Dragon Capital đánh giá việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện tạo tiền đề thuận lợi để Hoa Kỳ thúc đẩy tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao. Lạm phát duy trì quanh mức 3,5% – 4% trong năm 2023 Trong báo cáo cập nhật mới…
Lạm phát duy trì quanh mức 3,5% – 4% trong năm 2023
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Dragon Capital nhận định nền kinh tế Việt Nam đang dần được cải thiện, số liệu tháng 8 cho thấy các hoạt động kinh tế được phục hồi. Cụ thể, ngành sản xuất đang có dấu hiệu tích cực với mức tăng 2,6% so với cùng kỳ và chỉ số PMI quay trở lại vùng mở rộng ở mức 50,5. Điều này cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm. Thặng dư thương mại 8 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng và đạt mức kỷ lục 19,9 tỷ USD.
Với sự hỗ trợ từ dòng vốn FDI và phục hồi của ngành du lịch, đồng Việt Nam (VNĐ) đã thể hiện sự ổn định hơn so với các đồng tiền khác, với mức giảm tương đối thấp, khoảng 1, 8% so với mức trungbình 4-7% trong khu vực.
Bên cạnh đó, biên độ biến động của tỷ giá cũng như sự tăng nhẹ của lạm phát trong mức kiểm soát chưa gây ra nhiều lo ngại. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,9% so với tháng trước và 3% so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng giá xăng và gạo trong nước, đặc biệt việc một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đưa giá mặt hàng này đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Dragon Capital dự báo, lạm phát sẽ được duy trì ở quanh mức 3,5% – 4% trong năm nay. “ Dù sự biến động của thị trường thế giới có thể sẽ khiến tỷ giá biến động trong ngắn hạn, song cả tỷ giá và lạm phát sẽ không ảnh hưởng quá nhiều khi NHNN tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ nền kinh tế và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm trong tháng 8 và có thể sẽ duy trì nền thấp trong những tháng tới ”, báo cáo nhận định cho hay.
2 doanh nghiệp kỳ vọng hưởng lợi sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ
Liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Dragon Capital đánh giá việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện giữa 2 nước tạo tiền đề thuận lợi để Hoa Kỳ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn sang các nước thân thiện.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen đánh giá Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng với Mỹ và nhấn mạnh Việt Nam là một giao điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Dragon Capital cho rằng đây là một sự kiện lịch sử thể hiện vai trò quan trọng của Việt Nam và có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong vài năm tới.
“Nhờ vậy, các doanh nghiệp như FPT và DGC là những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đặc biệt khi tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn mà chuyến thăm này có thể mang lại”, nhóm phân tích chỉ rõ.
Mục tiêu nâng hạng thị trường cần lộ trình rõ ràng
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index giảm 1,2% trong tháng 8, đồng thời khối ngoại đã thưc hiện bán ròng 107 triệu USD, nguyên nhân có thể do dòng tiền rời khỏi thị trường mới nổi (EM) nói chung, kết hợp với sự lo ngại về tình hình bất động sản Trung Quốc.
Dragon Capital cho biết Chính phủ Việt Nam đã rất kiên định trong việc giải quyết những vấn đề về bất động sản và trái phiếu. Điển hình, Thông tư 10 loại bỏ các điều khoản hạn chế mới được giới thiệu trong Thông tư 6 và khôi phục lại các tiêu chí cho vay hiện hành, đảm bảo việc giải ngân tín dụng diễn ra thông suốt cho các giao dịch bất động sản, cũng như hoạt động sát nhập và mua lại (M&A).
Về lộ trình nâng hạng thị trường, các chuyên gia của Dragon Capital đánh giá dưới sự hỗ trợ của các công ty chứng khoán đã thu hẹp khoảng cách giữa T0 và T2, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể trải nghiệm giao dịch thuận tiện hơn đáng kể.
Tuy vậy, đối với giải pháp dài hạn, việc thiêt lập mô hình đối tác bù trừ trung tâm là rất quan trọng. Tuy nhiên, những biện pháp này phải đi kèm với một kế hoạch được định rõ thời gian. Ngoài ra, cần taọ ra các cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp cận các cổ phiếu có giới hạn sở hữu nước ngoại (FOL).
Nhịp sống thị trường