Cùng với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận (kỳ kế toán 1/7/2022 – 30/6/2023) tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu nhóm mía đường cũng diễn biến rất tích cực xét từ đầu năm đến nay. Loạt doanh nghiệp mía đường báo lãi tăng trưởng…
Dù giá đường trong tháng 7/2023 đã giảm so với cách đây 3 tháng, song giá hàng hóa này vẫn trong xu hướng tăng mạnh so với 1 năm trở lại đây. Cập nhật tại ngày 31/7/2023, giá đường đạt 23,9 USD/lb, tăng hơn 32,2% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia nhận định giá đường thế giới tăng gần đây chủ yếu do triển vọng nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi tại Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường trong niên vụ 2023-2024.
Với bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp mía đường đồng loạt công bố BCTC với kết quả doanh thu và lãi ròng tăng trưởng mạnh.
CTCP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) là cái tên đáng chú ý đầu tiên với doanh thu thuần quý IV/2023 (kỳ tài chính từ 1/4/2023 – 30/6/2023) đạt 550 tỷ đồng, tăng 152% so với cùng kỳ niên độ trước. Với việc giá vốn hàng bán tăng chậm hơn so với doanh thu, lãi gộp tăng mạnh 243% lên khoảng 231 tỷ đồng.
Cùng với đó, chi phí tài chính SLS trong kỳ ghi nhận giảm 65% xuống 2,3 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng tăng gấp hơn 2 lần lên 1,8 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 4,5 lần lên 6,8 tỷ đồng. Tính ra, SLS báo lãi ròng 224,6 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần so với niên độ kỳ trước.
Xét cả niên độ 2022-2023, doanh nghiệp đường này ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu thuần và 523 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 93% và tăng 179%. Đây là những con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử của SLS. Tính ra SLS đã vượt 51% mục tiêu doanh thu và 597% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong khi đó, CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCOM:QNS) quý II/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.078 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Do tốc độ giá vốn hàng bán tăng chậm hơn nên lợi nhuận gộp tăng mạnh 53% đạt 992 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí và thuế, QNS báo lãi 712 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm QNS đạt 5.148 tỷ đồng doanh thu và 1.196 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 33% và 76% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó, QNS đã vượt 19% mục tiêu lợi nhuận.
CTCP Mía Đường Lam Sơn (HoSE: LSS) cũng báo doanh thu thuần quý IV/2023 ( kỳ tài chính từ 1/4/2023 – 30/6/2023) đạt hơn 684,2 tỷ đồng, giảm 19,175 so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn và các chi phí, LSS báo lãi ròng hơn 10 tỷ đồng, giảm 31,9%.
Trong năm 2023, LSS báo doanh thu 1.542 tỷ đồng, giảm gần 21%; lãi ròng 24,4 tỷ đồng, tăng mạnh 201%.
Tương tự, CTCP Đường Kon Tum (HNX: KTS) trong quý IV/2023 gây ấn tượng với lãi ròng tăng gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 23,7 tỷ đồng. Tính trong cả kỳ báo cáo, KTS ghi nhận lãi sau thuế 38,2 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần.
CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận lãi ròng quý IV/2023 giảm gần 67% còn gần 74,7 tỷ đồng. SBT cho biết nguyên nhân lợi nhuận suy giảm là do ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường, dẫn đến chi phí lãi vay công ty tăng mạnh.
Xét kỳ BCTC niên độ 2022-2023, doanh thu thuần SBT đạt 24.831 tỷ đồng, tăng gần 35,2%. Lãi ròng 610,1 tỷ đồng, giảm 30,1%.
Triển vọng giá đường trong thời gian tới
Đi cùng với KQKD, cổ phiếu các doanh nghiệp mía đường cũng diễn biến tích cực. Bất chấp chịu sự điều chỉnh trong thời gian gần đây, song tất cả các mã tính từ đầu năm 2023 đến nay đều tăng điểm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu KTS và LSS tăng mạnh nhất ở mức lần lượt 149,6% và 108,1%. Các mã còn lại cũng diễn biến tích cực với SLS (+74,6%), QNS (+50,7%), CBS (+16,1%), SBT (+20,6%).
Mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường. Hiện tại, giá đường thế giới dù đã xuất hiện điều chỉnh từ đỉnh 11 năm, song vẫn neo ở mức cao nhất 7 năm. Giá bán đường thế giới duy trì mức cao là một trong những luồng thông tin tích cực góp phần giúp cổ phiếu nhóm mía đường bùng nổ.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 87.000 tấn tăng 16,6% cho niên độ 2022/2023. Giá đường trong nước được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Trong một báo cáo gần nhất, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (tăng 12% so với cùng kỳ) từ quý II/2023. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.
Bên cạnh đó, các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội trong tháng 5/2024. Tuy nhiên, SSI Research cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ít có tác động đến tiêu thụ đường trong nước. Vì vậy, đơn vị này cho rằng cũng cho rằng kết quả kinh doanh của ngành sẽ diễn biến khả quan trong thời gian tới.
Nhà đầu tư