Chứng khoán nửa cuối năm: Khó bùng nổ vì nút thắt từ trái phiếu doanh nghiệp

Dù thị trường chứng khoán đang có những diễn biến tích cực, song trong 6 tháng cuối năm, VN-Index được dự báo khó có sự bùng nổ nếu các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh Gia Huy Sau đà hồi phục ấn tượng…

Fatz Admin lúc 2023-07-06

Dù thị trường chứng khoán đang có những diễn biến tích cực, song trong 6 tháng cuối năm, VN-Index được dự báo khó có sự bùng nổ nếu các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ.

Chứng khoán nửa cuối năm: Khó bùng nổ vì nút thắt từ trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh Gia Huy

Sau đà hồi phục ấn tượng đầu năm 2023, VN-Index đối mặt với áp lực giảm điểm trước những rủi ro từ cả trong và ngoài nước. Dù vậy, nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index đã tăng 10,74%, nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trên toàn cầu, vượt bậc so với các thị trường trong khối ASEAN.

Mức tăng giá của thị trường được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công, xây dựng & vật liệu xây dựng. Đây đều là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của NHNN và Chính phủ.

QUẢNG CÁO

Thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng trở lại kể từ tháng 4, nhiều nhà đầu tư sau thời gian dài đứng ngoài đã bắt đầu giao dịch trở lại hoặc dịch chuyển dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán. Song song với sự hồi phục của thanh khoản, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 104.624 tài khoản trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Về diễn biến của nhà đầu tư nước ngoài, khối này có xu hướng bán ròng mạnh mẽ ở các tuần cuối tháng 5. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, khối ngoại mua ròng 2.140 tỷ đồng. Riêng trong quý 2/2023, HPG, IDP, STG, SSI, VIC là các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, họ bán ròng nhiều nhất các cổ phiếu VNM, CTG, VPB, NVL, STB.

Săn cơ hội

VNDirect nhận định dòng tiền vào thị trường bắt đầu có sự hồi phục, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường dần đang được cải thiện. Do đó, đây là thời điểm “thích hợp” đề nhà đầu tư quay trở lại thị trường và xây dựng danh mục đầu tư để đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Cũng theo nhóm phân tích này, với kỳ vọng lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm trong những tháng tới và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết phục hồi từ quý 3 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được trả mức định giá cao hơn.

Cụ thể, mặc dù EPS của một số doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng âm trong nửa đầu năm nhưng VNDirect kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ phục hồi trong giai đoạn 2023-2024 nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ đạt lần lượt là 10,4% và 19,3% cho năm 2023 và 2024.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm trong 6 tháng cuối năm 2023, tương đương với P/E năm 2023 là 13,3 lần. Song rủi ro giảm giá bao gồm: dòng vốn đầu tư gián tiếp rút ra trong bối cảnh Fed duy trì chính sách lãi suất cao và suy thoái kinh tế Mỹ và châu Âu mạnh hơn dự kiến. Nhóm phân tích này cũng đưa ra hai luận điểm đầu tư chính cho 6 tháng cuối năm 2023.

Đầu tiên là lãi suất thấp hơn sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như xây dựng & vật liệu xây dựng và bất động sản. Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. Thứ hai, đầu tư công như một phần của chính sách tài khóa mở rộng vẫn là câu chuyện đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2023.

Trong Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023, Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng sẽ có 5 yếu tố chính định hình xu hướng thị trường.

Một là, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất. KBSV dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại về quanh mức 6,7% (giảm 1,3% so với đầu năm, và giảm 0,25% so với thời điểm hiện tại).

Lãi suất cho vay, dù có độ trễ (do chi phí huy động vốn của ngân hàng cần thời gian để hạ, rủi ro nợ xấu khi nền kinh tế suy yếu, nhu cầu tín dụng thấp), tuy nhiên cũng sẽ có xu hướng giảm là chủ đạo với mức giảm so với đầu năm ở mức 1% – 1,3%.

Hai là, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. KBSV hạ dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường từ 5% xuống còn 0,5% so với cùng kỳ 2022, sau khi số liệu quý 1 công bố cho thấy sự suy yếu mạnh hơn ước tính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ba là, chính sách tiền tệ của Fed. Trong bối cảnh áp lực lạm phát trong nước đã hạ nhiệt, KBSV cho rằng việc Fed giữ nguyên quan điểm diều hâu ở thời điểm đang là yếu tố rủi ro chính cản trở xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, qua đó tiềm ẩn các rủi ro đối với thị trường.

Bốn là, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nhóm phân tích này nhận định nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị từ trước, các tác động về mặt tâm lý được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú “shock” như năm 2022. Trên thực tế, một số sự kiện chậm trả lãi và gốc đã diễn ra từ cuối 2022 đến nay với quy mô không nhỏ nhưng tác động lên thị trường chung là không đáng kể.

Cuối cùng là rủi ro suy thoái tại Mỹ. Một trong số các rủi ro lớn nhất mà thị trường Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt trong giai đoạn nửa cuối năm đó là việc mặt bằng lãi suất Mỹ duy trì ở mức cao đang làm gia tăng rủi ro suy thoái tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Kinh tế của Việt Nam cũng như thị trường sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dòng vốn đầu tư sụt giảm, xuất khẩu suy yếu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết kém khả quan.

Dựa vào phân tích và đánh giá 5 yếu tố trên, Chứng khoán KB giữ nguyên dự báo VN-Index thời điểm cuối năm đạt 1.240 điểm. Một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro tác động lên dự phóng của KBSV bao gồm: áp lực tỷ giá quay trở lại khiến lãi suất tăng trở lại, suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất hiện sự đổ vỡ lớn trên thị trường TPDN.

Về phần mình, MBS cho rằng VN-Index sẽ khó có sự bùng nổ về điểm số nếu như các nút thắt về TPDN vẫn chưa được tháo gỡ cũng như lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đủ ở mức khiến NHTW các nước mạnh tay đảo ngược chính sách tiền tệ.

Nhóm phân tích này dự báo VN-Index sẽ hướng về vùng 1.155 – 1.200 trong nửa cuối năm 2023 trên cơ sở lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong năm 2023 và định giá PE thị trường trong khoảng 12 – 12,5 lần. Động lực tăng của thị trường là xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ phục hồi trên nền thấp của nửa năm ngoái. Hướng ngược lại, rủi ro của thị trường đến từ áp lực thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến TPDN vẫn hiện hữu.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.