Thấy gì qua con số tăng trưởng tín dụng?

(KTSG) – Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực rủi ro trong năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, hay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tiềm ẩn rủi ro,… là những cảnh báo của Kiểm toán Nhà nước. Hiện tượng này nói lên vấn đề gì và…

Fatz Admin lúc 2023-06-14

(KTSG) – Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực rủi ro trong năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, hay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tiềm ẩn rủi ro,… là những cảnh báo của Kiểm toán Nhà nước. Hiện tượng này nói lên vấn đề gì và vì sao lại như vậy?

Tám tháng đầu năm 2022 Công ty Nova phát hành 9.857 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp – nhiều nhất trong nhóm bất động sản. Ảnh: H.P

Tín dụng ở lĩnh vực rủi ro

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 gửi Quốc hội mới đây, thông tin đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung là 13,91%. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực bất động sản là 15,37%, chứng khoán là 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 17,65%.

QUẢNG CÁO

Tuy nhiên, xét theo mặt số học, do dư nợ ở các lĩnh vực rủi ro là một thành phần con và thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ, quy mô cũng bị kiểm soát trong những năm qua nên mức tăng trưởng tương đối tuy có cao hơn nhưng mức tăng tuyệt đối chưa đến nỗi quá đáng lo ngại.

Dù vậy, trong bối cảnh cả thị trường bất động sản, chứng khoán lẫn TPDN gặp khá nhiều trắc trở và bất ổn trong năm vừa qua, việc các lĩnh vực này vẫn đạt được mức tăng trưởng tín dụng như trên cũng có thể khiến nhiều người thắc mắc.

Có thể lý giải vấn đề này theo góc nhìn như sau:

Thứ nhất, do khả năng hấp thụ vốn của các lĩnh vực khác nói chung và lĩnh vực sản xuất nói riêng đã suy giảm, vì nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng bắt đầu từ quí 4-2022 dẫn đến phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 vừa qua càng gia tăng mức độ khát vốn do tiêu thụ hàng chậm lại bởi thị trường nhà đất bước vào chu kỳ trầm lắng.

Tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung là 13,91%. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực bất động sản là 15,37%, chứng khoán là 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 17,65%.

Vừa tăng cường tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp bất động sản vừa tăng cường phát hành TPDN mà người mua cũng chính là các ngân hàng thương mại, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, trước khi xảy ra các sự cố liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) năm 2022 cho thấy nhóm bất động sản đã phát hành 51.979 tỉ đồng TPDN, chiếm tỷ trọng 20,4%, cao thứ 2 chỉ sau nhóm ngân hàng.

Ngoài ra, nhận thấy những rủi ro gia tăng từ kênh TPDN từ sau vụ việc của Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát, cũng như những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn được ban hành, các nhà đầu tư cá nhân đã né tránh kênh đầu tư TPDN, dẫn đến các ngân hàng không thể tiếp tục phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân như trước mà phải ôm vào, nếu đã lỡ tư vấn, phát hành và bảo lãnh cho các doanh nghiệp trước đó.

Với những doanh nghiệp không còn đủ tài sản để bảo đảm hoặc không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền kinh doanh bị tắc nghẽn, các lãnh đạo, cổ đông lớn nội bộ đã tìm cách thế chấp thêm lượng cổ phiếu để vay vốn bổ sung cho hoạt động của doanh nghiệp, do đó đã làm tăng dư nợ cho vay ở lĩnh vực chứng khoán. Việc hàng loạt tài khoản vay margin của các lãnh đạo, cổ đông lớn nội bộ doanh nghiệp bị bán giải chấp trong giai đoạn tháng 10-2022, đẩy thị trường giảm sâu, đã phần nào phản ánh hiện tượng này.

Đặc biệt, không ít các khoản vay này có thể đã tập trung vào giai đoạn nửa đầu năm 2022 như đã nói, trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào nửa cuối năm 2022 và những rủi ro bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn. Nhưng lúc này để thu hồi các khoản đã cho vay ra là không còn dễ, vì hầu hết các doanh nghiệp trong ba thị trường này đều đối mặt với khó khăn và áp lực dòng tiền.

