai một số hoạt động mới, cơ bản như sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động môi giới cổ phiếu, cho vay margin, đồng thời, củng cố và gia tăng hoạt động trên thị trường trái phiếu chính phủ. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng tôi chọn lọc doanh nghiệp và các thương vụ để tư vấn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ hợp, khai thác thêm các khách hàng mới từ Hàn Quốc thông qua tiềm lực, mạng lưới hoạt động của đối tác chiến lược Hana Securities. Cuối cùng là nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua việc hoàn thiện hệ thống website, ứng dụng BSC Smart Invest, tiếp cận với khách hàng mới thông qua hoạt động đổi mới Marketing.
Nhịp Sống Thị Trường