Khai thác dữ liệu: bước tiến tiếp theo của xã hội không tiền mặt

(KTSG Online) – “Nền kinh tế dữ liệu” đang từng bước hình thành trong lộ trình phát triển, mở rộng các dịch vụ ứng dụng, thanh toán không tiền mặt. Sau xu hướng thanh toán số nở rộ, sẽ là dịch vụ tài chính số, mà bước đầu tiên là…

Fatz Admin lúc 2023-06-18

(KTSG Online) – “Nền kinh tế dữ liệu” đang từng bước hình thành trong lộ trình phát triển, mở rộng các dịch vụ ứng dụng, thanh toán không tiền mặt. Sau xu hướng thanh toán số nở rộ, sẽ là dịch vụ tài chính số, mà bước đầu tiên là tập trung thu thập và khai thác các nhóm dữ liệu rời rạc.

Khách hàng trải nghiệm tại lễ hội thanh toán không tiền mặt đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Ngày không tiền mặt. Ảnh: Q.Đ.

Dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu đang là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Đây là chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội” do Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (thuộc NHNN) phối hợp với báo Tuổi Trẻ và các đơn vị liên quan tổ chức vào ngày 16-6.

Tại sự kiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt. Trong thời gian tới, TPHCM cũng sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề.

QUẢNG CÁO

Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết, hơn 20 năm trước, dữ liệu giao dịch chỉ thực hiện trong ngành ngân hàng. Còn trong giai đoạn số hóa mạnh mẽ hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, việc thanh toán và chia sẻ hạ tầng ngày càng đóng góp vai trò lớn hơn, giúp giao tiếp, sinh hoạt của người dân thuận tiện hơn nhờ sự nở rộ của các phương tiện thanh toán như tài khoản, thẻ, ví điện tử, mobile money…

Cơ hội mở rộng dịch vụ ngày nay còn lớn hơn khi phổ biến phương tiện thanh toán không tiền mặt sang các lĩnh vực khác. Chẳng hạn như NAPAS đang thử nghiệm sử dụng thẻ ngân hàng NAPAS để thanh toán cho chuyến đi bằng cách chạm thẻ vào thiết bị trên xe buýt (thử nghiệm với xe buýt điện Vinbus vào tháng 12-2021). Hiện đã có 20 ngân hàng phát hành tham gia và 4 ngân hàng đang triển khai dịch vụ.

“Chúng tôi mong muốn toàn bộ nền kinh tế tận dụng hạ tầng của ngành ngân hàng. Thẻ ngân hàng chính là thẻ thông minh, giúp mua bán sản phẩm, dịch vụ hàng hóa thông thường và thâm nhập vào mọi hoạt động đời sống của người dân”, đại diện Napas, đơn vị cung cấp hạ tầng kết nối thanh toán, nói về định hướng phát triển.

Hội thảo chủ đề Không tiền mặt năm nay được Ngân hàng Nhà nước chọn chủ đề là Kết nối dữ liệu. Ảnh: Q.Đ.

Theo chia sẻ từ đại diện Visa, hiện nay cứ 10 giao dịch thì có 5 giao dịch thanh toán không tiếp xúc (NAPAS đã phát hành khoảng 50 triệu thẻ không tiếp xúc). Dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều ví điện tử tham gia thêm phương thức thanh toán này.

Với các nhà băng, mảng thanh toán đã phát triển rất nhanh trong thời gian qua. Chẳng hạn, đại diện VPBank cho biết, lượng tài khoản mở năm 2022 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021. Tính đến ngày 31-5, số lượng tài khoản được mở bằng phương thức eKYC (định danh điện tử) đạt hơn 3,9 triệu khách hàng. Trong đó, tỷ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên trên ngân hàng số VPBank NEO chiếm 99% số lượng giao dịch toàn ngân hàng.

Tương tự, tại Techcombank có hơn 90% các giao dịch được thực hiện qua kênh số. Số lượng khách hàng mới tăng trưởng tới 40% năm 2022 so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ gắn bó với ứng dụng đạt đến 88%.

Hiện các ngân hàng đều tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ số của mình. Trong hình là ngân hàng đang giới thiệu sản phẩm tại lễ hội không tiền mặt. Ảnh: Q.Đ.

Các nhà băng cũng mạnh tay đầu tư vào chuyện hạ tầng và dữ liệu. Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng đã tập trung đầu tư nhân sự và hệ thống từ cách đây 10 năm. Hiện ngân hàng có khối dữ liệu riêng với 220 nhân sự, trong đó có hơn 10 chuyên gia là người nước ngoài.

Cũng theo đại diện Techcombank, trước đây ngân hàng chỉ xử lý dữ liệu rồi cất đi để lưu trữ như một loại chứng từ, thì ngày nay chủ động xây dựng và giới thiệu thêm sản phẩm cho khách hàng, dựa trên việc phân tích hành vi.

Trao đổi bên lề với KTSG Online, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, cho biết xu hướng hiện nay là phát triển dịch vụ tài chính số nhờ thanh toán không tiền mặt phát triển.

Theo đó, các khách hàng không có “điểm tín nhiệm” ở các nhà băng khi sử dụng dịch vụ thanh toán số, sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng xem xét cho vay. Con số khách hàng chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng hiện nay là không nhỏ, đặc biệt là có hơn 2/3 lực lượng lao động làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đến siêu nhỏ.

Hiện nay, xu hướng phát triển dịch vụ thanh toán không tiền mặt đang tăng tốc nhanh đáng kể, dù chủ yếu mới tập trung ở các đô thị. Điều này được các chuyên gia cho rằng người Việt luôn thích ứng nhanh với hình thức thanh toán mới và sẵn sàng chấp nhận xã hội không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, những thách thức để phát triển xã hội không tiền mặt còn đó. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, vấn đề lớn cần xem xét là câu chuyện của cơ sở hạ tầng, đồng bộ các hệ thống thanh toán, quy định của pháp luật. Hiện nay phần lớn thói quen dùng tiền mặt vẫn đến từ chuyện ngại công nghệ và sợ rủi ro.

Việc khai thác dữ liệu hiện nay là tất yếu, nhưng đối diện nhiều thách thức không nhỏ. Với cơ quan quản lý là xây dựng hệ thống pháp lý, cơ chế và cơ sở để các bên liên quan cùng khai thác, đi cùng với cơ chế bảo mật dữ liệu người dùng. Về phía các tổ chức cung cấp dịch vụ, phân tích dữ liệu để bán chéo sản phẩm là câu chuyện dài kỳ của phép “thử và sai”. Còn với người tiêu dùng, điều quan trọng là cần phải tự xây dựng ý thức trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của chính mình.

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an và các cơ quan liên quan cùng nghiên cứu, triển khai.Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; chủ động rà soát, sửa đổi các quy định thuộc thẩm quyền về ứng dụng, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động ngân hàng. 

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.