Chuyên gia cho rằng đặt cược vào sự phục hồi của ngành bất động sản ở thời điểm này là hợp lý. Tuy nhiên, khi lựa chọn nhóm này cũng nên quản trị, lựa chọn cổ phiếu, quan tâm tới câu chuyện bán hàng, tình hình tài chính tốt. Đóng cửa…
Đóng cửa phiên thứ 6 tuần trước, VN-Index tăng 10,34 điểm (0,86%), lên mức 1.207,67 điểm. Thị trường chứng khoán có tuần giao dịch đầy hưng phấn khi bên mua áp đảo và hấp thụ hoàn toàn lượng cung trên thị trường. Dòng tiền liên tục đổ vào thị trường và khối ngoại quay lại mua ròng khá lớn đã tạo động lực giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm trong tuần qua sau gần 1 năm.
Liệu sau giai đoạn tăng tốt, thị trường có đối diện áp lực điều chỉnh? Nhóm cổ phiếu bất động sản có tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư?… Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên gia xoay quanh các vấn đề đang là tâm điểm của thị trường:
Không có những pha điều chỉnh quá lớn
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank (MSVN)
Thị trường đã có tháng 7 giao dịch thành công với phần lớn phiên tăng điểm. Sau giai đoạn tăng, về ngắn hạn thị trường tiềm ẩn rủi ro về điều chỉnh. Tuy nhiên, về trung hạn thị trường vẫn ở xu hướng tăng, được ủng hộ thông qua việc giá lên và độ lành mạnh của giá lên.
Nếu quan sát đợt giá lên vừa qua sẽ thấy thanh khoản thị trường cũng nở ra theo, cho thấy việc đi lên tương đối lành mạnh, không phải được kéo lên nhờ các yếu tố nào đó. Tôi cho rằng, chất lượng đợt tăng trong xu hướng trung hạn lần này khá ổn, chưa có gì phải lo ngại.
Trong ngắn hạn vài tuần, thị trường tồn tại rủi ro rung lắc điều chỉnh. Tình huống này đã được dự kiến xảy ra trong tháng 7 nhưng thực tế gần như không có pha điều chỉnh nào đáng kể. 1,2 tuần gần đây, đặc biệt tuần vừa qua, nhìn yếu tố dòng tiền cho thấy dòng tiền nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng, chốt lời. Tuy nhiên, điểm hay thị trường vẫn không chỉnh, mức độ hấp thụ của các dòng tiền đặc biệt là khối ngoại khá tốt.
Tôi cho rằng, với tình huống trên, khi nhà đầu tư cá nhân trong nước chốt lời thêm mà không thấy thị trường giảm thì có thể sẽ quay lại mua. Bởi vì đặc tính dòng tiền cá nhân trong nước rất linh hoạt, độ nóng vội dòng tiền này luôn cao hơn so với các dòng tiền khác. Với tình huống nhà đầu tư cá nhân chốt lời mà thị trường vẫn lên thêm thì khả năng không có những pha điều chỉnh quá lớn ở giai đoạn hiện tại. Thị trường có thể lình xình đi ngang vài ngày, thậm chí có thể tiếp tục lên.
Về dài hạn, như các chuyên gia MSVN vừa đề cập trong báo cáo mới đây, thị trường từ nay tới cuối năm phù hợp ở vùng 1.300 điểm. Một yếu tố ủng hộ thị trường là mặt bằng lãi suất giảm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,5%. Với P/E thị trường thì lợi tức đầu tư thị trường chứng khoán khoảng 7,5% trở lên, với mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm thêm, dư địa thị trường tăng tiếp từ nay tới cuối năm là khả thi.
Với bất động sản, gần đây có nhiều đánh giá thị trường bất động sản có thể ấm lại trong quý IV/2023, thay vì nhận định trước đó phải đến nửa đầu năm 2024. Đặc biệt, sau vài thành công mở bán dự án mới của một số doanh nghiệp, trong đó có dự án của Vinhomes tại Thủ Đức, câu hỏi được đặt ra có phải thị trường sẽ ấm nhanh hay không?. Theo quan điểm của MSVN, với mặt bằng lãi suất đang hạ, kỳ vọng hồi phục thị trường bất động sản là có.
Nhưng thị trường chứng khoán đơn giản hơn, đi trước thị trường bất động sản. Khi mặt bằng lãi suất có dấu hiệu chững lại và giảm, sự dịch chuyển dòng tiền qua kênh chứng khoán dễ hơn so với bất động sản, hay nói cách khác là độ “tan băng” thị trường chứng khoán vẫn nhanh hơn vì tính linh hoạt của thị trường.
Tất nhiên, tôi cho rằng, pha tiếp theo của chứng khoán vẫn cần nhìn vào thị trường bất động sản hồi phục như thế nào, nền kinh tế ra sao từ quý III, IV năm nay. Nếu tình hình đạt được kỳ vọng của giới đầu tư bên thị chứng khoán thì thị trường vẫn có cơ hội đi lên. Nhưng nếu thực tế diễn ra không đạt như kỳ vọng về sự hồi phục nền kinh tế, thị trường bất động sản, lãi suất không hạ nhanh, mạnh thì tiềm ẩn rủi ro thị trường có thể có pha điều chỉnh mạnh. Nhưng điều này phải quan sát sau 1, 2 tháng tới, còn trong ngắn hạn 1, 2 tháng hướng đi lên thị trường vẫn khá lành mạnh.