Như báo cáo của VBMA cho biết, nhóm bất động sản phát hành hơn 47.000 tỉ đồng TPDN trong tám tháng đầu năm 2022, trong đó CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova phát hành nhiều nhất là 9.857 tỉ đồng. Có lẽ không ít ngân hàng khi phát vay giai đoạn đầu năm 2022 đã có kế hoạch sẽ sớm thu hồi nhằm giảm dư nợ ở những lĩnh vực rủi ro này trước khi kết thúc năm 2022, nhưng mọi việc đã diễn tiến ngoài mong đợi và hệ quả là buộc phải ôm lấy các khoản vay này, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở ba lĩnh vực này lên cao như thế.

Phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng

Một điểm cảnh báo đáng chú ý khác trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao, năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Ngoài ra, theo số liệu tự tính toán của người viết, với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2022 là 11,924 triệu tỉ đồng, tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành năm 2022 là 9,513 triệu tỉ đồng, tỷ lệ dư nợ/GDP cuối năm 2022 đã tiếp tục tăng lên mức 125,3%. Thật ra, những cảnh báo về tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cao đã được đưa ra nhiều trong thời gian qua, cho thấy hoạt động của nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn cung tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Điều này cũng phản ánh những vấn đề của thị trường vốn, khi chưa phát huy hết vai trò cung cấp các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.

Đầu tiên là thị trường chứng khoán dù đã ra đời gần 23 năm qua, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thật sự tin tưởng khi chứng kiến không ít doanh nghiệp “ăn xổi ở thì” chỉ tìm kiếm cơ hội “hút máu” cổ đông, các lãnh đạo doanh nghiệp thao túng, khả năng giám sát của cơ quan quản lý bị hạn chế. Hệ quả là dòng tiền trong dân vẫn tìm kiếm sự an tâm ở kênh tiết kiệm ngân hàng nhiều hơn.

Đối với thị trường TPDN, chỉ vừa mới ở giai đoạn sơ khai nhưng đã có dấu hiệu phát triển quá nóng và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro trong những năm gần đây. Thực tế cũng đã phát sinh quá nhiều “lùm xùm”, nên cũng làm mất niềm tin của nhà đầu tư và buộc các cơ quan quản lý phải ra tay siết chặt lại. Điều đáng nói là một lượng vốn không nhỏ rót vào kênh TPDN cũng lại đến từ dòng vốn của chính các ngân hàng, cho thấy vẫn có sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng

Trước thực trạng này, dễ hiểu vì sao nhà điều hành vẫn duy trì quan điểm cần giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành hàng năm nói chung cũng như hạn mức phân bổ cho từng ngân hàng nói riêng, dù không ít ý kiến của các đại biểu Quốc hội thời gian qua đề xuất cần sớm gỡ bỏ rào cản này. Với những rủi ro trong hoạt động tín dụng hiện nay, nếu “thả phanh” tín dụng và để các ngân hàng chạy đua cho vay, những bất ổn là khó tránh khỏi. Thực tế cũng cho thấy nhu cầu phát triển tín dụng sẽ biến thiên theo từng chu kỳ trong nền kinh tế, do đó việc xác định hạn mức và phân bổ chỉ tiêu tùy thuộc vào từng giai đoạn và tính chất ưu tiên trong điều hành vĩ mô là điều dễ hiểu.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho báo chí, đến cuối tháng 5-2023, tín dụng của nền kinh tế đạt trên 12,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng trên 3,17% so với cuối năm 2022. Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại gốc nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng, thì tăng trưởng tín dụng mới được khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng thương mại tư nhân chiếm khoảng 44% thị phần thì đang được khoảng một nửa so với mức được giao. Như vậy cả hai nhóm này vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng cho thời gian còn lại của năm nay.

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.