Áp lực tỷ giá tăng cao và động thái của Ngân hàng Nhà nước

(KTSG Online) – Đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường thế giới gây sức ép đến tiền đồng Việt Nam, dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tuần trước. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)…

Fatz Admin lúc 2023-09-28

(KTSG Online) – Đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường thế giới gây sức ép đến tiền đồng Việt Nam, dù Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tuần trước. Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái mới nhằm hỗ trợ thị trường ngoại hối.

Các nhà băng tăng mạnh giá bán đô la Mỹ trong thời gian qua. Hình minh họa: DNCC.

Từ chỉ số đô la bật tăng mạnh…

Tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng và có diễn biến tăng mạnh trong thời gian gần đây khiến nhiều người lo ngại. Tại các ngân hàng, tỷ giá chào bán vẫn đang tiếp tục tăng, ghi nhận mức đỉnh 24.600 đồng/đô la Mỹ vào ngày 27-9 vừa qua. Trong tuần trước, tỷ giá liên ngân hàng ở mức 24.335 đồng/đô la, đã tăng khoảng 0,35% so với tuần trước đó.

QUẢNG CÁO

Theo báo cáo thị trường tiền tệ phát hành hồi đầu tuần của Công ty chứng khoán SSI, một trong những lý do khiến tỷ giá bật tăng là việc chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác, đã tăng mạnh trong thời qua.

Ghi nhận đến ngày 26-9, chỉ số DXY đã trên 106 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm. Trong tuần trước, chỉ số này liên tục duy trì mức 105 điểm xuyên suốt tuần, dẫn đến việc nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới đều giảm giá so với đô la Mỹ.

Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 10-2022 thì còn kém xa khi DXY có lúc vượt 113 điểm. Ngân hàng nhà nước khi đó phải can thiệp mạnh hơn vào thị trường ngoại hối bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Diễn biến chỉ số DXY và tỷ giá từ đầu năm 2022 đến nay. Nguồn: SSI.

Đến nay, sức ép của đồng đô la hiện hữu ngày càng rõ rệt khiến nhiều người lo lắng về tình hình tỷ giá trong nước. Tuy nhiên, tỷ giá giao dịch trên thị trường phi chính thức ngày 27-9 chỉ khoảng 24.468 đồng/đô la, tức vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tỷ giá chào bán tại các ngân hàng.

Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho rằng sự chênh lệch tỷ giá hiện nay đến chủ yếu từ thị trường liên ngân hàng, nhiều khả năng do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá, thay vì trên thị trường phi chính thức.

“Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng biến động của tiền đồng nghiêng nhiều về yếu tố mùa vụ. Việc duy trì chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng là yếu tố tạo ra áp lực lớn hơn đối với tỷ giá trong quí 3”, nhóm phân tích SSI đánh giá.

Đánh giá tương tự, theo báo cáo kinh tế phát hành hồi đầu tuần của Techcombank, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp dưới 1% cho các kỳ hạn ngắn, làm cho chi phí phòng vệ tỷ giá trở nên hấp dẫn hơn.

Chia sẻ bên lề một sự kiện vào tuần trước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tình hình giao dịch cung cầu ngoại tệ tại TPHCM vẫn diễn ra bình thường, không có yếu tố gì đáng chú ý. Theo ông Lệnh, việc đô la nhích tăng trong những ngày qua chủ yếu đến từ diễn biến tâm lý.

…đến động thái của NHNN

Đồng bạc xanh tăng giá trên thị trường quốc tế trong khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã ngừng tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 9 trong tuần trước, nhưng lại tỏ ý sẽ còn tiếp tục một đợt tăng nữa vào cuối năm.

Phía ngược lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây liên tục phát hành tín phiếu để hút tiền về, dẫn đến sự lo ngại về tình hình thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam trong quí còn lại của năm.

Hoạt động giao dịch trên kênh thị trường mở có diễn biến mới khi NHNN phát hành tín phiếu gần đây. Nguồn: SSI Research.

