Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm song Vinatex vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động. VGT: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán: VGT)đã công bố BCTC quý 2/2023 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó,…
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán: VGT)đã công bố BCTC quý 2/2023 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, riêng quý 2 doanh thu thuần đạt gần 3.910 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm không đáng kể nên lãi gộp còn 203 tỷ đồng, giảm tới 72% so với quý 2 năm ngoái.
Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt hơn 83 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ, lãi từ công ty liên kết cũng giảm 29%. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 19% và 26% so với cùng kỳ trong khi chi phí QLDN tăng thêm 28% lên 188 tỷ đồng khiến lãi thuần chỉ còn gần 11 tỷ đồng – giảm mạnh so với con số 605 tỷ đồng của quý 2/2022.
Nhờ có thêm hơn 44 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác nên Vinatex lãi sau thuế hơn 22 tỷ đồng, LNST công ty mẹ là 6 tỷ đồng – giảm 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, VGT đạt 8.119 tỷ đồng doanh thu thuần – giảm 15,5% so với cùng kỳ, LNST đạt 115 tỷ đồng – giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái, LNST công ty mẹ chỉ đạt 62,3 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, các doanh nghiệp của Tập đoàn tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm song doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động. Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đặc biệt đối với ngành Dệt may là ngành có số lượng lao động rất lớn.
Vinatex cho biết, trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62 nghìn lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức hơn 8 triệu đồng/người/tháng trong khi lẽ ra chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó trong 6 tháng đầu năm công ty mẹ phải trích lập dự phòng 75 tỷ đồng khiến lợi nhuận giảm mạnh.
Năm 2023, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.500 tỷ, lợi nhuận trước thuế 610 tỷ đồng, giảm khoảng 50% so với năm 2022. Như vậy kết thúc nửa đầu năm 2023, VGT mới chỉ hoàn thành được 46% mục tiêu về doanh thu và 28,4% mục tiêu về lợi nhuận.
Trước đó trong chia sẻ với báo chí, ông Cao Hữu Hiếu thành viên HĐQT của Vinatex cho biết:“Chưa bao giờ các doanh nghiệp với quy mô hàng nghìn lao động mà phải nhận những đơn hàng từ 500 – 1000 chiếc áo”.Mặt hàng không đúng sở trường vẫn phải nhận để đảm bảo sản xuất. Trong khi đó, đơn giá hàng may lại giảm sâu, giá gia công của nhiều đơn vị ngành may có những mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với tăng trưởng doanh số dự báo 1 -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường Châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%).
Các nhãn hàng cũng đòi hỏi khắt khe hơn, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Tuy nhiên, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, dự đoán bắt đầu từ quý 4/2023, các thị trường, đặc biệt là thị trường sợi sẽ có diễn biến tích cực hơn khi mà một số dấu hiệu của các nền kinh tế lớn, các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đã khởi sắc, khiến cầu về dệt may tăng trở lại.
Nhịp sống thị trường