(KTSG) – Dù tâm lý các nhà đầu tư có thể hứng khởi khi chứng kiến không ít doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí 2 tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhưng về tổng thể, bức tranh kết quả kinh doanh quí 2 vừa qua của các doanh nghiệp vẫn…
(KTSG) – Dù tâm lý các nhà đầu tư có thể hứng khởi khi chứng kiến không ít doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí 2 tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nhưng về tổng thể, bức tranh kết quả kinh doanh quí 2 vừa qua của các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự khởi sắc như kỳ vọng.
Chinh phục thành công 1.200 điểm
Sau khi chinh phục thành công mốc tâm lý 1.200 điểm vào cuối tuần trước, chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch đầu tuần này (31-7-2023) tiếp tục tăng mạnh hơn 15 điểm, lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9-2022 đến nay, trong đó riêng cổ phiếu VIC và VHM thuộc hệ sinh thái Vingroup đã đóng góp gần 8,5 điểm. Song hành cùng với điểm số đi lên, khối lượng giao dịch cũng duy trì ở mức cao, cho thấy nhà đầu tư đang khá hào hứng trước những biến động tích cực gần đây của thị trường.
Đáng lưu ý, đà tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 27-7 tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng thứ 11 kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay và chưa phát tín hiệu sẽ dừng lại. Quyết định của Fed đã được dự báo trước nên không khiến nhà đầu tư bất ngờ, thể hiện qua thị trường chứng khoán Mỹ cũng không còn chịu nhiều ảnh hưởng trước thông tin này, với chỉ số Dow Jones vẫn duy trì xu hướng tăng và đã leo lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Báo cáo tháng 7 của Tổng cục Thống kê cho thấy những tín hiệu tích cực hơn trong nền kinh tế, cũng đưa đến những kỳ vọng lạc quan hơn cho tăng trưởng trong nửa cuối năm. Dù chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế bảy tháng đầu năm vẫn đang giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng tháng 7 ghi nhận mức tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đầu tư từ khu vực tư nhân sụt giảm, đầu tư công đang được tập trung đẩy mạnh cùng với dòng vốn đầu tư nước ngoài có tín hiệu hồi phục trở lại. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước lũy kế bảy tháng ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tính đến ngày 20-7-2023 ước đạt 7,94 tỉ đô la Mỹ, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam bảy tháng đầu năm 2023 ước đạt 11,58 tỉ đô la, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở hoạt động thương mại, sau con số xuất siêu 3,09 tỉ đô la trong tháng 6 thì tháng 7 ước tính xuất siêu 2,15 tỉ đô la, nâng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa lũy kế bảy tháng lên đến 15,23 tỉ đô la.
Trong quí 2, tuy tỷ lệ doanh nghiệp lỗ có giảm từ mức 18% của quí 1 năm nay xuống còn 14%, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ vẫn ở mức khá cao, lên đến 46%, xấp xỉ mức của quí 1. Trong đó, có 26 doanh nghiệp sụt giảm từ 90% trở lên, 101 doanh nghiệp giảm từ 50% đến dưới 90% và 143 doanh nghiệp giảm dưới 50%.
Đây được xem là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn tới.
Những thông tin tích cực này, cùng với mùa báo cáo tài chính quí 2 vừa trải qua giai đoạn cao điểm, đã là chất xúc tác quan trọng đẩy thị trường bứt phá mạnh mẽ. Ngoài ra, như nhiều nhận định trước đây, dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng bắt đầu đáo hạn dần từ quí 3 này có lẽ đã bắt đầu chuyển dịch sang các kênh đầu tư như chứng khoán mạnh mẽ hơn, do lãi suất tiền gửi đã không ngừng đi xuống trong thời gian qua và không còn quá hấp dẫn.
Bức tranh quí 2 vẫn ảm đạm
Dù tâm lý các nhà đầu tư có thể hứng khởi khi chứng kiến không ít doanh nghiệp công bố lợi nhuận quí 2 tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là những nhóm hưởng lợi từ xu hướng lãi suất đi xuống trở lại như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… nhưng về tổng thể bức tranh kết quả kinh doanh quí 2 vừa qua của các doanh nghiệp vẫn chưa thật sự khởi sắc như kỳ vọng.
Thống kê cho thấy đã có xấp xỉ 585 doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX công bố kết quả lợi nhuận quí 2, trong đó có 81 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ trọng gần 14%. Một số doanh nghiệp báo lỗ khá lớn như CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) lỗ ròng gần 392 tỉ đồng, CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) lỗ 350 tỉ đồng, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT) lỗ hơn 218 tỉ đồng, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) lỗ 128 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, trong quí 2, tuy tỷ lệ doanh nghiệp lỗ có giảm từ mức 18% của quí 1 năm nay, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ vẫn ở mức khá cao, lên đến 46%, xấp xỉ mức của quí 1. Trong đó, có 26 doanh nghiệp sụt giảm từ 90% trở lên, 101 doanh nghiệp giảm từ 50% đến dưới 90% và 143 doanh nghiệp giảm dưới 50%.
Đây là điều tất yếu, vì dù lãi suất đã giảm đáng kể trong quí 2 giúp nhiều doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả lãi vay, nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước, lãi suất vẫn cao hơn nhiều. Ngoài ra, điều quan trọng hơn là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng thiếu hụt, cầu tiêu dùng suy yếu, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế mở rộng đầu tư, do đó lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng và suy giảm.
Đơn cử như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG), lợi nhuận sau thuế hợp nhất quí 2 chỉ đạt 17,4 tỉ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ năm 2022 là 1.131 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt vỏn vẹn 38,7 tỉ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022 là 2.576 tỉ đồng. Nguyên nhân phía công ty giải trình là do sức mua điện thoại và điện máy suy yếu từ quí 4-2022 đến nay.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số 24.400 tỉ đồng (hơn 1 tỉ đô la) tiền mặt và gửi ngân hàng của công ty, tăng trên 9.000 tỉ đồng so với đầu năm, trong khi giá trị tồn kho giảm mạnh, mới thấy doanh nghiệp này đã chủ động thu hẹp hoạt động kinh doanh, hạn chế đầu tư mới như thế nào, trước triển vọng kinh tế không mấy khả quan trong thời gian qua.
Bên cạnh những doanh nghiệp suy yếu, dĩ nhiên vẫn có những doanh nghiệp tiếp tục báo lãi lớn và tăng trưởng mạnh mẽ. Đã có gần 20 doanh nghiệp công bố lãi quí 2 trên 1.000 tỉ đồng, chủ yếu rơi vào nhóm ngân hàng và một số tập đoàn lớn như Vinhomes, Tổng công ty Khí Việt Nam, Vinamilk, FPT, Hòa Phát, Sabeco… Có xấp xỉ 30 doanh nghiệp sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau sáu tháng.
Kinh tế Sài Gòn Online