Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11/2023 ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại sau nhiều tháng. Tuy nhiên, ngành thủy hải sản vẫn đang đối diện với nhiều thách thức. Liệu ngành có “hóa…
Tiếp tục series Giải mã doanh nghiệp, Bí mật đồng tiền tuần này có sự xuất hiện của vị khách mời là bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Một sự trùng hợp thú vị đã được Mr.X30 Phạm Lưu Hưng – Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI “bật mí” là ông từng có thời gian phụ trách mảng thủy sản khi mới gia nhập SSI. Cuộc trò chuyện giữa hai vị khách mời cũng bởi vậy đã diễn ra trong bầu không khí thoải mái và hào hứng, với nhiều nội dung giá trị và thú vị.
Chẳng hạn, bà Lê Hằng đã trao đổi về sự khác biệt giữa hai khái niệm sản lượng và thị phần. Nếu sản lượng đề cập đến lượng hàng hoặc dịch vụ mà một doanh nghiệp, ngành công nghiệp, hoặc quốc gia sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định, thì thị phần là phần trăm của thị trường mà một doanh nghiệp hoặc sản phẩm chiếm giữ so với tổng thị trường. Hiện tại, Việt Nam đang nắm giữ tới 99% thị phần cá tra trên toàn thế giới, dù sản lượng cá tra Việt Nam chiếm 52-55% sản lượng cá tra toàn cầu.
Một trong những câu chuyện về ngành thủy hải sản đã được Mr.X30 băn khoăn từ lâu là giá trị gia tăng sản phẩm. Các sản phẩm ngành hiện nay chủ yếu được xuất bán dạng thô nên giá trị không cao. Các sản phẩm chế biến chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, thậm chí “mỗi lần đưa vào siêu thị chỉ có 1-2 thùng”. Bà Hằng chia sẻ, mỗi giai đoạn ngành đều sẽ có những chuyển dịch cơ cấu nhất định, tuy nhiên, điều quan trọng là nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, thị trường Mỹ có nhu cầu sản phẩm thô rất cao, thể hiện qua việc tỷ trọng sản phẩm thô chiếm tới gần một nửa sản lượng tôm xuất khẩu. Ngược lại, thị trường Nhật lại ưa chuộng những sản phẩm gia tăng giá trị hơn.
Một khán giả đưa ra bình luận: “Cổ phiếu ngành thủy hải sản có nhiều biến động và rủi ro, lãi thì mỏng”. BTV Hoàng Nam nhận định, một trong những chỉ báo để quan sát thị trường ngành thủy hải sản là nhìn vào giá thành sản phẩm. Bà Hằng đồng ý và khẳng định giá cả chính là yếu tố đang gây ảnh hưởng lớn nhất tới ngành thủy hải sản ở thời điểm hiện tại. Có nhiều nguyên nhân đằng sau như thị trường biến động hậu đại dịch Covid-19, tình trạng lạm phát hay lượng hàng tồn kho ở mức cao,.. khiến định giá sản phẩm đi xuống. Tuy nhiên, quý II/2023 đã chứng kiến những diễn biến tích cực của ngành, dù còn rất chậm. Bà Hằng cũng chia sẻ, một khung cảnh tươi sáng hơn đối với giá sản phẩm thủy hải sản cùng với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 là hoàn toàn có thể. Trùng hợp là ngay sau khi Bí mật đồng tiền lên sóng, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng trần ngay trong phiên giao dịch sau đó.
Mr.X30 chia sẻ thêm, lạm phát hiện nay đã có xu hướng đạt đỉnh và có thể sẽ dịu đi trong thời gian tới, từ đó kích thích nhu cầu tiêu dùng. Với một mặt hàng như cá tra, triển vọng dài hạn là khả quan và tích cực. Số lượng các doanh nghiệp rời khỏi ngành là khá ít, thể hiện dư địa phát triển là có và có khả năng phát triển bền vững.
Là một ngành mũi nhọn, thủy hải sản đóng góp một nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế, mang đến thành công lớn cho Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nhiều yếu tố như nhu cầu thủy hải sản của EU có dấu hiệu tăng trưởng, những ghi nhận của EC đối với nỗ lực của Chính phủ trong quản lý khâu nuôi trồng và đánh bắt, sự dịch chuyển trong nhu cầu thực phẩm của người dân thế giới – ưu tiên những sản phẩm thịt trắng, được kỳ vọng sẽ là những động lực tốt cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.
Đời sống Pháp luật