Xét về thị trường chứng khoán, có hai yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến xu hướng của thị trường. Yếu tố đầu tiên đó là lãi suất và thanh khoản, yếu tố thứ hai đó là kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận…
Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, trong khi đó lạm phát cũng đang dần hạ nhiệt ở các quốc gia. Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước giảm lãi suất điều hành, tính đến nay cũng đã có 4 lần hạ lãi suất liên tiếp giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã gia tăng mạnh mẽ trở lại.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank đã đưa ra những dự báo về xu hướng lãi suất trong thơi gian tới cũng cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Mới đây, FED đã chính thức tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, vậy có khả năng FED sẽ quay đầu giảm lãi suất?
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank
Theo dõi những số liệu về vĩ mô của Mỹ, cũng như trong biểu đồ dot-plot, là biểu đồ tổng hợp dự đoán của các bên liên quan thì vẫn đang kỳ vọng phải có hai đợt tăng nữa. Mục tiêu lạm phát mà FED muốn đạt được là xuống dưới mức 2% về dài hạn. So với mức mục tiêu đó và mức hiện tại chúng tôi cho rằng vẫn còn một quãng đường nữa mà FED phải đi. Thậm chí, chúng ta có thể phải chờ đợi một kịch bản FED có thể tăng lãi suất ít nhất là một lần nữa khoảng 0,25% sau đó lãi suất sẽ được giữ nguyên trong cả năm, cho đến khi lạm phát gần tiệm cận với mục tiêu mà họ mong muốn, chúng ta mới có thể chờ đợi FED chuyển hướng chính sách, hoặc khi nền kinh tế Mỹ có chiều hướng suy yếu nhanh hơn dự kiến. Nhưng hiện tại các chỉ số về thị trường lao động của Mỹ vẫn đang mạnh nên chúng tôi cho rằng năm nay chúng ta chưa thể kì vọng có việc giảm lãi suất ngay.
Trong bối cảnh đó nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế trên thế giới, thay vì lo lắng về lạm phát và lãi suất tăng, cần tính đến khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, ý kiến của ông ra sao?
Hiện tại, mức dự đoán nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái đang ở tỷ lệ khoảng 70% và mức độ suy thoái thì mọi người cũng đang kỳ vọng chỉ là mức độ suy thoái nhẹ và khoảng thời bắt đầu từ quý I năm sau, chứ chưa phải là diễn ra ngay. Cộng với mục tiêu lạm phát như tôi phân tích ở trên thì FED vẫn còn một chặng đường nếu chúng ta so sánh từ đỉnh lạm phát cho đến mức lạm phát mục tiêu. Bởi vì, đối với cơ quan quản lý nhà nước thì lạm phát đáng sợ hơn mục tiêu về tăng trưởng. Bởi vì lạm phát một khi đã trượt khỏi tầm tay sẽ gây ra những yếu tố khó kiểm soát. Như vậy, FED sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu lạm phát của mình trước, trước khi mà tính đến các yếu tố về suy thoái kinh tế.
Tại Việt Nam, NHNN đã có sự phản ứng đi trước hạ lãi suất hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Và sau những diễn biến mới từ các nền kinh tế đầu tàu, NHNN Việt Nam còn dư địa để giảm tiếp hay không?
Nếu so sánh với thị trường Mỹ thì kinh tế Việt Nam chúng ta hơi đặc biệt, khi cuối tháng 10 chúng ta phải đẩy việc tăng lãi suất lên rất mạnh để kiểm soát vấn đề về tỷ giá. Khi lãi suất tăng mạnh như vậy cộng với tình trạng thanh khoản bị hạn chế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cộng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp gây ra hiệu ứng làm ảnh hưởng đến phần thu nhập của nhiều người dân và doanh nghiệp. Và GDP quý I chỉ tăng trưởng trên 3,3%, gần với mức thời covid. Điều đó đã khiến cho cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá lại tình hình. Bên cạnh đó, nhìn sang bối cảnh xuất khẩu cũng như là việc thu hút vốn FDI cũng bị chậm lại thì chúng ta đã phải tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành sớm hơn các nước khác. Lạm phát của Việt Nam cũng đã giảm nhanh hơn so với các nước khác, về mức dưới 3% trong hồi tháng 5 vừa rồi, và chắc tháng 6, lạm phát vẫn sẽ rất ổn, cộng với việc năm nay tỷ giá không còn áp lực nào nữa, cùng với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi trở lại, chúng ta đã cắt lãi suất điều hành bốn lần. Nhưng có một phần lãi suất rất quan trọng, đó là trần lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng chúng ta mới giảm ba lần, như vậy lãi suất huy động đã giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Nguồn vốn huy động ở mức lãi suất cao trong giai đoạn 3 – 4 tháng trước vẫn còn ảnh hưởng đến chi phí vốn của ngân hàng. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ mất khoảng 3 – 4 tháng nữa để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành, nó lan qua lãi suất cho vay. Và chúng tôi tính toán, để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường và gọi là khỏe mạnh cho nền kinh tế, thì lãi suất cho vay phải giảm khoảng 1,5% so với mức hiện tại. Dựa trên phân tích, chúng tôi rằng lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa, có thể là trong vòng ba tháng tới.