Bắt đầu từ ngày 21-9, NHNN phát hành tín phiếu quy mô 10.000 tỉ đồng kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu chỉ ở mức 0,69% (thấp hơn nhiều so với con số lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng khi đó là 0,8%). Liên tiếp ba ngày sau đó, NHNN tiếp tục phát hành thêm với tổng giá trị 40.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Maybank IB (MSVN), đánh giá động thái này nhằm điều chỉnh chênh lệch lãi suất liên ngân hàng, nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo đó, việc hút tiền qua kênh này sẽ giảm bớt thanh khoản trên liên ngân hàng, từ đó giúp đẩy lãi suất liên ngân hàng lên, nhằm giảm sự chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và đô la, từ đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Thực tế, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng trong phiên ngày 26-9 đã tăng lên đến 1,65%, thay vì 0,8% như tuần trước.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng động thái hút tiền này của NHNN là tín hiệu cho thấy nhà điều hành chính sách tiền tệ đang sẵn sàng can thiệp để giữ ổn định tỷ giá.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng sự lo ngại về việc thắt chặt quá mức trên thị trường liên ngân hàng là khó xảy ra, vì bài học thanh khoản hệ thống trong cuối năm ngoái.

NHNN sẽ tiếp tục làm điều này cho đến khi thấy áp lực lên tỷ giá hạ nhiệt, thể hiện qua chênh lệch lãi suất liên ngân hàng tiền đồng và đô la Mỹ, và tùy thuộc vào tác động đến lãi suất huy động và cho vay”, ông Lâm bình luận.

Còn nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt, bình luận hoạt động mới của NHNN gần đây không đồng nghĩa với việc đảo chiều chính sách tiền tệ. “Hiệu quả của việc can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng đô la Mỹ”, báo cáo thị trường tiền tệ ngày 27-9 của công ty chứng khoán này nhận định.

Chênh lệch lãi suất giữa đô la Mỹ và tiền đồng được dự báo thu hẹp trong thời gian tới. Nguồn: Techcombank.

Những tín hiệu từ thị trường thế giới thêm lần nữa làm dấy lên sự lo ngại về xu hướng tăng của đồng đô la và áp lực lên tiền đồng trong quí 4. Năm ngoái, đây cũng là thời điểm mà tỷ giá biến động lớn vì đồng đô la tăng quá mạnh.

Áp lực tỷ giá vào cuối năm nay cũng chưa kết thúc, khi thế giới vẫn tranh cãi chuyện Fed liệu có tăng thêm lãi suất lần nữa hay không. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng cho dù có tăng lãi suất đi nữa, thì Fed cũng sẽ bắt đầu chu kỳ giảm dần lãi suất từ năm 2024, đồng nghĩa với việc áp lực lên các đồng tiền khác sẽ giảm dần.

Với lý do này, nhóm phân tích của Techcombank cho rằng dự báo tỷ giá vẫn sẽ ổn định trong dài hạn, dù vẫn chịu áp lực vì DXY vẫn đang ở trong xu hướng tăng ngắn hạn. Theo đó, tỷ giá có thể sẽ hình thành mức cân bằng tại vùng giá 24.200-24.300 đồng/đô la vào cuối năm.

Một rủi ro khác được nêu lên là khả năng chỉ số DXY có thể tăng mạnh lên mức 110 điểm như tình huống năm ngoái. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng NHNN có dư địa về điều hành chính sách ngoại hối.

Trên thực tế, bối cảnh vĩ mô ngày nay được đánh giá là đã khác biệt so với thời điểm cuối năm ngoái, ít nhất là về hệ thống thanh khoản ngân hàng đang còn rất dồi dào đi cùng quỹ dự trữ ngoại hối được bổ sung và trạng thái dòng vốn ngoại tệ chảy vào vẫn ở mức tích cực.

Nhớ lại trong 9 tháng đầu năm ngoái, NHNN đã bán 25 tỉ đô la Mỹ để kiểm soát tỷ giá. Tuy nhiên, việc bán sớm đã khiến cho những giải pháp tiếp theo vào cuối năm gặp nhiều khó khăn. “Khác với năm ngoái, NHNN vẫn đang nắm trong tay “viên đạn bạc”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán MSVN bình luận thêm.

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.