Niêm yết trên thị trường nước ngoài và câu chuyện tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại

(KTSG) – Một khi đã chấp nhận niêm yết trên thị trường quốc tế, các ngân hàng lẫn cơ quan quản lý có thể phải chấp nhận tiếp tục nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao hơn nữa, thậm chí ở mức tự do để phù hợp…

Fatz Admin lúc 2023-07-12

(KTSG) – Một khi đã chấp nhận niêm yết trên thị trường quốc tế, các ngân hàng lẫn cơ quan quản lý có thể phải chấp nhận tiếp tục nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao hơn nữa, thậm chí ở mức tự do để phù hợp với các quy định của thị trường nước sở tại, cũng như để thu hút các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế tham gia. Đây sẽ là một rào cản không nhỏ.

VPBank nằm trong nhóm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Ảnh: LÊ VŨ

Ai có thể được chọn?

Trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, một trong những mục tiêu đặt ra là “Phấn đấu có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại (NHTM) nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1-2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế”.

QUẢNG CÁO

Có thể thấy việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đẩy mạnh trong những năm qua và gần như đã hoàn thành, khi đã có 27/35 ngân hàng đã niêm yết, còn lại là những tổ chức yếu kém, đang phải tái cấu trúc hoặc chưa cổ phần hóa (như Agribank). Tuy nhiên, riêng mục tiêu niêm yết trên thị trường quốc tế có lẽ sẽ gặp không ít thách thức, do những đặc thù hiện nay của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Về ngân hàng được chọn niêm yết trên thị trường quốc tế, đầu tiên có thể là một NHTM gốc quốc doanh, khi trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” trước đây, ở kế hoạch cơ cấu lại NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, từng nêu ra giải pháp “Lựa chọn cổ đông chiến lược, đảm bảo có ít nhất một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế”.

Trong số các ngân hàng Vietcombank (HOSE: VCB), VietinBank (HOSE: CTG) và BIDV (HOSE: BID) có vốn nhà nước, tất thảy đều đã có cổ đông chiến lược nước ngoài, với VCB là ngân hàng Mizuho của Nhật Bản sở hữu 15% từ năm 2011, VietinBank có The Bank of Tokyo – Misubishi UFJ cũng của Nhật Bản sở hữu gần 20% từ năm 2012 và BIDV có KEB Hana Bank của Hàn Quốc sở hữu 15% từ năm 2019.

Các chứng chỉ lưu ký được phát hành dựa trên cơ sở cổ phiếu đang lưu hành không dẫn đến phát hành cổ phiếu mới, nên các nhà đầu tư hiện hữu không bị pha loãng giá trị cổ phiếu họ đang sở hữu, tổ chức cũng sẽ kiểm soát được tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì tổng số lượng cổ phiếu đã phát hành luôn nằm trong ngưỡng hạn chế sở hữu nước ngoài.

Tuy nhiên, VCB vẫn có cơ hội cao hơn khi đây là ngân hàng đảm bảo hiệu quả hoạt động lẫn khả năng quản trị rủi ro thuộc tốp đầu hiện nay.

Số liệu cho thấy ngân hàng nhiều năm qua liên tục là quán quân lợi nhuận trong ngành với lợi nhuận tuyệt đối đã vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ, trong khi tỷ lệ nợ xấu là 0,68%, dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỉ đồng.

Tỷ lệ dự phòng bao gồm nợ xấu nội bảng là 317%, có nghĩa, cứ 1 đồng nợ xấu thì ngân hàng có 3,17 đồng dự phòng bao phủ, cao nhất ngành ngân hàng.

Ngoài ra, quy mô vốn hóa thị trường của ngân hàng tính đến ngày 22-6-2023 đã lên tới 20,1 tỉ đô la Mỹ, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam và nằm trong nhóm 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Do đó, nếu VCB được chọn để niêm yết, xác suất thành công sẽ cao hơn và có thể là món hàng hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư ở thị trường quốc tế nhiều hơn.

Kế tiếp có thể là một NHTM cổ phần tư nhân có hiệu quả hoạt động tốt và cơ cấu cổ đông đa dạng. Đáng chú ý gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có đề xuất cho phép các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 30% lên 49%.

Chính sách này cũng phù hợp với xu thế hội nhập, vì theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA), trong năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết xem xét cho phép hai tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của hai ngân hàng Việt Nam.

Điều này đồng nghĩa với các ngân hàng này có thể bán thêm vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trong thời gian tới. Và để đảm bảo thành công, không loại trừ khả năng các tổ chức này sẽ đề xuất được chuyển sang niêm yết trên thị trường quốc tế, vì thực tế hiện nay để thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong khi niêm yết ở thị trường nội địa là không dễ dàng, vì vẫn còn nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết tỷ lệ 30% nhưng chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài.

Ngoài VCB cũng nằm trong nhóm bốn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, ba ngân hàng còn lại là VPBank (HOSE: VPB), MBBank (HOSE: MBB) và HDBank (HOSE: HDB) đều có thể đứng trước cơ hội này.

Tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài

Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận niêm yết trên thị trường quốc tế, các ngân hàng lẫn cơ quan quản lý có thể phải chấp nhận tiếp tục nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên mức cao hơn nữa, thậm chí ở mức tự do để phù hợp với các quy định của thị trường nước sở tại, cũng như để thu hút các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế tham gia.

Đây sẽ là một trong những rào cản không nhỏ đối với những NHTM gốc quốc doanh như VCB, vì cùng với ba ngân hàng khác là VietinBank, BIDV hay Agribank, các tổ chức này từ trước đến nay luôn được xem là “cánh tay nối dài” trong thực thi chính sách tiền tệ, ổn định thị trường tài chính của Chính phủ và NHNN, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được yêu cầu trong những giai đoạn nhất định.

Trong mục tiêu tăng vốn sắp tới của VCB, ngoài giải pháp trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại, ngân hàng này cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ với mức 6,5% của vốn Nhà nước, kỳ vọng nâng tổng giá trị vốn điều lệ của ngân hàng lên tới 83.000 tỉ đồng, mức cao nhất hệ thống tổ chức tín dụng. Khi đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm còn khoảng 70% nhưng vẫn giữ vị trí chi phối, do đó kịch bản mà NHNN giảm tỷ lệ sở hữu tại VCB về dưới 50% là khó có thể xảy ra.

Ngay cả với những ngân hàng khác, việc nới thêm tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng sẽ không phải dễ dàng, vì nhóm ngân hàng luôn được xem là lĩnh vực có những ảnh hưởng quan trọng lên an ninh kinh tế, chính trị và xã hội. Ngoài ra, theo cơ chế Ratchet tại Hiệp định CPTPP, các nước thành viên không đảo ngược tiến trình tự do hóa. Điều đó có nghĩa, khi Việt Nam điều chỉnh tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt giới hạn 30% vốn điều lệ của NHTM cổ phần, nếu cần thiết Việt Nam không thể điều chỉnh giảm trở lại.

Để niêm yết ở thị trường nước ngoài, doanh nghiệp nói chung có thể lựa chọn theo hai hình thức là niêm yết cổ phiếu hoặc niêm yết chứng chỉ lưu ký.

Ở hình thức thứ nhất, nhà đầu tư ở thị trường nước ngoài mua cổ phiếu doanh nghiệp trong nước niêm yết ở nước ngoài sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp trong nước và cũng có đầy đủ các quyền lợi như các nhà đầu tư mua cổ phiếu tại thị trường trong nước. Dĩ nhiên, các tổ chức cũng có thể lựa chọn phát hành các cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết, nhưng có lẽ như vậy sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Do đó, để hạn chế pha loãng tỷ lệ sở hữu cũng như tránh rào cản về room ngoại, các ngân hàng có thể lựa chọn hình thức thứ 2 là phát hành và niêm yết chứng chỉ lưu ký ở thị trường nước ngoài, công cụ mà nhiều quốc gia hiện nay đang lựa chọn.

Các chứng chỉ lưu ký được phát hành dựa trên cơ sở cổ phiếu đang lưu hành không dẫn đến phát hành cổ phiếu mới, nên các nhà đầu tư hiện hữu không bị pha loãng giá trị cổ phiếu họ đang sở hữu, tổ chức cũng sẽ kiểm soát được tỷ lệ sở hữu nước ngoài vì tổng số lượng cổ phiếu đã phát hành luôn nằm trong ngưỡng hạn chế sở hữu nước ngoài.

Bên cạnh đó, có những tổ chức đầu tư ở nước ngoài, chẳng hạn như quỹ hưu trí ở Mỹ, luật pháp của nước này không cho phép họ được đầu tư trực tiếp ra các thị trường chứng khoán nước ngoài, nhưng với sản phẩm chứng chỉ lưu ký thì họ lại được phép tham gia đầu tư. Vì vậy, phương án phát hành và niêm yết chứng chỉ lưu ký trên thị trường quốc tế cũng sẽ mở rộng được đối tượng nhà đầu tư.

Dù vậy, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc xem xét nới dần tỷ lệ sở hữu nước ngoài, không chỉ ở các ngân hàng có mục tiêu niêm yết trên thị trường quốc tế, mà ngay cả ở những ngân hàng đang niêm yết trên thị trường nội địa, cũng là điều cần thiết.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao nội lực tài chính, các hệ số an toàn theo chuẩn quốc tế của các ngân hàng trong những năm tới, bằng cách liên tục tăng vốn, nâng cao khả năng quản trị rủi ro, đồng thời phải kiểm soát được tỷ lệ sở hữu chéo, trong khi nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước có những hạn chế nhất định, việc thu hút tổ chức tài chính quốc tế chuyên nghiệp tham gia vào các ngân hàng trong nước để đa dạng hóa cơ cấu cổ đông là một chiến lược phù hợp.

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.