T hị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã có những phiên phục hồi tích cực sau những diễn biến tốt hơn từ nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ, vậy theo ông đà phục hồi này sẽ tiếp diễn trong bao lâu?
Xét về thị trường chứng khoán, có hai yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến xu hướng của thị trường. Yếu tố đầu tiên đó là lãi suất và thanh khoản, yếu tố thứ hai đó là kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đối với yếu tố lãi suất và thanh khoản chúng ta đã thấy trạng thái chuyển đổi từ thắt chặt từ hồi cuối quý IV/2022 và thậm chí đầu quý I/2023 vừa qua sang trạng thái nới lỏng hơn, lãi suất giảm và thanh khoản bắt đầu quay trở lại, điều đó đã giúp cho thị trường phục hồi tốt trong giai đoạn vừa qua. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức sinh lời khoảng 10-11%, tốt nhất trong khu vực ASEAN. Và chúng tôi thấy rằng, lãi suất giảm giúp cho thanh khoản duy trì ở mức 700 đến 800 triệu USD/ngày hoàn toàn khả thi và có thể giúp thị trường tăng trưởng thêm một chặng nữa, theo chúng tôi kỳ vọng đâu đó khoảng 7%. Sau đó, thị trường sẽ chuyển sang tập trung vào câu chuyện đánh giá tốc độ phục hồi của kinh tế và doanh nghiệp, đối với yếu tố này sẽ có nhiều biến số hơn. Mặc dù chúng ta có câu chuyện về lãi suất giảm, đẩy mạnh đầu tư công nhưng bên cạnh đó, các yếu tốt liên quan đến tình hình xuất khẩu có phục hồi kịp hay không, kinh tế Mỹ liệu có suy thoái như thế nào, hay kinh tế Trung Quốc phục hồi ra sao…vẫn còn khó đoán định.
Nếu đi vào sâu hơn, chúng ta đều thấy là trong thời gian qua nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng giao dịch không sôi động bằng nhóm vốn hóa vừa và hóa nhỏ, liệu thời gian tới nhóm vốn hóa lớn có bứt phá hơn?
Nếu chúng ta nhìn vào cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một đặc điểm là nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỉ trọng rất cao, hơn 85% trong tổng giao dịch hàng ngày. So với các nước ASEAN trung bình chỉ đâu đó 34%, thì đây là một tỉ lệ rất cao. Và đặc điểm của dòng tiền cá nhân là họ sẽ chạy theo những phân tích kỹ thuật, hay theo những yếu tố về tâm lý hoặc những câu chuyện ngắn hạn. Như vậy, những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá tốt hơn so với những cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó thì dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn chưa quay trở lại thị trường một cách rõ ràng. Chỉ khi nào chúng ta bước vào trạng thái kinh tế phục hồi tốt hơn, đặc biệt là những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp được khắc phục chưa, thị trường bất động sản đã có những chính sách như thế nào…lúc đó dòng tiền ngoại mới quay lại. Khi đó, chúng ta mới có thể kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo quan điểm của chúng tôi càng giai đoạn về cuối năm, khi triển vọng về phục hồi kinh tế cũng như các ngành, hay những công ty lớn chứng tỏ được nội lực trong việc đi qua cơn bão và họ vẫn duy trì được tăng trưởng tốt thì dòng tiền sẽ quay lại dần đối với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn.
Nhịp Sống Thị Trường