Theo chuyên gia, thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại trong một vài phiên tới, nhưng sẽ là cân bằng rồi giảm hoặc đi ngang chứ không còn kỳ vọng một giai đoạn tích cực như các tháng đầu năm. Việc Fed giữ nguyên lãi suất đúng như thị…
Việc Fed giữ nguyên lãi suất đúng như thị trường dự báo, song điều đáng nói là quan điểm điều hành có phần “diều hâu” của cơ quan này khiến giới đầu tư lo ngại mức lãi suất ở Mỹ sẽ duy trì mức cao trong thời gian lâu hơn.
Sau cuộc họp của Fed, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng phát đi thông báo gây chú ý khi về việc phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày với lãi suất trúng thầu là 0,69%/năm. Đây là đợt phát hành tín phiếu đầu tiên của NHNN kể từ tháng 3/2023 và động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa.
Vậy động thái này có tác động ra sao đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng? Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Ngọc Báu- CEO Wi Group để bàn về vấn đề này.
Sự trái chiều trong chính sách tiền tệ và áp lực tỷ giá có phải nguyên nhân khiến NHNN bất ngờ hút tiền về, rút gần 10.000 tỷ đồng ra khỏi thị trường sau 15 tuần “im ắng”?
Cá nhân tôi không quá bất nhờ trước động thái hút tín phiếu qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong giai đoạn này, tôi cho rằng đây là quyết định chính xác từ phía nhà điều hành để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống. Quyết định này không phải đến từ những phát biểu của Fed trong cuộc họp vừa qua mà đến từ chính nội tại trong nước.
Hiện nay hệ thống tài chính của chúng ta đang gặp một vấn đề khá lớn là thanh khoản thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) đang dư thừa rất nhiều nhưng tín dụng ra nền kinh tế (thị trường 1) lại rất ì ạch. Như vậy, đang có sự ngắt kết nối giữa hai thị trường và điều này sẽ để lại những hệ quả đối với hệ thống tài chính, trong đó ba hệ quả trước mắt mà chúng ta đang thấy là: Giá tài sản tài chính sẽ tăng, tỷ giá sẽ chịu áp lực và nền kinh tế phục hồi chậm. Để giải quyết vấn đề này thì sự điều chỉnh chỉnh sách cân bằng hơn là điều cần thiết.
Theo tôi, thời gian tới SBV sẽ làm đồng thời cả 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá của các NHTM trong ngắn hạn, lượng hút là vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản trên liên ngân hàng. Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường 1 giảm và tín dụng khơi thông. Hành động này của SBV có thể kéo dài đến cuối năm trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.
Nhiều lo ngại cho rằng động thái mở lại kênh hút tiền của NHNN phát đi tín hiệu về sự thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới. Anh nghĩ sao về điều này?
Với quan điểm SBV sẽ làm song song 2 nhiệm vụ trên hai mặt trận, tôi cho rằng những hành động cân đối thị trường này không đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt như cuối năm ngoái. Xét về tổng thể tác động của các chính sách từ phía SBV, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên có thể chúng ta sẽ không còn chứng kiến một giai đoạn mà lãi suất liên ngân hàng về tiệm cận 0% như vừa qua nữa, đây là một trạng thái thanh khoản không phù hợp mà SBV đã để duy trì khá lâu.
Anh có thể đưa ra đánh giá toàn diện về tác động của thông tin này?
Xét về ngắn hạn, thông tin này mục đích chính là tác động vào thanh khoản thị trường hai nên sẽ chủ yếu tác động mạnh đến giá tài sản tài chính, biến động tỷ giá, còn xét về phía tác động đến nền kinh tế là không lớn.
Tỷ giá leo thang là một trong những nguyên nhân tác động đến dòng vốn ngoại. Liệu hành động của NHNN có đủ sức để “hạ nhiệt” tỷ giá và giữ chân dòng tiền ngoại đang “nhấp nhổm” rút ra hoặc tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân trong thời gian tới?
Tôi cho rằng những biến động tỷ giá hiện tại một phần đến từ nhu cầu USD thực sự để thanh toán các nghĩa vụ, nhưng phần lớn còn lại là đến từ hoạt động đầu cơ khi thanh khoản liên ngân hàng quá dư thừa và chênh lệch lãi suất lớn đẩy nỗi sợ tỷ giá bật mạnh như năm ngoái.
Hành động hút bớt thanh khoản trên liên ngân hàng là bước đi đầu tiên để xoa dịu áp lực đầu cơ tỷ giá. Tuy nhiên đây là hành động ngắn hạn và có tính thăm dò, không đủ để tạo những cú hích thực sự đến sự dịch chuyển vốn.
Về ngắn hạn, tỷ giá có thể sẽ giảm và ổn định lại sau hành động này, nhưng muốn xử lý dứt điểm vấn đề của tỷ giá thì hoặc là SBV phải bán USD để can thiệp tỷ giá, hoặc phải chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để tăng lãi suất hoặc phải chông chờ vào dòng USD chảy vào từ thặng dư thương mại, kiều hối, FDI và một số khoản cam kết rót vốn lớn vừa qua. Cá nhân tôi cho rằng, SBV có thể kiểm soát tốt được tỷ giá với bối cảnh dòng USD và dự trữ ngoại hối như hiện tại. Bối cảnh năm nay rất khác năm ngoái.
Thị trường chứng khoán đang phản ánh kém phần tích cực, anh cho rằng thông tin này chỉ tác động về mặt tâm lý hay sâu rộng hơn?
Nhà đầu tư lo ngại là hoàn toàn có cơ sở và thị trường giảm là điều khó tránh khỏi, nhưng bán tháo như hiện tại là vấn đề thái quá của tâm lý. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ sớm cân bằng trở lại trong một vài phiên tới, nhưng sẽ là cân bằng rồi giảm hoặc đi ngang chứ không còn kỳ vọng một giai đoạn tích cực như các tháng đầu năm.
Anh đánh giá ra sao về xu hướng thị trường trong thời gian tới?
Về ngắn hạn, chúng ta cần phải chấp nhận một điều là thị trường vừa rồi đã tăng quá mạnh bởi sự kỳ vọng về một giai đoạn nới lỏng giống như năm 2019-2021 và với hành động mới của SBV hôm qua gần như đã “phá tan” sự kỳ vọng đó, đưa thị trường về với thực tại. Quá trình điều chỉnh kỳ vọng này sẽ là lúc thị trường chính thức bước vào giai đoạn giảm hoặc lình xình, có nghĩa cơ hội đầu tư trong giai đoạn tới sẽ khó khăn hơn những tháng đầu năm.
Xét về trung và dài hạn thì chúng ta thấy kinh tế đang phục hồi dần, lãi suất thị trường một vẫn sẽ giảm, chính sách tiền tệ nhìn chung là cân bằng hoặc nới lỏng. Vậy nên cá nhân tôi cho rằng xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn sẽ là chủ đạo.
Trong các mô hình đánh giá của mình, tôi gọi giai đoạn này là “vùng nhiễu động” và giai đoạn này hành động tốt nhất là đứng ngoài và quan sát.
Nhịp sống thị trường