Ngành du lịch nửa đầu năm ghi nhận phục hồi mạnh với động lực đến từ du khách quốc tế. Triển vọng nửa cuối năm tiếp tục thu hút thêm nhiều khách quốc tế nhờ chính sách cởi mở hơn về thị thực. VTR&HOT&SKG&VNG&DSN&DSP: Mặc dù kinh tế khó khăn…
Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm nhờ động lực đến từ du khách nước ngoài. Trong 2023, các chính sách kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cũng như hầu hết các nước đã được tháo dỡ, cùng với đà phục hồi kinh tế, mở lại các hoạt động trong quan hệ giao thương giữa các nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch trong và ngoài nước.
Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, khách du lịch nội địa 8 tháng đạt 86 triệu lượt người, tương đương cùng kỳ năm trước. Song, khách du lịch nước ngoài có sự đột phá. Lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8, Việt Nam đón 1,2 lượt khách quốc tế, gấp 2,5 lần cùng kỳ và hơn gấp đôi tháng trước.
Sự phục hồi mạnh đến từ khách Trung Quốc với gần 1 triệu lượt trong 8 tháng, gấp 14,6 lần cùng kỳ. Du khách Đài Loan gấp gần 10 lần đạt 498.017 lượt. Du khách Hàn Quốc gấp 6 lần lên 2,2 triệu lượt, là thị trường cao nhất hiện nay.
Nhờ đó, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan bất chấp kinh tế khó khăn.
Công ty cung cấp dịch vụ tàu biển du lịch Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (HoSE: SKG) công bố doanh thu nửa đầu năm tăng 18% lên 249 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 91% lên 69 tỷ đồng.
Superdong cho biết đã tăng thêm 18% chuyến theo tình hình hoạt động kinh doanh và lượng khách hàng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tăng chuyến làm tăng số lượng dầu sử dụng nhưng giá giảm 13% đã giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 28,7% lên 38,7%.
Công ty cung cấp tour du lịch, Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, UPCoM: VTR) chuyển lỗ ròng 115 tỷ đồng thành có lãi 23 tỷ đồng nửa đầu năm. Doanh thu thuần gấp 2,3 lần lên 2.713 tỷ đồng là yếu tố chính thúc đẩy lợi nhuận.
Doanh nghiệp lý giải đứng trước sức nén nhu cầu du lịch và đi lại của người dân và thương nhân, Vietravel đã tận dụng tốt nền tảng sẵn có về du lịch và hàng không, nắm bắt các cơ hội về thị trường để khai thác và mở rộng hoạt động kinh doanh đến các thị trường mới ngoài các thị trường trọng điểm, như mở thêm tour theo tuyến, đường bay Hà Nội – Nha Trang, Nha Trang – Trung Quốc, Sài Gòn – Bangkok…
Quý III, công ty lữ hành đặt mục tiêu đạt 207.041 lượt khách, doanh thu 1.709 tỷ đồng và lãi gộp 156 tỷ đồng. 2 tháng 7 và 8, Vietravel thực hiện được 169.298 lượt khách, 1,341 tỷ đồng doanh thu và 116,3 tỷ đồng lãi gộp, tương đương 75% – 80% kế hoạch đề ra.
Trong mảng lưu trú, Du lịch Thành Thành Công (HoSE: VNG) cho biết sự tăng trưởng tốt lượng khách du lịch nội địa và quốc tế sau khi mọi hoạt động du lịch trở lại bình thường mới đã giúp doanh thu 6 tháng đạt 306 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng cao từ 56 tỷ lên 74 tỷ đồng và chi phí thuế thu nhập cao đã khiến lợi nhuận ròng chỉ đạt 1,2 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước.
Chủ sở hữu khách sạn Hội An – Công ty Du lịch dịch vụ Hội An (UPCoM: HOT) báo cáo doanh thu thuần nửa đầu năm gấp 3 lần đạt 47,3 tỷ đồng; lãi sau thuế 945 triệu đồng, cải thiện so với con số lỗ 12 tỷ đồng cùng kỳ 2022.
Du lịch dịch vụ Hội An đã lỗ 3 năm liên tiếp 2020-2022. Doanh nghiệp đặt mục tiêu chấm dứt chuỗi thua lỗ trong năm nay. Ban lãnh đạo đánh giá thị trường du lịch Việt Nam có chuyền hướng khôi phục sớm hơn dự đoán, du khách quốc tế chưa thực sự đạt kỳ vọng nhưng đã có sự tăng trưởng vược bậc. Công ty đang xây dựng nhiều giải pháp tăng trưởng doanh thu, tiết kiệm chi phí để đạt được kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm.
Ở mảng cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí, Công viên nước Đầm Sen (HoSE: DSN) báo lãi tăng 20% lên 67 tỷ đồng, Dịch vụ du lịch Phú Thọ (UPCoM: DSP) chuyển từ lỗ 19,6 tỷ đồng thành lãi 20,8 tỷ đồng.
VietCap dự báo ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi vào năm nay nhờ nhu cầu đi lại trong nước phục hồi, Trung Quốc – nơi có lượng du khách đến Việt Nam lớn nhất trước Covid-19 đã mở cửa trở tại, mở chuyến bay tới các thị trường mới như Ấn Độ và Kazakhstan.
Trong 8 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế hồi phục mạnh nhưng vẫn còn thấp hơn 30% so với trước dịch (2019). Riêng du khách đến Trung Quốc mới bằng 1/3 trước dịch do nền kinh tế đất nước này còn nhiều bất ổn, tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập giảm.
Năm nay, du lịch Việt Nam đề ra mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong thời gian 4 tháng còn lại (từ tháng 9 đến tháng 12), ngành du lịch sẽ bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế và còn nhiều dư địa để vượt xa mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Từ ngày 15/8, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được đơn phương miễn thị thực và thực hiện cấp thị thực điện tử đối với tất các các nước/vùng lãnh thổ, tạm thời tạm trú lên đến 90 ngày, có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần. Ngày 21/8, Việt Nam và Kazakhstan ký hiệp định miễn thị thực song phương cho công dân mang hộ chiếu phổ thông. Những chính sách mới này sẽ là động lực quan trọng để đẩy mạnh thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.
Nhà Đầu Tư