Cổ phiếu nào hưởng lợi từ quy hoạch điện?

Theo các chuyên gia, định hướng đáng chú ý nhất trong Quy hoạch điện VIII chính là tỷ trọng của điện sạch (điện gió, điện mặt trời) sẽ được ưu tiên phát triển. Theo các chuyên gia, định hướng đáng chú ý nhất trong Quy hoạch điện VIII chính là…

Fatz Admin lúc 2023-06-12
Cổ phiếu nào hưởng lợi từ quy hoạch điện?

Theo các chuyên gia, định hướng đáng chú ý nhất trong Quy hoạch điện VIII chính là tỷ trọng của điện sạch (điện gió, điện mặt trời) sẽ được ưu tiên phát triển.

Theo các chuyên gia, định hướng đáng chú ý nhất trong Quy hoạch điện VIII chính là tỷ trọng của điện sạch (điện gió, điện mặt trời) sẽ được ưu tiên phát triển.

Cụ thể Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.

Cổ phiếu nào hưởng lợi từ quy hoạch điện? - Ảnh 1.

Về phương án phát triển, quy hoạch yêu cầu đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.

QUẢNG CÁO

Theo quy hoạch này, các chủ đầu tư năng lượng tái tạo sẽ hưởng lợi khi nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Đơn cử như cơ điện REE tiếp tục đặt mục tiêu sở hữu thêm 100 MW điện tái tạo, trong đó chú trọng hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án. REE đang vận hành 3 nhà máy điện gió ở Trà Vinh và sở hữu Công ty Phong điện Thuận Bình (Bình Thuận). Lãnh đạo của công ty cho biết, giá điện thị trường được dự báo sẽ tăng 7-10% sẽ là tín hiệu tích cực cho các nhà máy điện trong năm 2023.

Bamboo Capital (BCG) là nhà đầu tư lớn trên mảng năng lượng sạch từ khá lâu. Doanh nghiệp này đang sở hữu khoảng 600 MW điện mặt trời chủ yếu từ 4 nhà máy, gồm: BCG Long An 1, BCG Long An 2, BCG Vĩnh Long và Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ (Bình Định). Định hướng trong tương lai, Bamboo Capital sẽ tập trung phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi, bám sát nội dung Quy hoạch điện VIII.

Tập đoàn này cho biết đã thực hiện các thương vụ M&A đối với các dự án điện gió và hiện đang sở hữu danh mục 550 MW điện gió, trong đó 300 MW đang được triển khai tại Cà Mau và Trà Vinh. Quy hoạch điện VIII cũng sẽ mang lại cơ hội tốt cho CTCP Điện Gia Lai, các doanh nghiệp chưa niêm yết như Trung Nam, BIM, Xuân Thiện.

Một lĩnh vực khác hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII là các công ty thi công và xây lắp điện gió và điện mặt trời. Trong danh sách này, nổi lên các cái tên như PC1, FCN, TV2 nhờ kinh nghiệm phong phú từ việc tham gia thiết kế, thi công các dự án điện trong quá khứ. Sức hấp dẫn của ngành điện tái tạo khiến ngay cả nhà thầu chuyên mảng dân dụng và công nghiệp Central Cons cũng ráo riết tham gia.

Năm ngoái, PC1 có thêm hơn 7.200 tỷ đồng hợp đồng xây lắp mới, trong đó khoảng 3.800 tỷ đồng từ các dự án điện gió, bao gồm dự án điện gió Tân Phú Đông 1, điện gió Khai Long, điện gió Đông Thành 1. Phần còn lại từ việc xây dựng lưới điện.

Hay như người dẫn đầu xử lí nền móng và công trình ngầm FCN đặt mục tiêu có được 6.500 tỉ đồng hợp đồng mới trong năm 2023, chủ yếu tại các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, dự án cảng biển. FCN đã tham gia thi công cho gần 20 dự án điện mặt trời và điện gió từ năm 2017-2022. Sắp tới đây, doanh nghiệp này lên kế hoạch làm chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi ở Vũng Tàu với công suất 500 MW.

Theo Công ty Chứng khoán VnDirect, Quy hoạch điện VIII được thông qua đã tạo ra bức tranh toàn cảnh cho ngành điện Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội phát triển sáng sủa cho các doanh nghiệp ngành điện trong những năm tới. Ngoài ra, hoạt động M&E (Mechanical and Electrical – cơ khí và điện) ngành điện cũng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới, tương ứng với sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn điện.

Dù vậy, chuyên gia cũng cảnh báo một số rủi ro vẫn còn đó và cần chính sách mới để giảm thiểu rủi ro. Đó là cơ chế xác định giá bán, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án điện gió, điện mặt trời… Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo rất lớn nên việc đảm bảo khả năng trả nợ là bài toán không dễ cho các doanh nghiệp. Song, xét trên nhiều khía cạnh Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở để từ đó các bộ, ngành đề ra các chính sách thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển, mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành này.

Theo Nam Minh

Thời Báo Ngân Hàng

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.