Theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép và giá điện tăng 4,5% có thể khiến ngành thép mất 23% lợi nhuận. HPG&HSG&NKG&SMC&TVN: Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch giằng co, nhóm…
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch giằng co, nhóm cổ phiếu thép lại bất ngờ hút tiền mạnh và đồng loạt bứt phá. HPG, HSG, NKG, TVN, TLH,… đều tăng mạnh, thậm chí SMC còn tăng kịch trần. Với mức tăng 2,64%, “anh cả” HPG trở thành là cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào VN-Index qua đó giúp thị trường thu hẹp mức giảm.
Cổ phiếu thép bất ngờ tăng mạnh khi ngành thép vừa đón một thông tin không mấy tích cực khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11. Trong báo cáo mới cập nhật, Mirae Asset cho rằng một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực.
Theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép. Do đó, giá điện tăng 4,5% sẽ làm cho giá vốn tăng thêm và khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngành thép có thể giảm 23% nếu doanh nghiệp không thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng.
Việc tăng giá bán ở thời điểm hiện tại là không đơn giản đối với các doanh nghiệp thép khi nhu cầu tiêu thụ trong nước đang khá yếu. Thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc và áp lực từ thép nhập khẩu khiến giá thép nội địa chịu tác động lớn. Sau 19 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, giá thép Hòa Phát các loại đã rơi xuống vùng 13-14 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chứng khoán KIS cho rằng thị trường bất động sản sẽ chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án Đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn Đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023.
Trong khi giá thép duy trì xu hướng giảm, việc quản trị hàng tồn kho mức thấp đã góp phần giúp các doanh nghiệp thép cải thiện được biên lợi nhuận quý 3 vừa qua. Tổng lợi nhuận toàn ngành thép trên sàn chứng khoán ước tính đạt gần 2.000 tỷ đồng, gấp 5 lần quý trước và tăng rất mạnh so với số lỗ lên đến 4.700 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Bộ đôi Hòa Phát và Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 2.000 tỷ và 438 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với quý trước và khả quan hơn rất nhiều so với khoản lỗ nặng cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp như VNSteel (TVN), Pomina (POM), SMC,… đều giảm lỗ so với cùng kỳ năm ngoái và quý trước.
Một tín hiệu tích cực đối với ngành thép là giá thép thế giới vẫn đang trong xu hướng hồi phục mạnh mẽ. Giá thép thanh vằn tại thị trường Trung Quốc đã tăng 9% trong 3 tuần lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Nguyên nhân do tồn kho thấp hơn, nguồn cung không chắc chắn và dự đoán về một số lực kéo trong hoạt động mua hàng khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh phát hành trái phiếu mới, với cam kết 1.000 tỷ CNY để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng sản xuất.
Bên cạnh đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng đang cho thấy xu hướng hồi phục rõ ràng. Từ vùng đáy đầu tháng 9, giá mặt hàng này đã tăng hơn 50% qua đó leo lên đỉnh 6 tháng. Dù còn kém xa so với đỉnh đạt được cách đây 2 năm nhưng diễn biến khả quan của giá HRC thời gian gần đây đang đem lại hy vọng hưởng lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.
Nhịp Sống Thị Trường