Với nhà đầu tư cá nhân, tôi cho rằng họ “nhảy nhót” hơi nhiều. Khi xu hướng trung hạn của thị trường đang ổn, nhà đầu tư nên dành sự quan tâm đủ lớn với việc giải ngân, có một tỷ trọng danh mục cổ phiếu nhiều hơn. Cũng không nên quá e ngại về pha điều chỉnh tiềm ẩn của thị trường, bởi thị trường có lên có xuống nhưng quan trọng là trong trung dài hạn đang ổn.
Về lựa chọn cổ phiếu, khi thị trường đi lên một khoảng tương đối, việc lựa chọn cổ phiếu cần chọn lọc hơn, phân hóa hơn là đồng đều. Nên quan tâm nhóm ngành có thể nhìn thấy cơ hội, câu chuyện một trong vài tháng, vài quý tới. Như ngành dầu khí, ngân hàng, là những nhóm ngành vẫn thể hiện bức tranh kinh doanh giữ được phong độ tốt, nhóm ngành an toàn hơn như phân đạm…
Hay câu chuyện kết quả kinh doanh tăng mạnh khi nền kinh tế hồi phục rõ nét trong quý III và IV năm nay. Nhóm ngành đầu tiên phải kể đến là bất động sản. Nếu thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu ấm lên vào cuối năm, đây là nhóm có thể cân nhắc. Nhưng khi lựa chọn nhóm này cũng nên quản trị, lựa chọn cổ phiếu có độ lành mạnh, quan tâm tới câu chuyện bán hàng, tình hình tài chính tốt. Tùy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nhưng tôi cho rằng, nên chú ý cổ phiếu có tính an toàn trong nhóm, vừa hưởng lợi nhóm ngành nhưng giữ được độ ổn định.
Về khối ngoại. Gần đây dòng tiền ETF quay trở lại thị trường Việt Nam khá tốt, ít nhất 3 tuần qua. Điều này cho thấy mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài là có. Dự kiến, sẽ có vài dòng tiền mới từ Hàn Quốc tham gia thị trường, kỳ vọng sẽ tạo ra mức độ mua ròng cân bằng tương đối trở lại so với hướng bán ròng trước. Tôi vẫn giữ sự lạc quan cho tình huống giao dịch của khối ngoại hiện nay.
Đặt cược vào nhóm bất động sản là hợp lý
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chuyên viên tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân cao cấp, CTCK MB (MBS)
VN-Index duy trì đà tăng điểm tuần thứ 4 liên tiếp với khối lượng giao dịch đạt ở mức cao nhất trong 5 tháng trở lại đây cho thấy tâm lý đầy tích cực của nhà đầu tư.
Với lực tăng bền bỉ và liên tục của biểu đồ tuần, VN-Index chỉ điều chỉnh 1 phiên trong tuần và sau đó tiếp tục tăng. Xung lực này khá mạnh mẽ mặc dù có nhiều thông tin không quá tích cực từ báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023.
Tôi cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng” và phân hóa dòng tiền mạnh mẽ. Cụ thể, nhóm trụ với kết quả kinh doanh cũng như kỳ vọng tương lai tốt sẽ tiếp tục tăng và kéo theo đó là VN-Index tăng mạnh theo. Trong đó các doanh nghiệp Midcap có kết quả kinh doanh không tốt sẽ bắt đầu giảm, dòng tiền sẽ rời khỏi những mã này và tìm kiếm những mã có kết quả kinh doanh tốt.
Tôi cho rằng VN-Index sẽ không có quá nhiều áp lực điều chỉnh, nếu có cũng chỉ là điều chỉnh trong 1-2 ngày, sau đó sẽ tiếp tục tăng. Động lực tăng của thị trường là những kỳ vọng về việc giảm lãi suất trong tương lai của Chính phủ, chính sách tài khóa, đầu tư công nhiều và giải ngân nhanh hơn.
Ngoài việc giảm lãi suất điều hành, Chính phủ còn cho phép doanh nghiệp gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu, gỡ bỏ các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các quy định về việc cho phép trả nợ bằng tài sản cũng chính là một biện pháp gỡ rối cho bất động sản.
Các chính sách này đều đang hỗ trợ rất tốt cho kinh tế đất nước nói chung và ngành bất động sản nói riêng. Vì vậy đặt cược vào sự phục hồi của ngành bất động sản ở thời điểm này là rất hợp lý.
Giai đoạn hiện tại nhà đầu tư nên chọn một vài chiến lược đầu tư. Thứ nhất, chọn danh mục gồm những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng năm 2023 tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ và giá cũng đang trong xu hướng tăng.
Thứ hai, chọn danh mục gồm những doanh nghiệp bất động sản, kỳ vọng vào các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản cũng như kích cầu nền kinh tế.
Thứ ba, chọn doanh nghiệp đầu tư công, có khả năng trúng thầu gói thầu 5.10 sân bay quốc tế Long Thành cũng như trúng thầu các dự án đầu tư công lớn khác. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, thời điểm đầu tư tốt nhất vào các doanh nghiệp này chính là lúc chưa công bố thông tin.
Thị trường tài chính tiền tệ